Tài chính

Hiến kế hiện thực hóa khát vọng hùng cường

30/04/2021, 07:01

"Kinh tế Nhà nước đang nắm giữ rất nhiều nguồn lực nên cần đặc biệt lưu ý để nỗ lực cải cách, làm cho khu vực này hoạt động thực sự hiệu quả".

img

Làm thế nào để hiện thực hóa được các mục tiêu "Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trở thành nước phát triển, thu nhập cao"?.

Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đặt ra mục tiêu, đến năm 2025 đưa đất nước vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Làm thế nào để hiện thực hóa được các mục tiêu trên? Báo Giao thông ghi nhận ý kiến một số chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này.

PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương:
Cần cải cách mạnh mẽ khu vực kinh tế Nhà nước

img

Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, mục tiêu của chúng ta đầy khát vọng nhưng để thực hiện được thì phải sử dụng hiệu quả hơn nữa các nguồn lực hiện có, tận dụng được thành quả khoa học và công nghệ, đặc biệt cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó phải chú trọng chuyển đổi số.

Đảng, Nhà nước cũng đã đưa ra 3 quá trình của chuyển đổi số, đó là Chính phủ số, xã hội số và doanh nghiệp số. Để chuyển đổi số thành công thì phải có sự tham gia của người dân.

Đảng, Nhà nước luôn rất quan tâm tới kinh tế tư nhân, xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Chúng ta đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Nhưng để đạt được mục tiêu dài hạn thì tất cả các khu vực kinh tế khác cũng phải phát triển tốt. Đặc biệt là giữa các khu vực kinh tế phải có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau.

Riêng khu vực kinh tế Nhà nước đang nắm giữ rất nhiều nguồn lực nên cũng cần đặc biệt lưu ý để nỗ lực cải cách, làm cho khu vực này hoạt động thực sự hiệu quả hơn, dẫn dắt các khu vực khác phát triển.

PGS. TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân:
Chuyển đổi số là con đường tất yếu

img

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định ba đột phá chiến lược cho 10 năm. Chúng ta muốn tiến tới Việt Nam hùng cường bắt buộc phải có ba đột phá này vì không thể xây dựng nền kinh tế mà thiếu cơ sơ hạ tầng, thiếu thể chế và thiếu nguồn nhân lực. Nên mục tiêu Việt Nam hùng cường phụ thuộc vào việc có thực hiện được ba đột phá chiến lược này trên cơ sở chuyển đổi số hay không. Với đội ngũ lãnh đạo của Chính phủ sau kiện toàn, tôi tin chúng ta sẽ có những giải pháp phù hợp.

Do đó, Chính phủ nên xây dựng lộ trình chuyển đổi số phù hợp, xác định rõ trọng tâm chuyển đổi số trong từng lĩnh vực, trong từng bộ, ban, ngành, gắn kết với ba đột phá chiến lược cũng như các hoạt động khác. Phải coi chuyển đổi số là nền tảng, xương sống xuyên suốt trong các hoạt động. Đó là con đường duy nhất. Thế giới họ hướng tới điều này và đã đi nhanh hơn chúng ta. Dịch bệnh Covid-19 có thể làm họ chậm lại nhưng sau đại dịch họ sẽ lại tiến nhanh và tiến xa hơn.

PGS. TS. Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách - VEPR:
Chính sách kinh tế đúng trọng tâm

img

Tăng trưởng cao trong bối cảnh hiện nay thì không dễ. Tuy nhiên, cần giữ được tăng trưởng dương, ổn định và bền vững. Cần chú ý tới khả năng sản xuất thực của nền kinh tế.

Trong trường hợp nếu không có các yếu tố như dịch Covid-19 thì con số tăng trưởng tầm 6 - 7% là hoàn toàn trong khả năng. Đối với chính sách kinh tế trong ngắn hạn phải giữ được lãi suất ổn định, ở mức hợp lý.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm đã có kế hoạch và đúng đối tượng, bởi cơ sở hạ tầng là cơ sở cho tăng trưởng trong tương lai.

Bên cạnh đó, nguồn lực trong nước hiện nay đang bị hạn chế nên phải thu hút nguồn lực từ khu vực FDI. Trong khi đó, chúng ta có lợi thế lao động giá rẻ, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mới ký kết nên vẫn phải khuyến khích những khu vực này.

Bên cạnh đó, cần gỡ bỏ các rào cản về điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, để khi dịch bệnh qua đi, niềm tin quay trở lại, đầu tư trong nước sẽ tăng, sản xuất sẽ khôi phục. Điều cần thiết nhất là các chính sách kinh tế phải đúng trọng tâm.

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế:
Đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt

img

Chiến lược 10 năm tới chúng ta có nhiều mục tiêu: Đưa Việt Nam vượt ngưỡng thu nhập trung bình thấp, vươn lên ngưỡng thu nhập trung bình cao sau 10 năm… Nếu không thay đổi quyết liệt, mạnh mẽ thì không thể nào đạt được. Tôi cho rằng, cơ hội cũng là thách thức lớn nhất với Việt Nam là phải thay đổi, với cả nền kinh tế.

Với từng doanh nghiệp cũng vậy, trong thời đại cạnh tranh ngay tại thị trường Việt Nam, chúng ta đừng gọi là thị trường nội địa nữa vì đây cũng là thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với đủ các doanh nghiệp đến từ các nước khác nhau. Nên không ai có quyền được đứng yên ở chỗ cũ, mà phải tiến lên.

Nếu chúng ta không thấy sự cần thiết phải thay đổi mà cứ làm bình bình như cũ, mỗi năm tăng trưởng vài phần trăm, cuối năm vẫn khoe thành tích, vẫn coi mình là tăng trưởng cao nhất nhì Đông Nam Á hay trên thế giới thì khó có thể thực hiện được khát vọng lớn đã đặt ra.

Chúng ta đã nói nhiều tới động lực của khu vực kinh tế tư nhân.

Nhưng phải thực sự coi khu vực này là quan trọng, bởi tăng trưởng năm 2020 vẫn dựa vào khu vực kinh tế nước ngoài và đầu tư công, tức là vẫn chưa thấy bóng dáng của khu vực kinh tế tư nhân đâu cả.

Khu vực công cũng có hạn chế, ngay cả đầu tư công nếu thúc đẩy quá cũng có rủi ro khi chúng ta chưa cải thiện được hiệu quả.

Động lực đổi mới sáng tạo cũng nói nhiều, không chỉ ở chuyển đổi số mà đổi mới sáng tạo là ở nhiều mặt và tùy từng lĩnh vực, phải thấm vào tất cả các ngành. Chẳng hạn như lĩnh vực giáo dục cần đào tạo kỹ năng mới cho người dân trong thời đại mới ra sao...

Đã đến lúc phải hành động, mà hành động phải trên tinh thần tự tin, ý thức về sự tự chủ, tự cường của mỗi người, mỗi doanh nghiệp cũng như đất nước để tự đứng vững trên đôi chân của mình.

Ông Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế:
Giám sát chặt chẽ việc thực thi chính sách

img

Trước mắt, dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới nền kinh tế nên chúng ta phải có biện pháp khẩn trương nhưng thận trọng để khôi phục nhanh sản xuất, kinh doanh, nhất là ngành du lịch, dịch vụ. Chính sách hỗ trợ phải đúng đối tượng để thực sự có hiệu quả, khi đó mới thúc đẩy được động lực tăng trưởng. Phía trước thách thức còn rất lớn. Về giải pháp, Chính phủ đã đề ra rất nhiều và cụ thể, toàn diện, trong từng ngành, từng lĩnh vực. Nhưng để có hiệu quả thì thanh tra, giám sát việc thực thi thế nào để các giải pháp đó có hiệu quả một cách thực sự.

Còn về dài hạn, Việt Nam hãy tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thay đổi mô hình tăng trưởng. Nhưng dù ngắn hạn hay dài hạn thì câu chuyện giám sát thực thi chính sách vẫn phải rất chú ý, phải gắn trách nhiệm một cách rõ ràng.

Ông Bùi Đức Thụ, Chuyên gia kinh tế - tài chính:
Nỗ lực cải cách để đột phá tăng trưởng

img

Những mục tiêu chung đã được nêu rất rõ trong văn kiện của Đại hội. Tuy nhiên, việc phải làm để thực hiện hóa được mục tiêu đó thì rất nhiều và phải thực hiện đồng bộ từ chủ trương, chiến lược tới các giải pháp cụ thể.

Từ chính sách tài khóa tới chính sách tiền tệ, chính sách ngoại thương… cũng đều phải có sự đổi mới. Phải có sự thay đổi, lột xác thực sự đối với nền kinh tế, làm sao đạt được tăng trưởng GDP bình quân 7 - 8% mỗi năm. Có như vậy, đến thời điểm 100 năm thành lập nước Việt Nam mới có thể trở thành nước phát triển được.

Mục tiêu tăng 7 - 8% mỗi năm là hoàn toàn có thể, từ đó sẽ có điều kiện để nâng dần quy mô nền kinh tế. Khi quy mô nền kinh tế lớn hơn, việc tăng thêm 1% cũng bằng mấy % của nền kinh tế quy mô nhỏ.

Điều đó cũng đồng nghĩa, khi đó kinh tế tăng trưởng cao sẽ khó khăn hơn nhiều, chưa kể bối cảnh hiện nay có những diễn biến phức tạp, điển hình là dịch Covid-19. Chẳng ai dám chắc trong tương lai, liệu có còn dịch bệnh nào tương tự như Covid-19 nữa hay không. Do đó, tất cả phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực cải cách của chúng ta và các giải pháp ứng phó kịp thời trước mọi tình huống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.