Xã hội

Hệ lụy dai dẳng vụ nắn cong đường sát đất của 20 cán bộ Trà Vinh

06/07/2022, 20:14

Nhiều năm trôi qua, hệ lụy từ việc cố tình nắn cong tuyến đường số 1, tỉnh Trà Vinh để lại vẫn rất lớn, không biết khi nào mới giải quyết xong.

Liên quan đến vụ việc, UBND tỉnh Trà Vinh đã cung cấp các văn bản, tài liệu về dự án đường số 1 theo đề nghị của Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ). Lãnh đạo địa phương này cho biết đang chờ các cơ quan Trung ương hỗ trợ, tháo gỡ dứt điểm những vướng mắc liên quan tuyến đường này.

Đường số 1 từng bị "bẻ cong" như thế nào?

Tuyến đường số 1 do Sở GTVT tỉnh Trà Vinh làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh này phê duyệt lập hồ sơ đầu tư xây dựng từ năm 2004. Ban Quản lý các dự án giao thông được chỉ định thầu tư vấn, lập dự án, hợp đồng thiết kế.

img

Ngã ba đường số 1 giao với đường Lê Văn Tám, rẽ trái vài chục mét là vị trí làm đường cũ.

Theo đó, con đường này nằm song song và ở giữa hai con đường đã có là QL54 và đường Mậu Thân, có tổng chiều dài 2.200m. Trong đó, mặt đường rộng 30m, vỉa hè 18m (mỗi bên 9m), còn lại đất bố trí tái định cư tại chỗ, mỗi bên 30m, tính từ vỉa hè.

Tháng 8/2006, UBND tỉnh Trà Vinh ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư công trình này với tổng mức đầu tư hơn 141 tỷ đồng.

Sau đó, theo Tờ trình của Sở GTVT Trà Vinh, dự án được điều chỉnh quy mô xây dựng, đoạn từ Km 2+378,78 đến Km 3+010,47 từ 2 làn xe lên thành 4 làn xe, chiều rộng phần xây dựng từ 19,5m tăng lên 26m.

Tổng dự toán bổ sung phần mở rộng công trình hơn 14 tỉ đồng, nâng tổng mức đầu tư cả công trình lên hơn 160 tỷ đồng.

Việc điều chỉnh này không có chỉ định thầu và không ký hợp đồng thiết kế. Dù hồ sơ chưa đủ cơ sở pháp lý, sai với quy định tại Luật Xây dựng thời điểm đó nhưng chủ đầu tư là Sở GTVT vẫn tiến hành thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt.

Nghiêm trọng hơn, trong quá trình thi công, Sở GTVT đã tự ý thay đổi về quy mô, lẫn vị trí tuyến so với chủ trương đầu tư ban đầu được phê duyệt.

img

Cầu Ô Xây hiện hữu trên đường Lê Văn Tám.

Cụ thể, điểm đầu cách mố cầu Ô Xây là 170m (lệch 90m so ban đầu); điểm cuối cách QL54 là 142m (lệch về hướng QL54 là 93m); chiều rộng toàn tuyến chia làm hai đoạn khác nhau.

Sự tuỳ tiện này đã nâng chiều dài tuyến đường lên 810m so với ban đầu (từ 2.200m lên hơn 3.000m), do bị "bẻ cong".

Ông Nguyễn Hùng (SN 1965, ở phường 9, TP Trà Vinh) cho biết: "Theo thiết kế ban đầu, tuyến đường này chẳng liên quan gì tới nhà tôi. Nhưng không biết vì sao, sau đó đã bất ngờ bị “bẻ cong”, đi vào khu đất nhà tôi, khiến gia đình phải tá hỏa di dời nhà cửa. Nếu làm ngay chỗ cũ, nhà tui sẽ ra mặt tiền đường Lê Văn Tám”.

Quay trở lại thời điểm đầu làm dự án, do đường số 1 không đảm bảo an toàn giao thông vì tim đường điểm đầu tuyến quá gần với cầu Ô Xây nên Sở GTVT đã “chữa cháy” bằng cách đề xuất với UBND tỉnh này xin hạ độ cao chiếc cầu.

Điều đó, cũng có nghĩa là phải tháo dỡ toàn bộ cầu Ô Xây để xây dựng 1 cầu mới khác.

Theo tính toán của ngành chuyên môn, vào thời điểm đó, nếu phương án này được thực hiện sẽ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước thêm 10 tỷ đồng, trong đó 5 tỷ đồng cho việc xây cầu mới và 5 tỷ đồng để đập bỏ cầu Ô Xây đang sử dụng.

Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, phương án này sau đó không được duyệt và cầu Ô Xây vẫn tồn tại cho đến hiện nay.

Theo ghi nhận thực tế của PV, tuyến đường số 1 hiện nay (sau khi thanh tra phát hiện và sau này làm đường nắn thẳng lại) có điểm đầu giáp với đường Lê Văn Tám, điểm cuối giáp với đường Nguyễn Đán.

Theo phản ánh của người dân, tại nút giao đường Lê Văn Tám, rẽ trái độ chừng vài chục mét là vị trí làm đường cũ. Ngày đó, cơ quan chức năng đã cho người xuống đo đạc, đóng cọc, hiện nay đã đổ cát, xây lấp không còn nhìn thấy nữa.

Cũng tại nút giao này, vừa rẽ phải chỉ vài chục mét là gặp ngay cầu Ô Xây, rất nguy hiểm cho người và các phương tiện qua lại.

img

Cầu Ô Xây chỉ cách điểm giao đường số 1 và đường Lê Văn Tám vài chục mét, không đảm bảo ATGT.

Chưa có đất đã rầm rộ mua bán

Theo điều tra của PV, thời điểm trước năm 2004, khi nghe tin dự án rục rịch triển khai, rất nhiều người đã đến khu vực dự án tìm mua và “gom” đất nhằm đầu cơ đón đầu.

Ông B. (người dân sinh sống lâu năm trong khu vực) kể: “Hồi đó, giá đất chỉ 20 triệu đồng/công (1.000m2), sau đó tăng dần theo thời gian. Đến khi giá đất tăng 135 triệu đồng/công thì người dân đã không còn đất để bán nữa. Lúc này, toàn bộ đất đã rơi vào tay "ông nọ bà kia"”.

img

Ông Phạm Hùng xem lại các hồ sơ đất đai bị ảnh hưởn bởi dự án tuyến đường số 1.

Theo hồ sơ của PV, có 253 hộ, gia đình và tổ chức có đất bị thu hồi với diện tích hơn 264.000m2. Trong số này, chỉ có 16 hộ đủ điều kiện cấp tái định cư, còn lại thuộc diện phân phối lại đất tại chỗ (là đất ở đô thị).

Sau khi đo đạc, kiểm kê, lập phương án bồi hoàn, thu hồi đất…, tỉnh Trà Vinh đã phê duyệt hạn mức giao đất lên tới 22,5% đối với các hộ thuộc phường 6, và 24% đối với các hộ dân ở phường 9, TP Trà Vinh. Nghĩa là, cứ 1 công đất (1.000m2), sẽ được bố trí lại 225 và 240m2 đất ở đô thị.

Đặc biệt, khi người dân đến nhận tiền bồi hoàn, cơ quan chức năng đã tiến hành thu luôn phần tiền trên diện tích đất dự kiến sẽ giao, dù thời điểm này chưa có một mét đất nào được giao cho dân.

Theo hồ sơ của một hộ dân ở phường 9 cung cấp, gia đình này có 1.380 m2 đất nằm trong vùng quy hoạch dự án. Vào năm 2004, khi gia đình đến nhận tiền bồi hoàn, Ban Quản lý các dự án giao thông (Sở GTVT) đã tiến hành thu của họ hơn 23 triệu đồng tiền bố trí đất tái định cư và phân phối lại đất ở tại chỗ.

Điều lạ lùng là phiếu thu này chỉ có người nộp tiền ký và ghi rõ họ tên, còn lại người lập phiếu, phụ trách kế toán, thủ quỹ, thủ trưởng đơn vị chỉ ký mà không biết rõ họ tên là gì.

“Ban đầu họ bố trí cho tôi hơn 234m2, nhưng tôi không đồng ý và đi khiếu nại. Sau đó, diện tích tái định cư được tăng thêm, và tôi phải đóng tiền thêm một lần nữa hơn 7 triệu đồng. Tổng cộng tui đã đóng tiền sử dụng đất 2 lần, và đến nay vẫn chưa được giao mét đất nào”, chủ hộ này nói.

img

Một phiếu thu tiền tái định cư do Ban Quản lý các dự án giao thông lập từ năm 2004, dù chưa giao đất nhưng đã thu tiền.

Ông H. (ở phường 9) cho hay: "Ngay từ thời điểm phóng lộ, đền bù, khắp tuyến đường số 1 đã xôn xao chuyện bán đất mở đường. Theo thông tin đến tai người dân, mỗi nền tái định cư phân phối đất ở có diện tích 5x30m (150m2).

Thời điểm này, chưa có ai được phân phối đất hay giao nền, nên việc mua bán chỉ dựa trên quyết định bồi thường, bố trí tái định cư, đất ở. Trên đó ghi bao nhiêu mét vuông thì mua bán bấy nhiêu.

Các giao dịch đều là viết giấy tay, vì chưa giao đất nên không có cơ quan nào dám công chứng. Mặc dù vậy, họ vẫn mua bán dữ lắm, tui nhớ lúc đó mỗi nền 150m2 có giá 160 triệu đồng”.

Một người dân khác ở phường 6 kể: "Lúc mua đất, họ chỉ trả từ 70-80% số tiền, phần còn lại gọi là tiền “ra giấy”. Tức là đợi đến khi nhà nước giao đất cho chủ gốc, rồi chủ gốc chuyển nhượng lại cho bên mua, khi đó, bên mua mới trả hết phần tiền còn lại.

Ban đầu, người này bán đất cho người kia. Sau đó, người kia chờ hoài vẫn không thấy được giao đất tái định cư nên lại bán cho người khác. Đất ở đây giờ đã qua tay rất nhiều người, không biết chủ gốc đâu mà lần”.

img

Dù nằm ngay trung tâm TP Trà Vinh, nhưng tuyến đường số 1 vắng hoe, nhếch nhác. Hai bên đường không có nhà cửa nào được xây dựng.

Theo khảo sát của PV, do đất đã được người dân bán sạch, trong khi đất tái định cư chưa giao, nên dù đã mua đất nhưng không ai được cấp sổ đỏ cũng như xin được giấy phép xây dựng.

Từ đây dẫn đến chuyện, dù nằm ngay trung tâm TP Trà Vinh, nhưng hai bên tuyến đường số 1 gần như không có nhà cửa nào được xây cất. Hai bên đường là đồng ruộng, cỏ mọc um tùm, chỉ còn duy nhất căn nhà của ông Phạm Hùng nằm ngay điểm giao với đường Lê Văn Tám.

Tháng 2/2017, tỉnh Trà Vinh cho triển khai lại dự án tuyến đường số 1 (dự án lập lại và nắn thẳng).

Lúc này quy mô dự án đã bị thu hẹp. Nếu đi từ điểm giao đường Nguyễn Đán vào đường số 1, phần đất phía bên phải đã bị “bóp” lại 30m, toàn tuyến đường chỉ còn 18m, trong đó, mặt đường là 9m, còn lại hai bên vỉa hè, mỗi bên 4,5m.

Cách đây 12 năm (2009), tỉnh Trà Vinh triển khai dự án tuyến đường số 1 nội ô thị xã (nay là thành phố) Trà Vinh, do Sở GTVT làm chủ đầu tư, với tổng chiều dài 2.200m.

Quá trình thi công, Sở GTVT đã tự ý thay đổi quy mô, vị trí bằng cách nắn cong con đường này vào sát khu đất của nhiều quan chức và doanh nghiệp.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Trà Vinh, khi tổ chức đấu thầu, Sở GTVT đã tự ý điều chỉnh giá dự thầu của nhà thầu, chấp nhận cho nhà thầu không đủ năng lực, tư cách trúng thầu.

Trong tổng số hơn 280.300m2 đất của 253 hộ gia đình và 3 tổ chức có đất nằm cạnh đường số 1, có hơn 40.700m2 đất thuộc quyền sở hữu của 20 cán bộ và chủ doanh nghiệp trong tỉnh.

Riêng Sở GTVT có 8 cán bộ sở hữu hơn 17.000m2 đất. Trong đó, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Sở khi đó có hơn 7.300m2; ông Trần Minh Hiếu, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông có 761m2 và thân nhân ông này có gần 775m2.

Hai chủ doanh nghiệp trúng thầu là ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Vạn Thành, có gần 29.600m2; ông Trần Kế Lực, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Hồng Lực có hơn 10.700m2…

Thanh tra tỉnh xác định, những sai phạm trên có dấu hiệu thông đồng, dàn xếp giữa tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu, chủ đầu tư và các nhà thầu với mục đích tư lợi cá nhân; Có dấu hiệu cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng.

Thanh tra tỉnh đề nghị chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.