Y tế

Hệ lụy bệnh “chán ăn tâm thần” ở tuổi dậy thì

05/03/2023, 06:00

Bệnh nhân “chán ăn tâm thần” luôn có cảm giác sợ hãi, ám ảnh về cân nặng, thường xuyên soi gương và luôn không thỏa mãn với hình thể hiện tại...

Căn bệnh chán ăn với các dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý về tiêu hóa, tim mạch hay thần kinh sẽ để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc nếu không được can thiệp kịp thời.

Gầy trơ xương vẫn ám ảnh… mình béo

img

Bác sĩ thăm khám cho 1 trường hợp “chán ăn tâm thần”

Bé N.T.K (nam, 13 tuổi) là một trong số bệnh nhân mắc bệnh “chán ăn tâm thần” hiện đã được điều trị thành công tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.

Trước đó, K. được mẹ đưa đến khám bởi các dấu hiệu mệt mỏi, ăn uống kém, gầy sút cân, chân sưng phồng và nhiều vệt xuất huyết do luyện thể thao chạy bộ quá nhiều.

Cách đây chừng 1 năm, K. cao 1,76m, nặng 67kg, hoạt bát, học giỏi, tuy nhiên những câu trêu đùa của bạn bè “thân hình quá khổ, không cân đối” đã khiến K. suy nghĩ nhiều, dần tự mặc định mình thực sự béo và xấu nên ngày càng tự ti.

K. tìm hiểu về các phương pháp giảm cân trên mạng xã hội, tự giảm tất cả lượng thức ăn nạp vào cơ thể, đồng thời thực hiện các bài tập thể dục đốt cháy mỡ thừa với cường độ cao. Kể cả khi cân nặng chỉ còn 49kg, K. vẫn không dừng lại.

Chỉ đến khi được chẩn đoán hội chứng trầm cảm và có chỉ định điều trị nội trú, K. mới lấy lại cảm giác thèm ăn và không còn lo lắng về hình thể.

May mắn phát hiện sớm hơn, chưa có dấu hiệu ảnh hưởng đến tim mạch, em N.M.O (16 tuổi) được mẹ đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần sau khi người mẹ nhận thấy con sụt cân nhiều (từ 43kg xuống chỉ còn 31kg, dù cao 1,56m), sống khép kín, bên cạnh đó, con tắt kinh nguyệt gần 8 tháng.

Sau khi dò hỏi, mẹ O. mới biết lý do “con mong muốn có thân hình mảnh dẻ như thần tượng”, nên gần như hạn chế tối đa thực phẩm nạp vào, mỗi ngày chỉ ăn vài thìa cơm vào bữa tối.

Cơ thể suy yếu, nhưng O. luôn cho rằng mình rất bình thường. O. được chẩn đoán mắc bệnh “chán ăn tâm thần”.

Nhịn ăn quá mức có thể gãy xương

BS. Nguyễn Phương Linh, Khoa điều trị Rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, đa phần bệnh gặp nhiều ở lứa tuổi từ 13 - 18, khi các em đang dậy thì với nhiều thay đổi về tâm sinh lý rất nhạy cảm.

Theo BS. Vũ Sơn Tùng, Viện Sức khỏe Tâm thần, gần đây Viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân “chán ăn tâm thần”.

Đây là dạng rối loạn ăn uống do hạn chế năng lượng nạp vào so với nhu cầu. Bệnh nhân sẽ có cảm giác sợ hãi, luôn ám ảnh về cân nặng, hình thể và bữa ăn. Có những bệnh nhân thường xuyên soi gương, đánh giá cơ thể của mình hàng ngày và luôn không thỏa mãn.

Ở tuổi dậy thì, các bé thường lo lắng về ngoại hình, so sánh với bạn bè và đôi khi nhận thức tiêu cực về hình ảnh cơ thể mình. Không ít trường hợp bị ảnh hưởng từ các ngôi sao khiến họ cố gắng nhịn ăn để thay đổi giống như thần tượng.

Về các dấu hiệu để nhận biết, BS. Sơn Tùng cho hay, bệnh nhân thường giảm cân quá mức hoặc không tăng cân theo tiêu chuẩn phát triển.

Do vậy bệnh nhân thường có ngoại hình mỏng manh, thon gọn quá mức; kèm theo dấu hiệu mệt mỏi, mất ngủ, chóng mặt hoặc ngất xỉu, móng tay đổi màu xanh, tóc mỏng, dễ gãy hoặc rụng, lông tơ mềm phủ khắp cơ thể, bệnh nhân bị mất kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt, nhịp tim tăng hoặc giảm bất thường.

Phát hiện bệnh chậm có thể để lại nhiều biến chứng như thiếu máu; loãng xương, nguy cơ gãy xương; giảm khối lượng cơ, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới; giảm testosterone ở nam giới; các vấn đề về đường tiêu hóa.

Theo BS. Sơn Tùng, bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, mọi cơ quan trong cơ thể có thể bị tổn thương. Ở mức nghiêm trọng nhất, bệnh nhân có thể tử vong đột ngột do rối loạn nhịp tim, mất cân bằng điện giải.

Bệnh nhân mắc chứng “chán ăn” kéo dài thường mắc các rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, lo âu… và đáng ngại là hành vi tự hủy hoại hoặc có ý tưởng, hành vi tự sát. Vì vậy, người bệnh cần được đến khám và điều trị tại đúng chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân.

Có 2 loại “chán ăn tâm thần”, trường hợp thứ nhất là hạn chế ăn uống, người bệnh hạn chế lượng thức ăn nạp vào bằng cách ăn càng ít càng tốt. Trường hợp thứ hai là người bệnh ăn thức ăn nhưng sau đó bị nôn hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng để tống thức ăn ra ngoài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.