Thời sự Quốc tế

Hé lộ nỗ lực vận động hành lang tốn kém để ngăn trừng phạt Nord Stream 2

05/12/2021, 16:28

Đã có hàng chục triệu USD được đổ vào quá trình vận động hành lang Mỹ để hạn chế lệnh trừng phạt với dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2.

Chi ít nhất 14,2 triệu USD

Hãng thông tấn Ukrinform dẫn kết quả điều tra của OpenSecrets - tổ chức giám sát tài chính của các chiến dịch bầu cử cũng như các trường hợp liên quan tới vận động hành lang cho biết, kể từ năm 2017 - thời điểm ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ và ngay sau khi dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 khởi công, các công ty nước ngoài tham gia dự án đã chi 14,2 triệu USD để vận động hành lang chống lại các lệnh trừng phạt cũng như các vấn đề liên quan.

Trong đó, riêng từ đầu năm 2020, các công ty này đã chi hơn 7,4 triệu USD và 3 triệu USD khác cho 3 quý đầu năm 2021.

img

Nhân viên dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. Ảnh - Getty Image

Công ty Nord Stream 2, thuộc sở hữu của Gazprom - tập đoàn quốc doanh Nga, đã chi hơn 4,5 triệu USD cho Roberti Global – công ty vận động hành lang do nhà vận động và tài trợ của đảng Dân chủ Mỹ Vincent Roberti điều hành.

Ông Vincent Roberti đã công khai vận động về các vấn đề liên quan tới quan điểm của Mỹ đối với đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 bao gồm các lệnh trừng phạt tài chính có thể ảnh hưởng tới dự án này.

Ngoài ra, kể từ đầu năm 2020, công ty Nord Stream 2 đã chi khoảng 1,3 triệu USD cho Tập đoàn BGR do ông Walker Roberts, từng là thành viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Mỹ, đứng đầu.

Trong 3 quý đầu năm 2021, công ty vận hành Nord Stream 2, cũng chi gần 2,5 triệu USD vào vận động hành lang.

Mặt khác, 5 công ty nước ngoài hợp tác với Gazprom về đường ống bao gồm OMV AG của Áo, Shell International của Hà Lan và ENGIE của Pháp, Wintershall và Uniper SE của Đức đều thuê nhân viên vận động hành lang Bộ Ngoại giao Mỹ và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.

Tổng cộng, 5 đơn vị này đã chi hơn 840.000 USD để vận động hành lang vào năm 2020 và 600.000 USD trong 3 quý đầu năm 2021.

img

Dự án Nord Stream 2 đã hoàn thành từ tháng 9/2021 nhưng chưa đi vào hoạt động vì còn vướng thủ tục pháp lý tại Đức

Theo Ukrinform, Nord Stream 2 là dự án do công ty nhà nước Nga tham gia thực hiện nhưng là dự án thương mại nên các đề xuất liên quan đều được đăng ký theo Đạo luật Công khai vận động hành lang thay vì Luật đăng ký đại diện nước ngoài.

Do đó, thông tin chi tiết liên quan tới quan chức chính phủ mà các đơn vị vận động đã gặp gỡ đều không cần phải công khai trước người dân.

Những người vận động hành lang cho các tổ chức tư nhân nước ngoài có quyền không tiết lộ thông tin miễn là người thụ hưởng chính của hoạt động đó không phải là chính phủ hoặc tổ chức chính trị nước ngoài.

Vẫn vấp phải trừng phạt

Bất chấp những nỗ lực vận động hành lang miệt mài, dự án này vẫn vấp phải phản đối mạnh mẽ từ các Nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ.

Đạo luật quyền hạn quốc phòng (NDAA) hay còn gọi là luật ngân sách quốc phòng Mỹ trong đó có điều khoản liên quan tới trừng phạt dự án Nord Stream 2 cần phải được thông qua chậm nhất là vào ngày 31/12 tới. Nhưng khoảng cuối tháng 11 vừa qua, các Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu chặn đạo luật này.

Lý do là vì Đảng Cộng hòa phản đối việc Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer không cho phép bỏ phiếu về những sửa đổi mà Đảng Cộng hòa đề xuất trong đó có bổ sung thêm 1 biện pháp trừng phạt Nord Stream 2.

Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã miễn trừng phạt đối với một số công ty tham gia đường ống Nord Stream 2 bất chấp lưỡng đảng ủng hộ trừng phạt từ năm 2020. Thời điểm đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken giải thích, chính quyền ông Biden đưa ra quyết định này nhằm củng cố quan hệ với đồng minh và đối tác tại Châu Âu.

Song tháng 11 vừa qua, Mỹ lại áp lệnh trừng phạt với các 1 công ty và 2 con tàu liên quan tới dự án này.

Dự án đường ống Nord Stream 2 sẽ dẫn khí đốt từ Nga tới khu vực Châu Âu, bỏ qua các điểm trung chuyển truyền thống như Ukraine và Ba Lan, dự kiến nâng tổng sản lượng xuất khẩu khí đốt của Nga sang Đức lên gấp đôi.

Song phía Mỹ và các nước trung chuyển như Ukraine và Ba Lan... phản đối dự án vì lo ngại khi dự án này đi vào hoạt động, các đường ống khác vốn đi qua Ukraine có thể bị giảm/dừng hoạt động dẫn đến các nước này thiệt hàng tỉ USD tiền phí trung chuyển.

Mỹ cũng lo ngại Nga có thể dùng dự án này để gây áp lực với các nước đồng minh của Washington tại Châu Âu.

Về phần mình, Moscow và Berlin khẳng định đây hoàn toàn là dự án thương mại, không có yếu tố chính trị và đảm bảo vẫn duy trì chuyển khí đốt qua các đường ống cũ theo đúng hợp đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.