Hồ sơ tài liệu

Hệ lụy việc Crimea sáp nhập vào Nga

19/03/2014, 06:11

Hôm qua (18/3), Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn một hiệp ước dự thảo sáp nhập bán đảo tự trị Crimea thuộc Ukraine vào Liên bang Nga...

Hôm qua (18/3), Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn một hiệp ước dự thảo sáp nhập bán đảo tự trị Crimea thuộc Ukraine vào Liên bang Nga, đồng thời xác nhận Moscow đang lên kế hoạch đưa khu vực này trở thành một phần lãnh thổ của Nga.
 

Người dân nhảy múa ăn mừng kết quả trưng cầu dân ý
Người dân nhảy múa ăn mừng kết quả trưng cầu dân ý


Crimea gặp khó

Cũng theo Điện Kremlin, ông Putin sẽ ký hiệp ước này với giới lãnh đạo Crimea. Trước đó, trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3/2014, các cử tri vùng Crimea, với hơn 96,77% phiếu thuận, đã đồng ý sáp nhập vùng lãnh thổ này vào Nga, cho dù phương Tây tuyên bố không thừa nhận cuộc bỏ phiếu này.

Tình hình trước và sau cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea không có gì thay đổi. Trang Francetvinfo trích dẫn nhận định của bà Helene Blanc, một chuyên gia về Nga: Trong một chừng mực nào đó, vùng Crimea đã gắn với Nga và cuộc trưng cầu dân ý chỉ nhằm chính thức hóa tình hình đã tồn tại trên thực tế. Vả lại, trước cuộc trưng cầu dân ý, vùng Crimea đã được hưởng quy chế tự trị, có một sự độc lập tương đối với chính quyền Kiev.

Về mặt kinh tế, nếu sáp nhập vào Nga, Crimea sẽ nhanh chóng chuyển sang dùng đồng rúp. Tuy nhiên, cũng có những lo ngại vì kinh tế Nga đang gặp khó khăn, tăng trưởng đi xuống và nguy cơ đối mặt với các biện pháp trả đũa kinh tế của phương Tây. Ngoài ra, Ukraine đang cung cấp 85% nguồn nước và 82% tổng nhu cầu điện của bán đảo Crimea. Trước mắt, Nga chưa thể thay thế nguồn cung ứng này.

Hệ lụy đối với Ukraine sẽ ra sao? Đất nước này bị mất đi 27.000km2 với hai triệu dân và lối đi ra biển Đen. Cho đến nay, Crimea chủ yếu dựa vào du lịch, do vậy, Ukraine không chịu tổn thất lớn về kinh tế. Tuy nhiên, đây là một mất mát mang tính biểu tượng cao đối với chính quyền Kiev trong việc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Phương Tây mất thể diện

Đồng thời, đây cũng là một thất bại về ngoại giao của phương Tây. Cho đến tận sát ngày tổ chức trưng cầu dân ý, EU và Mỹ vẫn cố tìm kiếm một giải pháp với nhiều cảnh báo, đe dọa trừng phạt, cô lập Nga. Thế nhưng, theo bà Helene Blanc, cho đến nay, chỉ có “Mỹ và trong một chừng mực hạn hẹp nào đó là Đức, là có thể đối thoại với ông Putin”. Và tùy theo từng đối tác, ông Putin có ứng xử khác nhau.

Chưa đầy một ngày sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý, Mỹ, Canada, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã công bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức Nga và Ukraine trong chính quyền của Tổng thống Yanukovych (Tổng thống bị lật đổ). Tuy nhiên, ông Paul J.Saunders - Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu các lợi ích quốc gia tại Mỹ cho rằng: “Các biện pháp đó sẽ có ít tác động và chỉ mang tính biểu tượng là chủ yếu”.

Cũng theo ông Paul J.Saunders, các thông tin ban đầu cho thấy, EU không sẵn sàng trừng phạt các quan chức cấp cao Nga, trong đó có hai cố vấn của Tổng thống Putin. Điều này cho thấy mâu thuẫn giữa Mỹ và khối này trong việc gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga. Ngay cả Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nói rằng, EU đã thể hiện sự đoàn kết to lớn trong giải quyết khủng hoảng, song sẽ không dễ dàng để quyết định trừng phạt Nga, kể cả khi nước này từ chối đối thoại với Ukraine.

Liên quan đề nghị viện trợ quân sự của Ukraine, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết, Mỹ hiện đang xem xét đề nghị trên, song khẳng định Washington vẫn đang giới hạn sự giúp đỡ ở mức hỗ trợ kinh tế trong khi tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao với Nga, Fox News đưa tin.
 

Nga ký hiệp ước với Crimea

Chiều tối qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một hiệp ước với các nhà lãnh đạo Crimea về việc sẽ trở thành một phần của Liên bang Nga. Truyền hình nhà nước Nga đã phát sóng trực tiếp cảnh Tổng thống Putin ký hiệp ước với Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov và các nhà lãnh đạo khác tại một buổi lễ ở Điện Kremlin với sự tham dự của lưỡng viện Quốc hội Nga.

Quang Minh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.