Bạn cần biết

Hệ lụy tài chính đè nặng bệnh nhân ung thư

08/10/2016, 18:14
image

Hơn 70% bệnh nhân mắc ung thư phát hiện và điều trị ở giai đoạn muộn.

13

Nhiều gia đình có người thân mắc ung thư rơi vào tình trạng khánh kiệt - Ảnh minh họa

1/3 số bệnh nhân ung thư không đủ tiền mua thuốc điều trị

Tại Hội thảo Quốc gia về phòng chống ung thư diễn ra ngày 6/10, PGS. Bùi Diệu, nguyên Giám đốc BV K T.Ư cho biết: Theo nghiên cứu hồi cứu các ca bệnh ung thư tại 5 bệnh viện lớn chuyên khoa ung bướu, có tới gần 71% bệnh nhân đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn. Điển hình như ung thư đại trực tràng giai đoạn I và II chiếm 32%, giai đoạn muộn chiếm 68,48%; Ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm chiếm khoảng 46%, giai đoạn muộn chiếm gần 54%...

Lý giải về nguyên nhân này, các bác sĩ chuyên ngành ung thư cho hay, tỷ lệ người dân có hiểu biết về ung thư khá thấp, nhiều người có quan niệm ung thư là bệnh nan y không thể chữa, chỉ chờ chết. Điều này thể hiện khá rõ qua kết quả khảo sát cộng đồng ở 12 tỉnh, thành về kiến thức, thực hành phòng, chống bệnh ung thư của BV K TƯ. Cụ thể, chỉ có 35% hiểu biết về bệnh ung thư, có tới 67% người cho rằng ung thư là bệnh nan y, phát hiện sớm hay muộn cũng thế thôi và gần 36% cho rằng, bị ung thư nếu đụng dao kéo sẽ di căn sớm và chóng chết.

Theo công bố của WHO, Việt Nam đứng thứ 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng với tỷ lệ chết vì ung thư là 110 ca/100 nghìn người. Trong đó, ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nam giới, còn ở nữ giới đứng đầu là ung thư vú, tiếp đến là ung thư cổ tử cung. Đứng thứ hai là ung thư dạ dày ở cả hai giới.

Ông Bùi Diệu cũng cho hay, ước tính mỗi năm toàn cầu có hơn 14,1 triệu người mắc mới và 8,2 triệu người chết do ung thư, trong đó gần 70% là ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, ước tính đến năm 2020 sẽ có ít nhất khoảng 189 nghìn ca ung thư mắc mới được ghi nhận, trong đó có 73% liên quan đến các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là ung thư, tim mạch, bệnh phổi mạn tính và tiểu đường.

Các nghiên cứu về tài chính trong điều trị ung thư ở Việt Nam gần đây cũng cho thấy, những gia đình có người bệnh ung thư phải gánh chịu hệ lụy tài chính nặng nề từ việc điều trị ung thư. Theo đó, khoảng 1/3 số người bệnh ung thư không đủ tiền mua thuốc điều trị sau 12 tháng phát hiện bệnh, 22% không thể thanh toán chi phí đi lại; 24,37% gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt (không đủ khả năng chi trả chi phí thường xuyên trong gia đình như tiền điện, nước, ga…), phải vay mượn, thậm chí gần 9% gia đình phải bán đất đai, nhà cửa, chuyển nhà… Lý giải về tình trạng này, ông Bùi Diệu cho hay, chủ yếu là do phần lớn bệnh nhân phát hiện và điều trị bệnh ung thư ở giai đoạn muộn.

Nâng cao hiểu biết, dự phòng về ung thư

Theo thống kê nghiên cứu của Dự án Phòng, chống ung thư tại Việt Nam năm 2012, tổng chi phí trực tiếp và gián tiếp cho 6 bệnh ung thư như: Vú, cổ tử cung, gan, đại tràng, khoang miệng và dạ dày lên tới 25,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi phí tiền túi hộ gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất 42,4% với giá trị ước tính lên đến 12,5 nghìn tỷ đồng… Đa phần người bệnh và gia đình đều tự chi trả các chi phí điều trị bệnh khoảng 98%. Trong đó, tỷ lệ người bệnh và người nhà tự chi trả nhiều nhất ở nhóm mắc bệnh ung thư khoang miệng và thấp nhất ở nhóm người mắc bệnh ung thư đại trực tràng.

>>>Xem thêm video:

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến nhận định: Tỷ lệ mắc mới ung thư và tỷ lệ tử vong ngày càng tăng. Do vậy, việc mở rộng hệ thống phòng, chống ung thư, tăng cường nhân lực, trang thiết bị, kỹ thuật công nghệ cho điều trị ung thư cần được chú trọng. Nâng cao hiểu biết, dự phòng về ung thư là cách giảm thiểu tối đa những gánh nặng về kinh tế, tâm lý đến cá nhân, gia đình và xã hội.

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra khuyến cáo 40% ung thư có thể dự phòng, 30% ung thư có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, 30% có thể kéo dài thời gian sống, cải thiện cuộc sống nhờ can thiệp bằng kỹ thuật. Chính vì vậy, công tác phòng, chống ung thư tại Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng 40% người dân có hiểu biết đúng; 80% cán bộ y tế được đào tạo biện pháp phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ung thư. Bên cạnh đó, tổ chức sàng lọc phát hiện ung thư vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng, góp phần giảm từ 15-20% bệnh nhân ung thư được chẩn đoán và điều trị giai đoạn muộn; Thành lập và đưa vào hoạt động các đơn vị điều trị đau và chăm sóc chấn thương giảm nhẹ tại các cơ sở phòng, chống ung thư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.