Làm báo cùng Giao thông

Hiểm nguy tác nghiệp giữa “rốn” lũ

21/06/2018, 13:22

Nhưng đối với PV tác nghiệp trong vùng lũ, sự an toàn của những chiếc máy quay, máy ảnh được đặt lên hàng đầu.

37

Phóng viên Yến Chi, Báo Giao thông (bên phải) chia buồn với gia đình nạn nhân bị lũ cuốn trôi sau trận lũ quét xảy ra tại Mù Cang Chải ngày 3/8/2017

“Chạy xô” trong vùng lũ

Trung tuần tháng 10/2017, tỉnh Thanh Hóa mưa lớn, nước lũ từ đầu nguồn đổ về, nhiều đoạn đê bao bị vỡ, hồ thủy điện xả nước… khiến nhiều vùng hạ lưu mênh mông trong nước. Đêm 9/10/2017, PV Báo Giao thông nhận lệnh lên đường tới tâm lũ Nông Cống nơi chịu ảnh hưởng xả nước của hồ Yên Mỹ gây ngập. Đêm đó, như đã thành thông lệ, PV phải sạc máy tính, điện thoại, pin dự phòng, áo mưa, dép, túi nilon… và mua sẵn lương khô, bánh mì, nước uống nhét chặt balo.

Đúng như dự kiến, sáng hôm ấy, khi có mặt ở xã Tượng Sơn (huyện Nông Cống), chúng tôi thấy mênh mông nước. 463 hộ với hơn 2.000 dân bị cô lập hoàn toàn. “Bây giờ nước lớn lắm, không vào được phía trong đâu”, lãnh đạo xã hét lớn qua điện thoại. Trong lúc chờ đợi, tôi loay hoay chụp mấy tấm ảnh nước lũ bao phủ bốn bề, hỏi thông tin từ chính quyền làm tin ban đầu gửi về tòa soạn. Rất may, sau đó từ phía trong vùng bị cô lập có người dùng đò máy băng băng qua những cánh ruộng nước chạy ra. Chúng tôi được “ưu tiên” lên đò vào rốn lũ, ghi nhận sự khổ cực của người dân, sự tận tụy của các chiến sĩ công an, bộ đội trong hành trình giúp dân vùng lũ… Bữa ăn trưa là lương khô và nước uống đem theo trở nên quý giá vô cùng ở nơi này.

15h ngày 10/10, nhận tin báo ở huyện Thường Xuân cũng bị ngập lụt nặng, chia cắt nhiều hộ dân, lực lượng cảnh sát PCCC Thanh Hóa đang chạy đua với nước lên để đưa người dân sơ tán ra ngoài, chúng tôi quyết định rời Nông Cống lên đó. Quãng đường hơn 70km trong khi trời bắt đầu tối, mưa lớn, gió giật mạnh. Thấy thoáng xa có một tốp công nhân đường sắt đang hì hục làm, tôi chạy qua cánh đồng, kéo cái điện thoại bọc trong túi nilon lên và che khéo léo để chụp nhanh vài bức hình. Dọc đường di chuyển, đến đâu, chúng tôi cũng đều chứng kiến những giọt nước mắt lăn dài của người dân về một nỗi tuyệt vọng khi tài sản, người thân bị mưa lũ cuốn đi. Có những nơi, nước ngập đến tận nóc nhà. Hình ảnh những chiến sỹ công an, quân đội tay run run vì đói rét luôn in đậm trong tâm trí tôi.

Trong 10 năm trở lại đây, người dân Thanh Hóa mới chứng kiến cảnh tượng lũ lịch sử tàn khốc đến vậy.

Đi tiếp!

Đêm 13/8/2017, mưa lớn kéo dài, nước lũ dâng cao, nhấn chìm phần lớn diện tích hoa màu của huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) và khiến những con đường dẫn vào các xã, bản bị chia cắt hoàn toàn, hàng vạn khối đất đá sạt lở, đứt gãy nằm ngổn ngang cùng nước lũ, giao thông tê liệt.

1h30 sáng 14/8, PV Báo Giao thông nhấc máy gọi điện cho ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh để lấy thông tin về tình hình giao thông trong mưa lũ của địa phương. Bên kia đầu dây, ông Khánh nói lớn lẫn trong tiếng mưa gió ồn ào: “Đường vào các xã của huyện Ba Chẽ đã bị đứt gãy hết rồi. Nhiều điểm sạt lở, cầu đường cũng đứt gãy. Dự báo nước còn dâng cao nên phải chờ ổn định mới di chuyển bằng thuyền, bè vào được hiện trường khắc phục”.

Sau khi hỏi ông Khánh cặn kẽ về một số điểm sạt lở, đứt gãy giao thông, sáng 14/8, đoàn phóng viên tìm phương án tiếp cận vùng tâm lũ tại xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ. Từ trung tâm huyện, chúng tôi đã phải vượt qua gần 20 ngầm tràn nước chảy xiết. Ngoài việc lội qua các điểm ngập lụt để vào được các điểm dân cư bị cô lập bên trong chỉ có thuyền và bè tự chế là phương tiện duy nhất. 

Giữa biển nước mênh mông, việc đi lại trên những chiếc bè tự chế quả là liều, nhưng lúc đó, say nghề nên anh em dường như quên đi tất cả. Nước sâu, ngập khoảng 4m, thuyền có anh lái đò là giáo viên trưng dụng. Rồi cứ thế đi qua hết 12 điểm ngập dọc tuyến đường 330 lên Lương Mông. Có những đoạn đoàn phải đi đường vòng nửa quả đồi và đi bộ mấy kilomet. 

Nhưng đối với những người phóng viên tác nghiệp trong vùng lũ, sự an toàn của những chiếc máy quay, máy ảnh được đặt lên hàng đầu. Sợ nhất là khi vượt qua ngầm tràn bị thụt xuống nước sâu, máy quay phim, máy ảnh có nguy cơ bị ướt, sẽ “vào đến vùng lũ mà chả làm được gì”. Vì vậy, bao ni lông hay áo mưa chống thấm để ưu tiên bao bọc máy móc, còn người ướt lại khô, cũng có sao đâu. 

Mì tôm hay cái bánh mì khô trên chặng đường tác nghiệp mưa lũ đều quý giá. Có những lúc, phải xuống lội bộ vài kilomet mà vẫn không biết đường đi phía trước đi tiếp được không, hay đã bị đứt gãy, cô lập. Lúc này, không tránh khỏi băn khoăn: “Đi tiếp hay quay lại?”. Và cuối cùng, trong đoàn không có ai dừng lại, tất cả đều đồng lòng quyết tâm đến với vùng tâm lũ, để làm cầu nối đưa những hình ảnh chân thực nhất từ vùng bị cô lập ra ngoài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.