Điện ảnh

Hé lộ toan tính của Disney khi rút khỏi Đông Nam Á

20/09/2021, 12:02

Việc “gã khổng lồ” ngành giải trí Mỹ rút khỏi nhiều thị trường ở khu vực quan trọng, đẩy mạnh phát hành trực tuyến ở Đông Nam Á đã được dự báo.

Từ 1/10, Disney sẽ chấm dứt 18 kênh truyền hình, bao gồm các kênh về thể thao Fox Sports, kênh dành cho thiếu nhi Disney Channel… tại khu vực Đông Nam Á và Hong Kong (Trung Quốc).

Khi hãng phát hành hàng đầu thế giới chuyển sân, đây có là cơ hội để các kênh truyền hình trả tiền (THTT) tại Việt Nam bứt phá?

img

Disney và 14 kênh truyền hình nước ngoài dừng phát sóng tại Việt Nam từ 1/10

“Ông kẹ” làm giàu ở Đông Nam Á thế nào?

Không riêng Đông Nam Á và Hồng Kông, động thái ngừng cung cấp các kênh quen thuộc như Disney Channel, Disney XD và Disney Junior cũng được Disney thực hiện tại nhiều khu vực khác như Anh và Úc.

Ở Anh là vào đầu tháng 10/2020, ở Úc là tháng 2/2020, sau 24 năm phát sóng.

Quyết định này được đưa ra sau khi Disney hoàn tất thương vụ trị giá 71,3 tỷ USD đối với tài sản điện ảnh và truyền hình do 20th Century Fox nắm giữ.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn còn từ việc truyền hình trả tiền của “nhà chuột” liên tục có doanh thu bết bát trong vài năm trở lại đây.

Theo Variety, năm 2020, các kênh Disney chứng kiến màn sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, Disney Channel giảm 33%, Disney XD giảm 23% và Disney Junior giảm 27%. Trung bình, các kênh Disney mất 33% lượng khán giả.

Còn nhớ, thời hoàng kim, Disney Channel làm mưa làm gió khắp thế giới với những show truyền hình và những bộ phim đắt giá như: “101 Dalmatian Street”, “Amphibia”, “Emoji”, “Beyblade”, “Big Block Singsong”, “Austin & Ally”, “Almost Never”, “Choo-Choo Soul”…

The Montey Fool cho biết, gần như các lợi nhuận của Disney đều thu về từ mảng truyền hình, chiếm khoảng 40-47% doanh thu của cả hãng.

Tuy nhiên, đến nay mảng phát hành trực tuyến Disney+ đã soán ngôi vương, trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho “nhà chuột”. Hay nói như ông Bob Chapek, Giám đốc điều hành Disney trên Bloomberg: “Khi thói quen của khán giả thay đổi, Disney+ hiện là ưu tiên hàng đầu của công ty”.

Thống kê của Statista cho thấy, doanh số của Disney đạt 17 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn một chút so với mức dự báo 16,8 tỷ USD mà tạp chí Phố Wall đưa ra trước đó.

Lợi nhuận của công ty đạt 995 triệu USD, tăng mạnh so với khoản lỗ 4,8 tỷ USD được ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái.

Giám đốc điều hành Disney tiết lộ, đến cuối quý II/ 2021, Disney+ đã có gần 104 triệu người đăng ký trả phí và đang trên đà hướng đến 230-260 triệu người đăng ký vào năm 2024.

Riêng tại thị trường Đông Nam Á, Disney+ chiếm thị phần thuê bao trả tiền mới lớn nhất trong khu vực, tỉ lệ 43% trong 3 tháng đầu năm 2021, trong khi Netflix chiếm 9%, Viu (Hàn Quốc) chiếm 12%, AIS Play (Thái Lan) 9%, WeTV (Trung Quốc) 5%, iQiyi (Trung Quốc) 3%, theo Media Partners Asia (MPA).

Disney đang toan tính điều gì?

img

Bộ phim “Những phù thủy xứ Waverly” của Disney có Selena Gomez tham gia từng làm mưa làm gió màn ảnh thế giới

Screendaily dẫn lời ông John Engle, Chủ tịch Công ty Almington Capital Merchant Bankers nhận xét, ASEAN là thị trường lớn, ngày càng giàu có và có lịch sử lâu đời trong tiêu thụ nội dung phương Tây.

Nhiều năm qua, Disney cũng hướng nội dung nhiều hơn tới thị trường châu Á, bao gồm cả các phim bom tấn và loạt phim gốc.

Việc “gã khổng lồ” ngành giải trí Mỹ rút khỏi nhiều thị trường ở khu vực quan trọng, đẩy mạnh phát hành trực tuyến ở Đông Nam Á sớm đã được giới chuyên môn dự đoán.

Đặc biệt trong bối cảnh “ông trùm” Netflix cũng đang có động thái mạnh tay trong nhiều năm qua.

Riêng tại thị trường Việt Nam, cuộc chiến giữa các kênh THTT trong nước và các kênh truyền hình internet (OTT) như: Disney, Netflix… vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Tuy nhiên, việc Disney thay đổi chiến lược, trong khi Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 181/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo (sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/9) liệu có giúp doanh nghiệp Việt lật ngược thế cờ?

Biên kịch, chuyên gia truyền thông Châu Quang Phước cho rằng, đây là động thái “rút lui chiến thuật” của Disney.

Trước đó, “ông kẹ” này đã khởi động “dọn đường” tại Singapore và Indonesia, Disney+ cũng sẽ sớm “bung hàng” tại Malaysia và Hong Kong.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt vẫn đang ở thế bị động, nên việc “đi tắt” để hy vọng “đón sóng” lớn là điều không dễ dàng.

Cũng theo ông Châu Quang Phước, sắp tới các doanh nghiệp truyền hình trả tiền của Việt Nam sẽ càng bị OTT xuyên quốc gia lấn lướt hơn. Đồng ý OTT dễ dàng chiếm lĩnh thị trường trong bối cảnh không chịu bó buộc về nội dung, kiểm duyệt và thuế phí nhưng để làm được điều đó, họ phải đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của khách hàng: giá cả hợp lý, đẩy mạnh nội dung và chất lượng dịch vụ.

“Trong khi thị trường đã mở cửa, nếu doanh nghiệp Việt chỉ trông chờ vào riêng việc điều chỉnh, thay đổi hành lang pháp lý để hy vọng đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với doanh nghiệp ngoại, xem ra chỉ mới là điều kiện cần mà hoàn toàn không đủ. Niềm tin về “giấc mơ” kiểu này coi chừng là một “cái bẫy” mà chính mình tự tạo ra, với doanh nghiệp Việt và cả với người làm nghề. Mặt khác, trong ngành công nghiệp giải trí trực tuyến liên quan đến khả năng sản xuất nội dung gốc, nhận thức, nhân lực, tài lực luôn là một thách thức không thể thay đổi trong một sớm một chiều”, ông Châu Quang Phước thẳng thắn nói.

Thực tế đã chứng minh cho những toan tính của Disney sau khi dừng cung cấp các kênh trên nền tảng truyền hình trả tiền, tập trung tối da nguồn lực cho trực tuyến.

Theo The Verge, sắp tới “nhà chuột” có thể sẽ khai thác mạnh mẽ các thương hiệu sinh lời tốt, được săn đón, cùng với đó là hàng loạt phim mới, chương trình mới. Đó là lý do ông lớn này quyết định tăng ngân sách dành cho những nội dung phát trực tuyến lên 9 tỷ USD vào năm 2024.

Trong khi đó, người dùng chỉ cần bỏ ra 8 USD (khoảng 182.000 đồng) /tháng để đăng ký thuê bao dịch vụ của họ. Đây thậm chí là mức phí sau lần tăng giá 1 USD trước đó để có được một kho phim khổng lồ.

Nghị định 70/2021 quy định, từ ngày 15/9/2021, các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải thông báo với Bộ Thông tin - Truyền thông: Tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam (nếu có), cùng với đó là đầu mối liên hệ: tên tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam (nếu có), địa chỉ email, điện thoại liên hệ…

Song hành với việc Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 72 quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Bộ Tài chính hiện đang gấp rút hoàn thiện các quy định về khai, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.