Hạ tầng

Hé lộ tuyến Metro đến Tân Sơn Nhất: 2 km đi ngầm

21/11/2016, 13:02
image

Tuyến nhánh Metro 4b-1 từ công viên Hoàng Văn Thụ vào sân bay Tân Sơn Nhất dài khoảng 2km đi ngầm trong lòng đất...

18

Tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên đang trong quá trình xây dựng, sẽ kết nối tuyến metro 4b-1

Metro đến Tân Sơn Nhất có 2 ga ngầm 

Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt đô thịTP.HCM, các đơn vị tư vấn Hàn Quốc vừa hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến metro 4b-1 từ công viên Hoàng Văn Thụ vào sân bay Tân Sơn Nhất dài khoảng 2 km đi ngầm trong lòng đất đến cửa CHK quốc tế.

Theo đó, sẽ xây dựng một nhà ga ngầm tại công viên Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình), một nhà ga ngầm ở cửa CHK quốc tế và được kết nối bằng tuyến đường hầm đi bộ đến cửa sân bay nội địa. Đơn vị tư vấn cho biết, tuyến Metro đến Tân Sơn Nhất sẽ tạo điều kiện cho người dân từ các quận nội thành đến sân bay thuận lợi nhất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP.HCM. 

Trong quý I/2017, Ban QLDA đường sắt sẽ trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương đầu tư xây dựng tuyến metro này. Sau khi có chủ trương, các đơn vị sẽ triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi và trình Thủ tướng phê duyệt dự án vào quý I/2018. Tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 276 triệu USD (khoảng 6.154.800 tỷ đồng), trong đó vốn vay Chính phủ Hàn Quốc khoảng 90%, phần còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách. Chi phí thu hồi đất và bồi thường GPMB khoảng 725 tỷ đồng. Dự kiến đến quý I/2019 dự án này sẽ được khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 2024. Tuyến nhánh metro 4 b-1 được kết nối với tuyến metro số 5, số 2 (Bến Thành (Q1) - Tham Lương (Q.12) và tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (Q.9). 

Theo thiết kế, ga Hoàng Văn Thụ sẽ kết nối với ga S16 và ga sân bay sẽ được đặt cách ga quốc tế 83m. Tại nhà ga công viên Hoàng Văn Thụ, độ dài của lối đi bộ là 150m, ga sẽ nằm ở vị trí hầm công viên Hoàng Văn Thụ trong khi đó tuyến metro số 5 không bị thay đổi.

Ga sân bay sẽ có ba tầng ngầm, nhu cầu vận chuyển giờ cao điểm (mục tiêu đến năm 2043 là 3.366 người/ngày). Ga công viên Hoàng Văn Thụ cũng có ba tầng ngầm, trung chuyển với tuyến metro 5 tại tầng B2, nhu cầu vận chuyển giờ cao điểm (mục tiêu đến năm 2043 là 3.429 người/ngày). 

Xem thêm 5.468 tỷ đồng thiết kế tuyến metro vào sân bay Tân Sơn Nhất

Có Long Thành, nhu cầu giao thông ở Tân Sơn Nhất vẫn rất cao

Ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, tuyến nhánh metro 4b-1 xây dựng hai nhà ga ngầm nối vào sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi đưa vào khai thác sẽ góp phần đáng kể giảm tình trạng ùn tắc giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại rất lớn của hành khách từ các quận nội thành đến sân bay Tân Sơn Nhất. Tuyến nhánh metro này sẽ kết nối với các tuyến metro khác tạo thành hệ thống hoàn chỉnh. Trong trường hợp CHK quốc tế Long Thành đưa vào khai thác, nhu cầu hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đông. Do vậy, việc xây tuyến nhánh metro 4b-1 là khả thi và đem lại hiệu quả kinh tế trong tương lai. 

Để có cơ sở xây dựng hai nhà ga trên, Ban QLDA đường sắt đô thị tính toán và dự đoán kỹ lưỡng nhu cầu sử dụng giao thông khi CHK quốc tế Long Thành được xây dựng và đưa vào khai thác. Giả sử trong tình huống 1, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất được rời về sân bay Long Thành, khi đó Tân Sơn Nhất chỉ được sử dụng làm sân bay nội địa, năng lực nhà ga nội địa chỉ đạt 180 nghìn người/ngày do cơ sở vật chất hạn chế, dự tính đến năm 2043 sẽ vượt quá năng lực khai thác. Trong tình huống 2, sau khi Tân Sơn Nhất dời về Long Thành, ga nội địa vẫn giữ nguyên và một số ga quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất vẫn được khai thác, khi ấy năng lực của hai nhà ga đạt 270 nghìn người/ngày (như năm 2016) và năng lực khai thác sẽ đến năm 2030. 

Đến năm 2024, tổng số hành khách sử dụng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ giảm 134 nghìn người/ngày do CHK quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ chuyển về CHK quốc tế Long Thành. Do vậy, trong tình huống 1 số hành khách sử dụng là 187 nghìn người/ngày (tăng 1,7%). Trong tình huống 2, số hành khách sử dụng là 270 nghìn người/ngày (tăng 3,7%). Như vậy, vào năm 2043, nhu cầu giao thông của tình huống 1 là 40.096 người/ngày và tại tình huống 2 là 54.428 người/ngày. “Điều này cho thấy có thể xem xét kế hoạch sử dụng hai nhà ga ngầm trong tương lai và không ảnh hưởng đến việc CHK quốc tế Long Thành đưa vào khai thác”, đại diện Ban QLDA đường sắt đô thị TP.HCM cho biết.

Theo Ban QLDA đường sắt đô thị TP HCM, trong năm 2016 số lượng hành khách lên máy bay và khách đến sân bay Tân Sơn Nhất là 269.000 người sử dụng sân bay mỗi ngày. Trong đó, số lượng hành khách tại nhà ga quốc tế là 144.000 người (53%) và nhà ga nội địa là 125.000 người (47%). 

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Phạm Sanh cho biết, TP HCM cần nghiên cứu kỹ hiệu quả của dự án để so sánh với những phương án khác, tránh gây lãng phí. Hiện TP đã có 2 dự án trên cao để kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất khi đầu tư thêm dự án nhà ga ngầm, cần tính toán lại nguồn vốn cho dù là vốn vay.

Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch cho rằng, dự án xây dựng hai nhà ga ngầm nối vào sân bay Tân Sơn Nhất nên làm và cần thiết kế kết nối nhà ga vào sân bay Tân Sơn Nhất, phục vụ hành khách. Tuy nhiên, TP nên cân nhắc nguồn lực trước khi quyết định đầu tư.

Đỗ Loan

Xem thêm video:

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.