Điện ảnh

Hết thời dùng scandal tình ái quảng bá phim?

21/11/2018, 07:26

“Khán giả bây giờ kén chọn và tỉnh táo hơn trước những chiêu trò PR, nên “truyền thông bẩn” không còn hiệu quả...

29

An Nguy và Kiều Minh Tuấn bắt cặp vai chính trong “Chú ơi, đừng lấy mẹ con”

Chuyện diễn viên vướng tin đồn “bỗng dưng yêu nhau” ngay trước ngày phim ra mắt đã không còn quá xa lạ với khán giả Việt. Trong đó, có nhiều bộ phim chưa thực sự xuất sắc nhưng đã trở thành bom tấn phòng vé nhờ phương thức Public Relations - quan hệ công chúng.

Cứ đóng chung là dính scandal phim giả - tình thật

Thời điểm bộ phim Em chưa 18 ra mắt khán giả vào năm 2017 cũng thu về 169 tỷ đồng dù cặp đôi Will - Kaity Nguyễn được cho là có tình cảm riêng tư. Thường xuyên bị bắt gặp sánh vai trong các sự kiện, thậm chí Kaity còn góp mặt trong MV của Will nhưng cả hai đều né tránh xác nhận mối quan hệ với công chúng. Năm 2016, Minh Hằng - Quý Bình cũng bị đồn đang hẹn hò sau khi cùng đóng chung trong phim Bao giờ có yêu nhau, Harry Lu - Hoàng Thùy Linh được cho là có tình cảm sau phim Thần tượng (2014)… nhưng đến nay vẫn chưa có gì tiến triển.

Không thể phủ nhận những hiệu ứng tích cực từ các phương thức truyền thông như vậy đối với một số sản phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, trong khi trên thế giới, xu hướng truyền thông này đang đi vào thoái trào thì ở Việt Nam vẫn được tận dụng một cách gượng gạo, bởi lợi thế dễ dàng, không tốn nhiều thời gian, tiền bạc, công sức.

Giám đốc tiếp thị của Warner Bros, S.Sue Kroll cho biết trên tờ Hollywood Reporter, những công thức truyền thông trước đây không còn hợp lý nữa và đang có nhiều hướng thay đổi. “Chúng tôi phải sáng tạo hơn về cách tiếp cận khán giả. Họ rất hiểu biết. Bạn phải tìm ra những điều thật thú vị thì mới thu hút sự chú ý của họ với các sản phẩm của mình”.

Mới đây nhất, khán giả không khỏi ngao ngán khi chứng kiến câu chuyện công khai tình cảm của cặp đôi An Nguy - Kiều Minh Tuấn sau khi cùng tham gia trong dự án phim điện ảnh Chú ơi, đừng lấy mẹ con. Cụ thể, ngày 13/9, cặp đôi bất ngờ công khai có tình cảm thật lòng, không phải chiêu trò PR. Thời điểm đó, Kiều Minh Tuấn vẫn được cho là đang gắn bó tình cảm với nghệ sĩ Cát Phượng trong suốt 10 năm. Điều này nhanh chóng khiến khán giả phẫn nộ vì họ cho rằng An Nguy là kẻ thứ ba xen vào mối quan hệ của Kiều Minh Tuấn - Cát Phượng và đòi tẩy chay bộ phim. Dư luận và truyền thông đặt ra câu hỏi: Đây có phải là vở kịch PR của nhà sản xuất cũng như ê-kíp? Và nếu đúng, thì nó quả là một màn kịch vụng về thảm hại của người làm truyền thông cho bộ phim này. Đạo diễn, nhà sản xuất Trần Nguyễn Bảo Nhân cho biết: “Khán giả bây giờ kén chọn và tỉnh táo hơn trước những chiêu trò PR, nên “truyền thông bẩn” không còn hiệu quả và trái lại còn tác dụng ngược. Những chiêu như phim giả tình thật đã quá cũ và lỗi thời từ rất lâu và cũng không nên xài vì vốn dĩ đó là chiêu trò không văn minh. Những vấn đề liên quan đến tình cảm của nghệ sĩ thường được chú ý hơn nhưng không thể xây dựng lên câu chuyện PR dựa trên những điều không có thật”, đạo diễn phim nói.

Chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước cho hay: “Khi phim không hướng đến “truyền thông bẩn” thì tự khắc sẽ có truyền thông sạch. Lấy bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ) đã từng rất thành công về truyền thông lẫn doanh thu phòng vé, nhờ truyền thông bằng phương cách thấu hiểu khách hàng, khi tập trung dẫn dạo tâm trí khán giả bằng concept chính danh của chiếc vé trở về với tuổi thơ, hồi ức đẹp với hầu hết mọi người”.

Truyền thông phim, cách nào?

Thông thường, ngân sách dự án phim Việt được rót ra từ 10-20% cho việc truyền thông và marketing, tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp đặc biệt. Chuyên gia marketing Alan McGladechia sẻ trên tờ Entertainment, cứ 2 USD chi cho sản xuất phim, studio cần chi 1 USD khác cho chiến lược quảng bá hoặc 4 tỉ USD cho việc PR mỗi năm. Tuy nhiên, chiến lược truyền thông khôn khéo chưa đủ, nội dung hình ảnh bộ phim mới thực sự là chìa khoá mang lại thành công các phim bom tấn Hollywood. Chẳng hạn, nếu Deadpool 2, chỉ dùng chiến lược “dội bom” bằng clip trên mạng xã hội mà không chứa nội dung hấp dẫn, mới mẻ thì không thể mang về doanh thu mở màn cao thứ ba trong năm là 125 triệu USD, sau Infinity War (257,7 triệu USD) và Black Panther (202 triệu USD).

Tương tự, đạo diễn Nam Cito cho hay: “Nội dung và chất lượng sản phẩm vẫn là hàng đầu, truyền thông chỉ là tìm thêm nhiều “lối đi” hơn để sản phẩm đến được với công chúng. Nhiều dự án chi tiền cho truyền thông khủng nhưng bản thân cốt lõi nhất là chất lượng và nội dung không ăn khách thì sản phẩm đó cũng không được doanh thu cao như mong đợi”.

Còn anh Quang Phước thì đưa ra gợi ý, người làm phim đã kể chuyện hay, đẹp thì người làm truyền thông và phát hành nên chú trọng vào nghệ thuật kể chuyện bằng ngôn ngữ truyền thông, như với hình thái marketing bằng kể chuyện. Ngay cả nếu phải cần đến marketing truyền miệng, bằng hình thức tin đồn để tạo hiệu ứng viral, kế hoạch truyền thông liên quan cũng cần lưu ý việc bảo toàn trạng thái cảm xúc theo hướng tích cực chứ không phải tiêu cực bằng scandal rẻ tiền.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.