Cụ bà bất ngờ phát hiện 2 bàng quang
Tại Bệnh viện E, một cụ bà 74 tuổi, ở Hà Nội, nhập viện với biểu hiện của viêm đường hô hấp trên cấp: Sốt cao, ho đờm, đau họng… Các bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm, siêu âm, chụp CT đã xác định ngoài bệnh viêm phế quản phổi, người bệnh còn mắc bệnh lý liên quan đến đường tiết niệu.
Được biết, người bệnh đã có triệu chứng bất thường ở hệ tiết niệu vài năm nay như tình trạng tiểu buốt, tiểu đêm nhiều (3-4 lần), tiểu nhiều lần vào ban ngày. Ban đầu cụ bà nghĩ rằng mình chỉ mắc bệnh tiểu đêm thường gặp ở người già nên không đi khám… Khi nhận được kết quả chụp CT ổ bụng, người bệnh đã rất sốc khi phát hiện mình có 2 bàng quang (bàng quang “thật” và bàng quang “giả” hay còn gọi là túi thừa bàng quang).
Theo giải thích của ThS.BS Nguyễn Thế Thịnh, Khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, túi thừa bàng quang là tình trạng xuất hiện túi phồng bất thường hình thành trên thành bàng quang. Túi này được hình thành do sự thoát vị của lớp niêm mạc bàng quang qua lớp cơ bàng quang. Túi thừa bàng quang có thể nằm ở bất kỳ vị trí nào trên bàng quang, nhưng phổ biến nhất là ở mặt sau.
Túi thừa bàng quang được hình thành do bẩm sinh hoặc do mắc phải. Nguyên nhân bẩm sinh thường do khiếm khuyết trong quá trình hình thành bàng quang của thai nhi. Nguyên nhân mắc phải thường gặp ở người lớn, do tắc nghẽn đường tiểu (sỏi bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt, xơ cứng cổ bàng quang, hẹp niệu đạo…), bệnh lý bàng quang thần kinh hay chấn thương bàng quang. Ở giai đoạn đầu, túi thừa bàng quang thường không có triệu chứng nào đặc hiệu, tuy nhiên khi thể tích của nó tăng dần, bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh, thường là do các biến chứng tại chỗ do túi thừa gây ra.
Bị túi thừa bàng quang nguy hiểm thế nào?
Chia sẻ về mức độ nguy hiểm của túi thừa bàng quang, ThS.BS Nguyễn Thế Thịnh cho biết, các biểu hiện của túi thừa bàng quang rất đa dạng, mức độ nghiêm trọng của bệnh thường không liên quan đến kích thước túi thừa. Túi thừa bàng quang giống như quả bom có thể vỡ ra bất cứ lúc nào và gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, với trường hợp này, các bác sĩ đã lựa chọn phương pháp phẫu thuật nội soi cắt túi thừa bàng quang và trả lại bàng quang khỏe mạnh cho người bệnh.
Phần lớn người bệnh mắc túi thừa bàng quang được phát hiện ngẫu nhiên hay qua khám các triệu chứng không đặc hiệu của đường tiết niệu như bí tiểu, tiểu máu, hoặc nhiễm khuẩn tiết niệu. Để phòng các biến chứng do túi thừa bàng quang gây ra, cần chú ý thăm khám theo dõi sức khỏe định kỳ. Bên cạnh đó, để đánh giá chức năng của thận, ngoài siêu âm, có thể thực hiện xét nghiệm máu, nước tiểu, nhằm có hướng xử trí kịp thời.
Đặc biệt, các bác sĩ lưu ý thêm về biến chứng nguy hiểm tại hệ thống tiết niệu là bởi không có lớp cơ nên chức năng tống xuất nước tiểu đọng trong túi thừa bàng quang kém, vì vậy mỗi lần đi vệ sinh, nước tiểu trong túi thừa không được tống hết nên có một lượng nước tiểu nhất định còn tồn đọng. Quá trình này kéo dài khiến túi thừa càng ngày càng căng lên, gây chèn ép cổ bàng quang và đè niệu đạo, dẫn đến các biến chứng như nhiễm khuẩn đường tiểu tái đi tái lại, sỏi túi thừa, bí tiểu cấp và mạn tính, nguy hiểm nhất là ung thư bàng quang hay những biến đổi tiền ác tính.
Ứ nước ở niệu quản và thận là những biến chứng thường gặp, gây suy giảm chức năng đường tiết niệu do hậu quả tắc nghẽn hay trào ngược. Khoảng 3-5% các trường hợp, có nguy cơ mắc biến chứng ung thư biểu mô tuyến của niêm mạc túi thừa bàng quang.
"Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời túi thừa bàng quang rất quan trọng, nhằm giảm những tác động do bệnh gây ra, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ biến chứng nguy hiểm của bệnh. Khi xuất hiện các triệu chứng bệnh, người bệnh cần đến ngay những cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị bệnh kịp thời, tránh những biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh", BS Thịnh khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận