Giao thông

Hiến kế huy động vốn làm cao tốc Bắc - Nam

30/10/2019, 10:02

Nhiều ĐBQH đã chia sẻ ý kiến tâm huyết làm sao để “thông” dòng vốn cho các dự án hạ tầng giao thông trong đó có cao tốc Bắc - Nam.

img
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu, dùng tiền nhàn rỗi của BHXH, thu hút vốn ngoại… là những cách thức được nhiều ĐBQH gợi ý để giải mối lo về vốn làm cao tốc Bắc - Nam (Trong ảnh: Cao tốc La Sơn - Túy Loan). Ảnh: Duy Lợi

Trước phiên thảo luận về tình hình KT-XH năm 2019 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020 vào ngày hôm nay (30/10), bên hành lang Quốc hội, nhiều ĐBQH đã chia sẻ ý kiến tâm huyết làm sao để “thông” dòng vốn cho các dự án hạ tầng giao thông trong đó có cao tốc Bắc - Nam, từ đó thúc đẩy phát triển KT-XH trong những năm tới.

Lo ngân hàng “đóng cửa”

Hôm nay, Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội
Hôm nay (30/10) và ngày mai (31/10), Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Sau đó, thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. Phiên thảo luận sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp.


Sau khi quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế, Bộ GTVT đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam. Đến thời điểm này, có khoảng 30 nhà đầu tư trong nước đã tham gia mua hồ sơ, kỳ vọng con số này sẽ lên tới 50 - 60.

Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện rất nhiều chuyên gia, nhà đầu tư đều thống nhất quan điểm: Nhà đầu tư quan tâm thì nhiều, nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện của Bộ GTVT cũng không ít. Nhưng ngay cả khi đã tuyển chọn được nhà đầu tư thì vẫn còn đó nỗi lo vốn đầu tư nhất là trong bối cảnh vốn tín dụng hết sức khó khăn.

Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Trần Văn Thế nhiều lần chia sẻ với Báo Giao thông về thách thức lớn nhất đối với các nhà đầu tư trong nước khi tham gia vào dự án cao tốc Bắc - Nam nói riêng và các dự án hạ tầng giao thông nói chung là việc vay vốn tín dụng từ các tổ chức ngân hàng. “Thực tế cho thấy, ngay cả những dự án khả thi về tài chính, hiệu quả cao và nhận được sự chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Hữu Nghị - Chi Lăng, các ngân hàng thương mại vẫn đưa ra rất nhiều rào cản trong quá trình thẩm định cho vay vốn”, ông Thế nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho rằng, dù nhà đầu tư có qua vòng sơ tuyển, đấu thầu thành công cũng không thể triển khai nếu các ngân hàng thương mại “đóng cửa”, không cho vay vốn.

Bảo lãnh cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu

Đẩy mạnh các dự án giao thông trọng điểm
Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019 và kế hoạch phát triển KTXH năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, một kế hoạch trọng tâm trong năm 2020 là huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị. Đặc biệt, sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, CHK quốc tế Long Thành và thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền. Phấn đấu trong năm 2020 hoàn thành dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan; cơ bản hoàn thành đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, thông xe một số gói thầu của 3 dự án đầu tư công thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, lựa chọn được nhà đầu tư cho 8 dự án thành phần còn lại.


Ủng hộ phải phát triển hạ tầng giao thông, làm bàn đạp để phát triển KTXH, ĐBQH Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng bày tỏ sự đồng tình với quyết định huỷ thầu quốc tế để chuyển sang đấu thầu trong nước nhằm huy động nguồn lực của các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, ông Ngân cũng bày tỏ sự lo lắng việc nhà đầu tư trong nước không đủ lực để làm.

Dẫn ví dụ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giao cho các nhà đầu tư trong nước nhưng đình trệ kéo dài do thiếu vốn, ông Ngân nhận định, các ngân hàng đang có vẻ e dè trong việc cho vay với các dự án hạ tầng giao thông, BOT giao thông... Do đó, làm thế nào để có hàng tỷ USD làm cao tốc Bắc - Nam là không đơn giản với nhà đầu tư trong nước. “Muốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đấu thầu, trúng thầu, chúng ta phải quan tâm đến bài toán vốn. Phải có một chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này phát hành trái phiếu để có thể có nguồn vốn giải ngân cho các dự án này thay vì phải phụ thuộc vào ngân hàng”, ông Ngân nói và cho rằng, Chính phủ nên bảo lãnh cho một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu làm cao tốc Bắc - Nam.

“Để doanh nghiệp tự phát hành thì rủi ro lớn, không ai dám mua. Thay vì đầu tư công, Chính phủ bỏ vốn thì có thể tăng bảo lãnh như một hình thức hợp tác công tư. Cách này cũng giúp có thêm động lực, có vốn để triển khai các dự án cao tốc nhanh hơn, kể cả làm đường sắt đô thị ở TP HCM, xây sân bay”, ông Ngân nhấn mạnh và phân tích, các doanh nghiệp đã được thẩm định kỹ về năng lực và khả năng tài chính mới có thể trúng thầu. Bởi thế, đây cũng là cơ sở để Chính phủ có thể bảo lãnh cho các doanh nghiệp đủ điều kiện đứng ra phát hành trái phiếu.

Dùng Quỹ BHXH, tại sao không?

Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, lo vốn cho cao tốc Bắc - Nam hãy tư duy theo hướng thể chế của ta phải cải cách như thế nào để huy động được từ các thành phần kinh tế. Cùng đó, ông Kiên cũng đưa ra gợi ý về việc dùng Quỹ BHXH đầu tư vào các dự án hạ tầng, trong đó có dự án cao tốc Bắc - Nam. “Tại sao ta không cân nhắc vấn đề này? Vấn đề rất lớn hiện nay là thiếu vốn cho đầu tư giao thông. Trong khi đó, Quỹ BHXH là một nguồn lực tài chính rất lớn”, ông Kiên đặt vấn đề.

Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2), còn lại 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Dự án có tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng, gồm 51.702 tỷ đồng vốn BOT và 50.812 tỷ đồng vốn Nhà nước. Hiện nay, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã khởi công xây dựng (16/9/2019), dự kiến trong tháng 10/2019 sẽ khởi công dự án Cao Bồ - Mai Sơn và tháng 12/2019, khởi công các gói thầu đường dẫn cầu Mỹ Thuận 2.


Đồng quan điểm, ĐB Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói: “Chúng ta đang có một quỹ lớn là Quỹ BHXH với số dư trên 700 nghìn tỷ đồng. Theo quy định hiện nay, quỹ này có thể dùng để cho ngân sách Nhà nước, cho ngân hàng vay hoặc dùng để đầu tư vào các dự án quan trọng của quốc gia. “Các dự án giao thông là dự án quan trọng quốc gia, mang lại hiệu quả KTXH, do đó cũng có thể huy động từ nguồn này”, ông Sinh nói.

Nhắc lại việc Chính phủ đã quyết định cho Quỹ BHXH đầu tư vào dự án Thuỷ điện Lai Châu, ông Sinh cho rằng quyết định đó đã mạng lại hiệu quả rất lớn. Hiện nay, toàn bộ tiền đầu tư đã trả lại được hết và lãi suất cho vay trực tiếp dự án Thuỷ điện Lai Châu còn cao hơn lãi suất đang huy động trên thị trường ngân hàng.

Phân tích về cơ chế để sử dụng nguồn vốn từ Quỹ BHXH hoặc phát hành trái phiếu, ông Đỗ Văn Sinh cho biết, về nguồn Quỹ BHXH, hiện hành lang pháp lý đã cho phép, bản thân các chủ dự án hoặc Bộ GTVT có thể đứng ra làm việc với BHXH để cân đối nguồn vốn sao cho hợp lý. Khi hai bên đã đồng ý thì báo cáo Chính phủ quyết định. Còn việc phát hành trái phiếu nằm trong trần nợ công, hiện nay nợ công không vượt quá 65% thì vẫn thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì vẫn cho phép Chính phủ bảo lãnh.

Việc sử dụng tiền nhàn rỗi của Quỹ BHXH đầu tư vào hạ tầng giao thông cũng từng được Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai đề cập. “Đất nước rất thiếu nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thậm chí phải kêu gọi nguồn lực từ nước ngoài trong khi chúng ta có một nguồn vốn rất lớn từ Quỹ BHXH, có thể huy động vốn này đầu tư cho giao thông, lãi suất cao hơn rất nhiều”, ông Mai nói và nhấn mạnh: Đầu tư vào giao thông sẽ giúp phát triển KTXH. Thứ hai, bản thân Quỹ cũng sẽ có sự tăng trưởng tốt hơn. Đầu tư vào công trình nhỏ hay to không quan trọng mà cốt yếu là Chính phủ phải đánh giá công trình nào tính khả thi cao, độ an toàn cao thì nên dùng quỹ này.

Cần cơ chế “hút” vốn ngoại

img
Thi công dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đoạn đầu tuyến Cam Lộ (Quảng Trị). Ảnh: Duy Lợi

Đầu tư một dự án kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông rất dài, phụ thuộc rất nhiều yếu tố, nên muốn thu hút vốn đầu tư từ doanh nghiệp ngoài nước vào lĩnh vực này, Chính phủ cần có sự cơ chế bảo đảm an toàn cho nhà đầu tư. “Trước đây, giai đoạn 2017-2018, chúng ta triển khai BOT giao thông, một số nhà đầu tư nước ngoài vào và đặt ra 2 điều kiện bảo lãnh doanh thu và bảo lãnh ngoại tệ. Chúng ta không đáp ứng và kết quả, không tìm được nhà đầu tư. Ở kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ sẽ trình dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Trong dự thảo này hiện đã đưa ra cơ chế bảo lãnh doanh thu và bảo lãnh ngoại tệ”, ông Đỗ Văn Sinh nói.

Cụ thể, cơ chế bảo lãnh doanh thu quy định, nếu không đạt được mức doanh số đặt ra trong điều kiện dự án thì theo cơ chế 50/50, nhà đầu tư chịu một nửa và Chính phủ chịu một nửa. Nếu doanh số vượt dự kiến thì cơ chế cũng như vậy. Còn về bảo lãnh ngoại tệ, theo ông Sinh, hiện dự trữ ngoại hối cũng như -chuyển đổi đồng tiền của Việt Nam cũng không phải vấn đề khó khăn. Về nguyên lý, đầu tư kết cấu hạ tầng là trách nhiệm của Nhà nước. “Trong trường hợp Nhà nước đứng ra đầu tư mà không có vốn trong nước thì phải đi vay, vay thì chắc chắn phải vay bằng ngoại tệ và lúc trả cũng phải bằng ngoại tệ. Như vậy, để người nước ngoài vào đầu tư thì cũng phải có những điều kiện đảm bảo cho họ chuyển đổi ngoại tệ”, ông Sinh phân tích.

Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính:
Giảm 1% chi thường xuyên là có 10.000 tỷ đầu tư

img

Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội ngày 29/10, nhiều ĐBQH nhắc tới vấn đề thay đổi về con người và bộ máy. Chia sẻ vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, tổ chức bộ máy luôn là vấn đề rất nhạy cảm, khó khăn.

Theo ông Chính, với quy luật tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, nhiệm vụ thay đổi thì bộ máy tổ chức thay đổi, cơ cấu cán bộ cũng phải thay đổi theo để đáp ứng tình hình. Trong vấn đề tổ chức bộ máy, ông Chính nhấn mạnh tinh thần của Nghị quyết Trung ương là xây dựng bộ máy tinh gọn nhưng phải hoạt động hiệu lực, hiệu quả. “Ta không thể để bộ máy cồng kềnh như hiện nay. Năm 2017, chi thường xuyên chiếm 64% tổng chi ngân sách. Nếu giảm được chi thường xuyên sẽ tăng chi cho đầu tư phát triển”, ông Chính nói.

Với 1 triệu tỷ từ tổng chi thường xuyên của ngân sách (trong đó có chi cho bộ máy), Trưởng ban Tổ chức Trung ương tính toán chỉ cần giảm 1% sẽ có thêm 10.000 tỷ để chi cho đầu tư phát triển. Theo ông, việc này rất cần thiết trong điều kiện ngân sách của ta còn hạn hẹp.

Tuy nhiên, ông Chính cũng lưu ý, tinh giản bộ máy phải cân bằng với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy, gắn với cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cho phù hợp. Đi kèm với đó là khẩn trương hoàn thiện việc xác định vị trí việc làm và miêu tả khung năng lực. “Cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng thì cương quyết phải làm. Những gì chưa có trong quy định nhưng nảy sinh trong thực tiễn thì ta mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa hoàn thiện, từng bước mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội”, ông Chính nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.