Thêm một khách hàng vừa được Vietlott trao giải đặc biệt (Jackpot) gần 65 tỷ đồng khiến loại hình xổ số này càng thêm sức nóng |
Ỷ thế độc quyền, gần 40 năm ngành xổ số truyền thống gần như không có sự đổi mới và hiệu quả không cao. Vì thế, khi thị trường xuất hiện xổ số điện toán, ứng dụng công nghệ mới, có phương thức giao dịch thuận tiện..., xổ số truyền thống bị "mất khách" cũng là điều dễ hiểu.
Sáng 9/11, Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) đã trao giải Jackpot - Mega 6/45 gần 65 tỷ đồng cho khách hàng đến từ Đồng Nai dập đi nghi ngờ thông tin giải “khủng” lần này chỉ là một chiêu trò PR của doanh nghiệp.
Hàng loạt thông tin khách hàng trúng giải thưởng “khủng” vài chục đến cả trăm tỷ đồng từ xổ số điện toán đã góp phần quan trọng giúp Vietlott trở thành “cơn sốt” dù chỉ mới ra mắt thị trường xổ số Việt Nam chưa đầy 3 tháng. Tuy nhiên, trái ngược với sự hào hứng của một bộ phận khách hàng, Vietlott đã vấp phải sự phản ứng không nhỏ của các doanh nghiệp xổ số truyền thống vì đe dọa thị trường họ vốn độc quyền vài chục năm nay.
Có thể nói, ngành Xổ số chiếm một “miếng bánh thị phần” không nhỏ khi doanh thu toàn ngành đạt 3 tỷ USD vào năm 2015 (70.000 tỷ đồng), trong đó nộp ngân sách khoảng 1 tỷ USD (còn lại là chi phí bao gồm cả chi phí trả thưởng). Đáng chú ý, tại nhiều địa phương, ngân sách gần như trông ngóng vào xổ số khi tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực này tới vài chục phần trăm, cá biệt có nơi gần 50%.
Xem thêm video:
Tuy nhiên, việc tạo điều kiện, ưu ái quá mức nhằm thúc đẩy thị trường xổ số để duy trì tỷ trọng thu cao tại nhiều địa phương rõ ràng là dấu hiệu không ổn. Bởi cơ cấu kinh tế tại các địa phương này “lệch” về loại hình dịch vụ may rủi, thay vì đầu tư phát triển sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở phát huy lợi thế đặc thù của địa phương mình. Trong trường hợp xổ số không còn là “con gà đẻ trứng vàng”, các địa phương sẽ hụt nguồn thu đáng kể, ảnh hưởng không chỉ đến các mục tiêu đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, mà còn kéo theo rủi ro cho cả ngân sách Trung ương khi cân đối, nhất là trong bối cảnh ngân sách cả nước đã và đang phải chắt chiu, “giật gấu vá vai” như hiện nay.
Diễn biến trên thị trường xổ số gần đây đã cho thấy có những dấu hiệu rủi ro nói trên. Ỷ thế độc quyền, gần 40 năm nay, ngành Xổ số truyền thống vẫn phát triển chỉ một sản phẩm, gần như không có sự đổi mới nào về quản trị, công nghệ, dẫn tới hiệu quả hoạt động không cao, doanh thu lớn song chi phí cũng lớn. Vì thế, khi thị trường này xuất hiện một sản phẩm mới là xổ số điện toán, ứng dụng công nghệ mới, có phương thức giao dịch thuận tiện, được truyền thông, marketing mới rầm rộ..., xổ số truyền thống bị “mất khách” cũng là điều dễ hiểu.
Song, thay vì “tố” lẫn nhau, việc các doanh nghiệp xổ số cần làm là xác định rõ ràng thị trường, khách hàng mục tiêu của mình để có sản phẩm, cách thức truyền thông, bán hàng phù hợp. Về phía cơ quan quản lý, cũng cần tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp hoạt động bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ để nguồn thu từ xổ số đóng góp xứng đáng cho ngân sách, thay vì chảy vào túi một bộ phận cán bộ quản lý hay các khâu trung gian.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận