Hạ tầng

Hiện thực hóa khát vọng của TP.HCM từ hạ tầng giao thông

01/05/2016, 14:39

TP.HCM đang ra sức thực hiện và kêu gọi các nguồn vốn đầu tư để xây dựng một hệ thống hạ tầng giao thông...

30

Cầu Khánh Hội nối quận 4 vào trung tâm quận 1

TP.HCM đang ra sức thực hiện và kêu gọi các nguồn vốn đầu tư để xây dựng một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại từ nay đến năm 2020. Đây cũng là một trong 7 chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X đặt ra để hiện thực hóa khát vọng trở lại vị thế “Hòn ngọc Viễn Đông” như lời hiệu triệu của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng.

Metro, cầu, đường kết nối các khu đô thị hiện đại

Trong tất cả những dự án hạ tầng giao thông hiện đang triển khai trên địa bàn TP.HCM, có lẽ công trình mà người dân mong ngóng ngày hoàn thành đưa vào sử dụng nhất chính là tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Bởi đây là tuyến Metro đầu tiên của TP và được kỳ vọng góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Những ngày tháng 4 lịch sử, các công nhân thi công trên tuyến Metro số 1 đang ra sức thi đua chào mừng kỷ niệm 41 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Toàn tuyến có tổng chiều 19,7km, trong đó có 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao.

Ông Tất Thành Cang, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết, trong 7 chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X đặt ra thì có đến hai chương trình liên quan đến việc hiện đại hóa hạ tầng giao thông và chỉnh trang đô thị. Điều này cho thấy, Đảng bộ TP.HCM quyết tâm thực hiện các giải pháp để từng bước xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, góp phần phát triển KT-XH của TP, từng bước xây dựng TP.HCM trở thành một nơi đáng sống, một TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Theo ông Lê Khắc Huỳnh, Phó trưởng BQL đường sắt đô thị TP.HCM, gói thầu 1b gồm ga Nhà hát TP và đoạn ngầm dài 1,315km từ Ba Son đến đường Lê Lợi đang gấp rút thi công ngày đêm và tiến độ luôn đảm bảo. Ga Nhà hát TP nằm ở độ sâu 40m, chiều dài 190m, gồm 4 tầng trong lòng đất. Đoạn trên cao từ Ba Son đến Long Bình (Q.9) dài 17,1km hiện đang được lao lắp dầm trên các trụ dọc Xa lộ Hà Nội, việc lao lắp dầm phải đến 2017 mới hoàn thành. “Tất cả các gói thầu đang tập trung cao độ để thi công kịp hoàn thiện vào đầu năm 2020”, ông Huỳnh nói.

Những năm gần đây, khu đô thị Thủ Thiêm đang được các nhà đầu tư dốc tiền vào để xây dựng khu vực này thành một khu đô thị đẹp, hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Công ty Đại Quang Minh là nhà đầu tư xây dựng khu đô thị Sala, đồng thời cũng đầu tư xây dựng 4 tuyến đường gồm: Đại lộ Vòng cung (R1), Đường Ven hồ trung tâm (R2), Đường Ven sông Sài Gòn (R3), Đường Vùng châu thổ (R4). Tiến độ của 4 tuyến đường này đang thi công hối hả hàng ngày.

Việc phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm còn có tác dụng thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông khác “chạy” theo. Theo quy hoạch, khu đô thị Thủ Thiêm được kết nối với trung tâm TP bằng 5 cây cầu và 1 đường hầm. Đến nay, TP đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu Thủ Thiêm 1, đường hầm Thủ Thiêm. Dự án cầu Thủ Thiêm 2 nối Thủ Thiêm với quận 1 cũng đã được Đại Quang Minh khởi công từ tháng 2/2015 và sẽ hoàn thành vào năm 2018.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, UBND TP vừa chấp thuận chủ trương cho Công ty Phát Đạt xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối đường Nguyễn Văn Linh (Q7) với khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q2). Đây sẽ là cầu nối quan trọng giữa khu đô thị Phú Mỹ Hưng và khu đô thị Thủ Thiêm sắp tới. “Những dự án này đều được lên kế hoạch thực hiện trong giai đoạn từ nay đến trước năm 2020. Khi các dự án này hoàn thành đi vào sử dụng sẽ góp phần thay đổi diện mạo giao thông của TP”, ông Cường nói.

31

Đường lên cao tốc TP.HCM  - Long Thành - Dầu Giây

Kết nối giao thông liên vùng bằng Metro, cao tốc

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sự phát triển của TP.HCM không thể tách riêng mà đòi hỏi phải có sự liên kết với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính vì vậy, việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông TP cũng đã tính đến sự kết nối này.

Chẳng hạn trong 8 tuyến Metro, 2 tuyến Monorail và một tuyến xe điện mặt đất, ngoài việc kết nối với nhau tạo thành mạng lưới đường sắt đô thị TP thì còn tính đến việc kết nối với các tỉnh, thành lân cận. Cụ thể, theo quy hoạch tuyến Metro số 1 sẽ tiếp tục kéo dài từ ga Suối Tiên đến tỉnh Bình Dương và đến TP Biên Hòa (Đồng Nai). Tuyến Metro số 2 từ Tham Lương (Q.12) tiếp tục được xây dựng đi theo đường Trường Chinh đến Bến xe An Sương (Hóc Môn) và đi tiếp QL22 đến khu Tây Bắc Củ Chi dài 48,4km, hướng về Tây Ninh. Tuyến Metro số 3a Bến Thành - Bến xe Miền Tây trong tương lai sẽ tiếp tục nối dài đến Tân Kiên, huyện Bình Chánh và đi tiếp đến TP Tân An (Long An).

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đang gấp rút được triển khai, sau khi hoàn thành vào đầu năm 2019 cũng sẽ tính đến phương án kết nối với TP.HCM xuống khu vực huyện Cần Giờ. Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội cũng sẽ hoàn thành trong hai năm tới để mở rộng cửa ngõ phía Đông - Bắc. QL1 đoạn qua huyện Bình Chánh cũng nâng cấp để mở rộng cửa ngõ phía Tây. QL22 lên Tây Ninh cũng được nâng cấp mở rộng. Đường Vành đai II cũng được hoàn chỉnh để kết nối từ nút giao cao tốc Long Thành - Dầu Giây đến đường Phạm Văn Đồng. Cùng với đó là các tuyến đường vành đai như Tân Vạn - Nhơn Trạch, vành đai III sẽ được đầu tư.

Dự án nâng cấp cầu đường sắt Bình Lợi đang triển khai cũng được nâng cao tĩnh không thông thuyền, những sà lan chở hàng container từ các cảng ở Bình Dương sẽ xuôi sông Sài Gòn về cảng Cát Lái, Hiệp Phước mà không phải đi đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông. CHK quốc tế Tân Sơn Nhất tiếp tục được đầu tư mở rộng khu vực nhà ga quốc tế, đường lăn, sân đậu và cải tạo hệ thống giao thông quanh khu vực để đảm bảo khai thác trong khi chờ CHK quốc tế Long Thành đưa vào sử dụng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.