Bóng đá

Hết thời các nhà cầm quân người Ý?

27/02/2019, 06:35

Những HLV bóng đá Italia từng là một thương hiệu lớn của bóng đá thế giới, nhưng theo thời gian, HLV người Ý không còn duy trì được vị thế...

img
HLV Sarri gặp khó khăn sau giai đoạn đầu thăng hoa cùng Chelsea

Những HLV bóng đá Italia từng là một thương hiệu lớn của bóng đá thế giới, nhưng theo thời gian, HLV người Ý không còn duy trì được vị thế của mình.

Không còn sức hút đối với mọi đội bóng

Cuối tuần qua, Chelsea của HLV Maurizio Sarri đã phải nhận thất bại trước Man City ở trận chung kết Cúp Liên đoàn Anh. Trước đó, nhiều nguồn tin ở xứ sương mù khẳng định, nếu The Blues không thể đoạt cúp, Sarri sẽ bị sa thải. Dù đến nay Chủ tịch Roman Abramovich chưa có động thái nào nhưng với những kết quả không tốt trong thời gian qua, nếu HLV Sarri “bay ghế” cũng chẳng phải là điều gì bất ngờ.

Nhà cầm quân người Ý tới Chelsea cùng mục tiêu chấn hưng đội bóng áo xanh thành London sau một mùa giải thất bát. Sau khởi đầu như mơ, Chelsea của Sarri dần trật khỏi đường ray, mất phương hướng và dễ bị tổn thương. Nếu HLV Sarri phải ra đi, ông sẽ là người Italia thứ hai bị đánh bật khỏi chiếc ghế HLV trưởng Chelsea chỉ sau 2 năm. Người thứ nhất, là HLV Antonio Conte và giờ cựu thuyền trưởng đội tuyển Ý vẫn đang thất nghiệp.

Ở Ý, HLV Max Allegri cũng đang đối diện với sức ép lớn sau trận thua 0-2 trên sân của Atletico Madrid tại vòng 1/8 Champions League. Nên nhớ, Juventus được đánh giá cao hơn nhưng không thể hiện được bản lĩnh và đối diện vô vàn khó khăn ở trận lượt về. Đấu trường Champions League là mục tiêu tối thượng của lãnh đạo Juventus, nếu không thể chạm tay vào chức vô địch sau hai lần vào tới chung kết, Allegri nhiều khả năng cũng sẽ chia tay “Lão bà”. Sarri, Allegri là hai nhà cầm quân người Ý hiếm hoi dẫn dắt các đội bóng tên tuổi ở châu Âu ở mùa giải năm nay.

Thực tế, cả 5 đội đang dẫn đầu Serie A đều sử dụng HLV nội nhưng ngoại trừ Juventus, những cái tên còn lại gồm: Napoli, Inter Milan, AC Milan và AS Roma đều không thể xếp vào hàng đại gia. Đáng chú ý, HLV Carlo Ancelotti, người từng 3 lần lên ngôi ở Champions League, sau nhiều năm chinh chiến cùng các ông lớn như Chelsea, Real Madrid, Bayern Munich đã chấp nhận về chèo lái Napoli - một đội bóng chỉ ở mức khá. Cách đây không lâu, HLV lão làng Marcello Lippi đã nói lời chia tay đội tuyển Trung Quốc sau thất bại tại Asian Cup 2019. HLV Claudio Ranieri, người từng dẫn dắt Leicester City lên ngôi vô địch Ngoại hạng Anh mùa giải 2015-2016 hiện đang chật vật để giúp Fulham trụ hạng.

Tất cả những dẫn chứng này đều dẫn người hâm mộ tới một câu hỏi? Liệu có phải thời của các nhà cầm quân người Ý đã hết? Để làm rõ câu hỏi này, chúng ta hãy lật lại quá khứ. Trong lịch sử, HLV Ý là một thương hiệu lớn và bất kể giai đoạn nào cũng có những cái tên kiệt xuất. Dễ dàng kể ra đây Vittorio Pozzo, bậc thầy của chiến thuật thời kì sơ khai, người toàn thắng trong mọi trận đấu World Cup mà ông chỉ đạo. Kế đến là Nereo Rocco, “ông thánh” của chiến thuật Catenaccio lừng danh, giúp Milan trở thành CLB đầu tiên ngoài bán đảo Iberia giành Cúp châu Âu. Rồi Italia lại có những: Enzo Bearzot, Giovanni Trapattoni, Marcello Lippi, Arrigo Sacchi, Fabio Capello, Dino Zoff, Carlo Ancelotti… Họ đều đã tạo dựng được danh tiếng với nhiều chiến công hiển hách, được mọi đội bóng thèm khát.

Có còn là thương hiệu lớn?

Vậy tại sao những HLV người Italia lại đi vào thoái trào, ít nhất là về mặt thành tích? Theo tờ The Guardian, nguyên nhân đầu tiên khiến các nhà cầm quân Ý ít thành công hơn là do sự đi xuống của cả nền bóng đá Ý. Quả đúng như vậy, HLV Ý thường trưởng thành từ môi trường trong nước trước khi ra nước ngoài làm việc. Nhiều năm nay, do khủng hoảng của suy thoái kinh tế, Serie A trở nên kiệt quệ tài chính, dẫn tới bước lùi về mặt chuyên môn.

Cụ thể hơn, các đội bóng lớn mất hẳn tính chiến đấu. Juventus là CLB hiếm hoi có tiền để đầu tư nhưng mức đầu tư của họ so với những ông lớn ở Anh, Tây Ban Nha hay Pháp, Đức là không nhiều. HLV Sarri là ví dụ điển hình nhất. Ông ấy dẫn dắt Napoli rất thành công nhưng thành công ở phạm vi của một đội bóng khá. Chelsea ở đẳng cấp cao nhất, lại quá nhiều thứ chi phối nơi hậu trường nên ông ấy chênh vênh cũng dễ hiểu.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Nguyễn Thành Vinh, các HLV người Ý đều đặt nặng tính chiến thuật mà ít chú ý tới quản trị đội bóng. “Carlo Ancelotti là một nhà cầm quân như thế. Ông ấy sẽ thành công nếu ở một tập thể thực sự gắn kết, có ý thức kỷ luật, tổ chức tốt. Còn nếu nội bộ chia rẽ, không nhìn về một hướng, ông ấy rất khó thành công. Real Madrid vẫn những con người đó, Ancelotti thất bại nhưng Zidane lại thành công rực rỡ. Đó là vì Zidane biết vận dụng linh hoạt đấu pháp, con người. Sarri cũng vậy, hồi đầu mùa, Chelsea chơi tốt khi nội bộ còn ổn định và khi những vấn đề hậu trường phát sinh, ông ấy liền gặp khó khăn”, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh nói.

Tuy nhiên, không thể dựa vào những biểu hiện vừa nêu để đưa ra nhận định những HLV người Ý đã hết thời. “Bóng đá luôn có tính chu kỳ và không có nhà cầm quân nào thành công được mãi. Giai đoạn hiện nay đúng là bóng đá Ý không sản sinh ra những HLV lẫy lừng nhưng nếu gặp thời, gặp được một đội bóng phù hợp, họ có thể thành công rực rỡ. Còn về tổng thể, HLV Ý vẫn là một thương hiệu lớn”, ông Vinh nhận định.

Trong khi đó, nhà báo Trương Anh Ngọc (TTXVN) nhận định, có thể do thay đổi trong tư duy của mình nên các nhà cầm quân người Ý có phần nhạt nhòa giữa thế giới bóng đá. “Bóng đá Ý giàu tính chiến thuật, nặng về phòng ngự. Nhưng hiện nay mọi thứ đã thay đổi, bóng đá Ý thay đổi và các HLV Ý cũng thay đổi. Họ vẫn đề cao chiến thuật nhưng không còn quá chú trọng vào phòng ngự. Họ đã muốn lao về phía trước và ghi bàn. Conte và Sarri là hai ví dụ tiêu biểu nhất”, nhà báo Anh Ngọc nhận xét.

Tuy vậy, nhà báo Trương Anh Ngọc khẳng định HLV Ý vẫn là một thương hiệu lớn: “HLV Ý có thể thiếu người kiệt xuất nhưng vẫn có nhiều người giỏi, giỏi chiến thuật - thứ đặc sản của họ. HLV Ý vẫn ra nước ngoài làm việc rất nhiều. Ancelotti quay lại nhưng theo tôi đó không phải là bước lùi, đơn giản ông ấy muốn tìm một khoảng lặng trước khi tính đến việc bứt phá. Còn với Sarri, ông ấy thành công muộn và việc sang Chelsea là hơi vội vàng bởi kinh nghiệm của ông ấy ở nước ngoài chưa có, mà lại gặp một môi trường khắc nghiệt. Muốn thành công, Sarri cần một vài điều chỉnh, quan trọng nhất là phải dỡ bỏ được sự cứng nhắc trong huấn luyện bởi ông ấy thường chỉ đá 1 sơ đồ, 1 đội hình”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.