Đô thị

Hết cảnh "gần nhà xa ngõ" khi đi cầu cạn Vành đai 3

20/11/2021, 10:00

Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sắp được đưa vào khai thác giúp người dân tiết kiệm thời gian đi lại, đảm bảo ATGT.

Không phải đi vòng, giảm nguy cơ va chạm

Cuối tháng 11/2021, anh Nguyễn Văn Tuyền (trú tại khu đô thị Ecohome, đường Tân Xuân, Hà Nội) không giấu được niềm vui khi nghe thông tin các nhánh kết nối lên, xuống đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sắp được đưa vào khai thác. Bởi lẽ, cung đường đi làm hàng ngày của anh sẽ bớt vòng vèo hơn.

Anh Tuyền cho hay, từ tháng 10/2020, cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thông xe, nhưng do chưa có đường kết nối, việc lưu thông khá bất tiện: “Nếu di chuyển trên cầu cạn, tôi lại phải bắt buộc lái xe qua cầu Thăng Long, tới điểm mở cách cầu hơn 3km (gần khu công nghiệp Nam Thăng Long) mới có thể quay đầu, chuyển hướng về nút giao Tân Xuân để về nhà.

img

Các nhánh kết nối đường trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sẽ giúp phương tiện lưu thông dễ dàng, tiết kiệm thời gian hơn

Khi nhánh ram tại nút giao Tân Xuân - KĐT Nam Thăng Long thông xe, chúng tôi sẽ hết cảnh “gần nhà xa ngõ”, thời gian cho quãng đường từ nhà đến cơ quan và ngược lại sẽ được rút ngắn ít nhất là 25 - 30 phút”.

Trung úy Nguyễn Hoàng Tùng, cán bộ Tổ Tuần tra Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) phụ trách trục đường Phạm Văn Đồng cho biết, thời gian qua, phương tiện lưu thông tại đường trên cao hướng từ trung tâm thành phố ra muốn chuyển hướng vào khu vực Cổ Nhuế, khu đô thị Nam Thăng Long… phải di chuyển đến điểm quay đầu cách cầu Thăng Long tới 15 phút đi xe.

Nhiều phương tiện muốn tiết kiệm thời gian bất chấp biển báo cấm, quay xe ngay khu vực đầu cầu Thăng Long. Tại khu vực tiếp nối giữa đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long với cầu Thăng Long có độ dốc nhất định, cộng với tốc độ lưu thông cho phép cao (đoạn cuối tuyến đến 80km/h), việc phương tiện giảm tốc quay đầu rất dễ gây ra tình trạng dồn phương tiện gây ùn ứ và nguy cơ va chạm giao thông.

“Việc đưa các nhánh kết nối lên xuống cầu cạn vào khai thác vừa tạo thuận lợi cho các phương tiện chuyển hướng, vừa giảm nguy cơ mất ATGT trên cầu Thăng Long”, Trung úy Tùng nói.

Ông Trần Văn Quyền, Quản lý công trường thuộc Liên danh Tokyu - Taisei cho biết, hạng mục nhánh kết nối đường Vành đai 3 trên cao được khởi công từ tháng 10/2020 và dự kiến đưa vào khai thác từ tháng 7/2021.

Tuy nhiên, việc thi công phải tạm dừng từ ngày 24/7 do yêu cầu phòng dịch của Hà Nội. Đến ngày 21/9/2021, công trường được tái kích hoạt, nhà thầu đã dồn lực thi công để đưa dự án cán đích sớm nhất có thể.

Ngoài các ca làm việc chính ban ngày (7 - 11h, 14 - 18h), một số hạng mục thuộc công trình còn được thực hiện trong cả buổi tối từ 19 - 24h.

Đến ngày 20/10/2021, 6 nhánh kết nối cầu cạn đã được hoàn chỉnh và được Ban QLDA kiểm tra, nghiệm thu.

Liên quan đến thời gian thông xe chính thức, đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết, hiện, công tác kiểm tra của Hội đồng kiểm tra Nhà nước đã hoàn thành. Đơn vị đang chờ thông báo chính thức để báo cáo Bộ GTVT bàn giao cho TP Hà Nội.

Tổ chức lại giao thông, đề xuất lắp camera giám sát

img

Nhánh kết nối đã hoàn thành, nhà thầu thi công vẫn đang tiếp tục triển khai các hạng mục phụ như: Lắp vách chống ồn, thi công hệ thống thoát nước, bó vỉa, bảo vệ thân trụ, chỉnh trang đô thị…

Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, nguyên chuyên gia JICA, để tạo thuận lợi cho phương tiện lưu thông giữa đường dưới thấp và đường trên cao, việc xây dựng các nhánh ram lên, xuống là cần thiết.

Đối với nhánh ram gần điểm giao cắt với các tuyến phố dọc cung đường dưới thấp như khu vực Cổ Nhuế, cơ quan chức năng cần tăng cường các giải pháp phân luồng phương tiện, tránh tình trạng mất an toàn khi ô tô đường trên đổ xuống xung đột với phương tiện từ phố nhỏ đi ra.

Trung úy Nguyễn Hoàng Tùng cũng cho rằng, vị trí các nhánh ram lên xuống khu vực nút giao Hoàng Quốc Việt và KĐT Nam Thăng Long rất hợp lý khi cách nút giao khoảng 400 - 500m, đủ để các phương tiện tách, nhập làn thuận lợi.

Tuy nhiên, hai nhánh lên xuống khu vực Cổ Nhuế lại sát nút giao cắt với phố Cổ Nhuế và phố Trần Cung. “Hiện, ở các nhánh lên, xuống cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đã lắp cọc phản quang và kẻ vẽ vạch sơn “kênh hóa” lối xuống.

Đây chỉ là phương án tạm thời bởi khi khai thác, một số lái xe ý thức kém từ đường trên cao xuống có thể vượt kênh hóa, cắt ngang dòng phương tiện đi ở đường dưới để vào các con phố, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn”, Trung úy Tùng nhận định.

Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT số 6 cho biết, để giải quyết vấn đề trên, đơn vị sẽ căn cứ tình hình thực tế để đề xuất thêm các biện pháp đảm bảo ATGT.

Trước mắt, có thể tận dụng lợi thế mặt đường rộng nắn dòng phương tiện bằng các dải phân cách mềm và kéo dài các dải phân cách hiện tại, ngăn chặn triệt để tình trạng “đi ngang rẽ tắt” của các xe đi từ trên cao xuống.

“Các nhánh ram đang được đặt ở giữa làn đường lưu thông. Vị trí này có thể tạo xung đột khi các phương tiện lưu thông ở đường dưới di chuyển lên cầu cạn hoặc đảo hướng từ làn trong ra làn ngoài. Thời gian tới, Đội CSGT số 6 sẽ nghiên cứu, đề xuất thêm các vạch xương cá để tách dòng phương tiện từ xa, đồng thời, bổ sung hàng rào phản quang, hệ thống chiếu sáng tại khu vực nhánh ram”, Thiếu tá Chinh chia sẻ.

Cùng với công tác đảm bảo ATGT, lãnh đạo Đội CSGT số 6 cho biết, tới đây, đơn vị này sẽ đề xuất bổ sung hệ thống camera giám sát tại các khu vực nhánh kết nối cầu cạn để vừa phục vụ theo dõi các vụ gây tai nạn bỏ chạy, vừa ngăn chặn triệt để tình trạng các nhà xe đón, trả khách dọc đường.

“Đội cũng sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục yêu cầu các xe khách sau khi xuất bến Mỹ Đình chỉ được lưu thông ở đường Mai Dịch - Nam Thăng Long trên cao, không được xuống đường dưới thấp đảm bảo tuyệt đối trật tự ATGT tại khu vực ram kết nối khi được đưa vào sử dụng”, Thiếu tá Chinh nói.

Các nhánh ram kết nối đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được đặt ở khu vực Hoàng Quốc Việt; khu vực Cổ Nhuế; khu vực Tân Xuân. Mỗi nhánh lên xuống sẽ gồm một làn ô tô và một làn khẩn cấp.

Theo Ban QLDA Thăng Long, ngoài hạng mục nhánh kết nối, nhà thầu thi công vẫn đang tiếp tục triển khai các hạng mục phụ như: Lắp vách chống ồn, thi công hệ thống thoát nước, bó vỉa, bảo vệ thân trụ, chỉnh trang đô thị… Các dự án này được ấn định thời gian hoàn thành trước ngày 31/12/2021 và không ảnh hưởng đến thời gian đưa các nhánh kết nối vào khai thác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.