Kinh tế

Hệ lụy tàu cá tắt giám sát hành trình khi đánh bắt

14/09/2020, 06:09

Một bộ phận nhỏ ngư dân do thấy lợi trước mắt nên tắt thiết bị giám sát hành trình để khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.

img
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình không chỉ giúp xác định vùng đánh bắt mà còn xác định nguồn gốc thủy sản giúp Việt Nam sớm gỡ thẻ vàng EC

Việc này không chỉ khiến tàu cá có nguy cơ bị đâm chìm mà còn khiến hoạt động xuất khẩu thủy sản của cả nước tăng rủi ro, chi phí…

Vi phạm lãnh hải - “con sâu làm rầu nồi canh”

Nhớ lại ký ức kinh hoàng khi bị đâm chìm tàu giữa biển, chủ tàu Hoàng Đăng L. (Quảng Bình) kể, mới đây, tàu của ông đánh bắt vùng biển giáp ranh được hơn 10 ngày nhưng thấy không được nhiều.

Hơn nữa, khi đó tàu của ông chỉ cách đường biên giới chừng vài hải lý, nơi có vựa cá lớn nên đành nhắm mắt làm liều tắt thiết bị GSHT qua đánh bắt.

Sau nửa ngày, cá đầy khoang, ông L. chưa kịp vui mừng thì đã bị tàu cảnh sát biển nước ngoài lao tới đâm chìm tàu, 9 người trên thuyền may mắn được tàu cá Việt Nam cứu vớt, đưa về đất liền.

“Nếu họ (cảnh sát biển nước ngoài - PV) không đâm chìm mà bắt được tàu cá của mình vượt biên giới, trả về thì phía Việt Nam cũng xử phạt 800 triệu đến 1 tỷ đồng” Ông L. chia sẻ.

Ông Trần Văn Năm, chủ tàu cá có công suất 880 CV, trú xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình) cũng cho biết, cách đây chưa lâu, khi hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa, ông chứng kiến 3 tàu chạy qua vùng biển nước ngoài đánh cá, đã bị hải giám nước ngoài đâm chìm 1 chiếc, 2 chiếc bị áp giải đi mất.

Theo ông Năm, quy định các tàu công suất lớn phải lắp GSHT mới được ra khơi rất cần thiết, giúp ngư dân yên tâm hơn, không sợ vi phạm lãnh hải. Kể cả khi giao tàu cho người khác, chủ tàu ở nhà cũng rất yên tâm bởi chỉ cần mở Smartphone là biết tàu của mình đánh cá ở khu vực nào trên biển.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình, tuy chưa có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc lắp đặt thiết bị GSHT, song đến nay, ngư dân Quảng Bình đã tự giác lắp đặt cho 1.029 tàu cá xa bờ (hoàn thành hơn 98%).

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Thủy sản Quảng Bình cho biết, việc lắp đặt thiết bị GSHT giúp cơ quan chức năng kiểm soát hành trình, vị trí, nhật ký, sản lượng, nguồn gốc thủy sản khai thác…

Tuy nhiên, một số ngư dân vẫn chưa nắm và thực hiện đầy đủ quy định về vận hành và sử dụng thiết bị mới này. Từ đầu năm 2020 đến nay, có nhiều tàu mất kết nối trong thời gian hơn 6 giờ và có hơn 200 chuyến xâm phạm qua biên giới biển.

“Nguyên nhân có thể do lỗi kỹ thuật của thiết bị, hoặc do ngư dân chưa quen sử dụng, song cũng có thể thuyền viên cố tình”, ông Linh nói.

Thu giấy phép, cấm ra khơi tàu không lắp thiết bị GSHT

Tại Nghệ An, trong năm 2020, dù chưa có trường hợp nào bị tàu hải giám nước ngoài bắt, nhưng cũng có 13 lượt tàu bị lực lượng chức năng nước ngoài thông báo vi phạm lãnh hải.

Ông Trần Xuân Nhuệ, Trạm trưởng Trạm gần bờ, Chi cục thủy sản Nghệ An cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều cho ngư dân chấp hành quy định về vùng đánh bắt, ranh giới biển nhưng vẫn có những trường hợp vi phạm”.

Để nỗ lực “gỡ” thẻ vàng xuất khẩu vào EU, Chính phủ đang chỉ đạo tất cả các tỉnh rà soát, yêu cầu các tàu cá gắn và mở thiết bị GSHT 24/24; Bộ Quốc phòng tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, Thủ tướng chính phủ cũng đã giao Bộ TT&TT hỗ trợ và kiểm soát việc giữ kết nối thiết bị giám sát liên tục để tránh hiện tượng ngư dân tắt máy. Có thể sử dụng hình thức gắn cố định thiết bị vào một vị trí trong tàu mà người dân không thể bật/tắt, hoặc thiết bị đó không có tính năng bật tắt.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản


Để minh chứng, ông Nhuệ cho PV xem tín hiệu và vị trí của toàn bộ các tàu cá Nghệ An đang đánh bắt cá trên biển. Tại thời điểm sáng 11/9, vẫn có 37 tàu ở vị trí phía Đông đường phân định lãnh hải.

Theo ông Nhuệ, ngoại trừ một số trường hợp cố tình sang vùng biển nước khác đánh bắt hải sản, thì vẫn có nhiều trường hợp vượt lãnh hải vì lý do khách quan, như: Tín hiệu phát sóng không chính xác, tàu trôi dạt do máy hỏng, bộ phận dẫn đường bị hỏng...

Tuy nhiên, ngay khi phát hiện tàu đi vượt ra ngoài hải phận, đơn vị quản lý đều phát đàm thông báo qua tần số 8063 và kêu gọi các tàu quay trở lại.

Theo thống kê của Nghệ An, toàn tỉnh có 1.240 tàu đánh bắt cá các loại thuộc diện bắt buộc phải lắp thiết bị GSHT.

Tính đến thời điểm này, chỉ còn 138 tàu chưa lắp, trong đó chủ yếu là các tàu nằm bờ, tàu hư hỏng.

Ông Nguyễn Chí Lượng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết, để khuyến khích, hỗ trợ người dân lắp đặt thiết bị GSHT trên tàu cá, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ mỗi tàu 50% giá mua thiết bị (không vượt quá 8,5 triệu đồng/tàu) từ ngày 1/8/2020. Đồng thời, hỗ trợ 50% phí duy trì (không quá 120.000 đồng/tháng/tàu) trong thời gian 5 năm từ năm 2020 - 2025.

“Hiện, chúng tôi đang phối hợp với địa phương để thực hiện chi trả tiền hỗ trợ theo Nghị quyết, đồng thời tuyên truyền vận động để lắp nốt số tàu còn lại. Riêng với những trường hợp cố tình không lắp thì Chi cục đã có văn bản đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh không cho tàu ra khơi và thu hồi giấy phép khai thác nguồn lợi thủy sản trên biển”, ông Lượng nói.

Nỗ lực “gỡ” nguy cơ cấm xuất khẩu vào EU

Không chỉ đối mặt với nguy cơ bị đâm chìm, bị xử phạt nặng, việc đánh bắt vượt lãnh hải còn ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ra nước ngoài.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, thủy sản Việt Nam bị Hội đồng châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng từ năm 2017, từ giai đoạn đó toàn bộ sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này đều phải kiểm tra rất chặt chẽ về hồ sơ đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Hùng, trong giai đoạn bị dính thẻ vàng từ 2017 - 2019, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 30 - 32 triệu USD, tương đương mỗi năm hơn 10 triệu USD.

“Tuy lượng sụt giảm này không lớn nhưng nó ảnh hưởng đến uy tín và vị thế của ngành thủy sản Việt Nam”, ông Hùng nói và nhận định: Trong trường hợp bất khả kháng, chúng ta bị thẻ đỏ như Campuchia thì các sản phẩm thủy sản của Việt Nam sẽ bị cấm nhập khẩu hoàn toàn vào EU.

Các thị trường khác mặc dù chưa có quy định này nhưng họ sẽ xem EU là thị trường tín chỉ, nên xuất khẩu vào các thị trường này cũng sẽ rất khó khăn.

Vì vậy, Việt Nam phải triển khai quyết liệt các giải pháp để chống khai thác bất hợp pháp (IUU) để đảm bảo khai thác bền vững và hội nhập quốc tế bằng nỗ lực “gỡ” thẻ vàng tại EC.

Ông Hùng cũng cho biết, Việt Nam đã lắp được khoảng trên 80% hệ thống GSHT trên các tàu đánh bắt thủy sản, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn lượng lớn tàu cá khi khai thác trên biển mất kết nối.

Chưa kể, một số tàu cá khi khai thác ở những vùng giáp ranh đã tự tắt kết nối, dẫn đến nguy cơ cao không kiểm soát được việc khai thác bất hợp pháp, vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.