Hồ sơ tài liệu

Hé lộ tương lai cho "chảo lửa" Syria?

11/03/2016, 19:24

Các bên đang cân nhắc việc thành lập chính quyền liên bang ở Syria...

syria-bung-no-bieu-tinh-chong-che-do-assad
Một người biểu tình Syria giương cao cờ của phe đối lập. (Ảnh: Reuters)

Kể từ khi nội chiến Syria nổ ra, thế giới vẫn không ngừng tập trung vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), song người dân Syria hôm nay đã xuống đường biểu tình để nhắc nhở cộng đồng thế giới về người khởi đầu cuộc chiến.

Họ lo sợ khi thỏa thuận ngừng bắn tạm thời mà Mỹ-Nga đưa ra chấm dứt, điều gì đang chờ đợi họ ở phía trước? Và đâu là điểm mấu chốt nhằm đạt được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng bạo lực, bao gồm cả giai đoạn chuyển tiếp chính trị ở quốc gia Trung Đông này?

Khi các chuyên gia, các nhà phân tích vẫn loay hoay đi tìm câu trả lời cho “bài toán” Syria, người Syria đã tranh thủ thời điểm thỏa thuận ngừng bắn tạm thời để đổ ra đường biểu tình, yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad từ chức.

Hồi tuần trước, những đám đông người Syria đã tập trung ở hàng chục thành phố, phần lớn là khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của quân nổi dậy ở phía bắc, phía nam và ngoại ô thủ đô Damascus. Họ giương cao khẩu hiệu: “Cuộc cách mạng đang tiếp diễn” để gợi nhắc về cuộc nổi dậy năm 2011 chống chế độ Assad.

Một trong những vấn đề khi Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura nhóm họp với phái đoàn chính phủ Syria và phe đối lập đặt ra: thành lập chính quyền liên bang cho Syria, trong khi cả phe đối lập và phe chính phủ đều xác nhận sẽ tham gia vào tiến trình hòa đàm ở Thụy Sĩ. Một nhà ngoại giao thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giấu tên cho hay, không ít cường quốc phương Tây – không chỉ gồm Nga đang xem xét khả năng tái cấu trúc liên bang cho Syria.

Reuters dẫn lời nhà ngoại giao giấu tên cho hay: “Trong khi cộng đồng quốc tế đang nhấn mạnh vào việc duy trì toàn vẹn lãnh thổ Syria, thì ý tưởng tái cấu trúc liên bang cho quốc gia này sẽ tiếp tục giữ nó là một quốc gia độc lập”. Song, ông này không đưa ra chi tiết về mô hình thành lập chính quyền liên bang có thể áp dụng cho Syria.

Về phần mình, thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trước đó từng gợi ý, Syria có thể trở thành một quốc gia liên bang trong tương lai. Ông nói: “Nếu kết quả của các cuộc đối thoại, tham vấn và tranh luận về tương lai của Syria khiến các bên đi đến kết luận chung rằng mô hình liên bang là cần thiết để đảm bảo sự đoàn kết, bền vững, độc lập và tự chủ của Syria, thì ai có thể phản đối được điều đó?”.

Dù thế nào, điểm chung lớn nhất giữa các bên trong cuộc hòa đàm Syria vẫn là số phận của ông Assad. Những người ủng hộ ông Assad ở phía Nga và Iran thì cho rằng, chính Syria mới có thể tự quyết định vấn đề đó.

Cuộc nội chiến kéo dài suốt 5 năm qua đã khiến 250.000 người thiệt mạng và 11 triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa.Hiện lãnh thổ Syria bị chia cắt dưới sự quản lý của các nhóm gồm chính phủ và các đồng minh, người Kurd do phương Tây hậu thuẫn, phe đối lập và phiến quân Nhà nước Hồi giáo… Cũng trong tuần này, Ả rập Saudi ủng hộ phe đối lập Syria đã bác bỏ đề nghị của Nga nhằm thành lập chính quyền liên bang cho quốc gia Trung Đông. Điều phối viên phe đối lập Syria, Riad Hijab nói: “Bất kỳ điều gì tương tự như một chế độ liên bang ở Syria sẽ không thể chấp nhận được. Chúng tôi đã đồng ý đề xuất mở rộng chính phủ Syria trong tương lai, song không phải mô hình liên bang hay chia rẽ”.

Trả lời phỏng vấn hồi tháng 9/2015, Tổng thống Assad cũng không loại trừ ý tưởng về một chính quyền liêng bang cho Syria. Ông nói: “Khi người dân Syria đã sẵn sàng để chuyển hướng, chúng tôi sẽ thuận theo tự nhiên”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.