Chuyện dọc đường

Hiện thực hóa ước mơ cao tốc

26/02/2015, 10:08

Đến năm 2020, mục tiêu hoàn thành 2.500 km đường cao tốc của Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở.

Hệ thống đường bộ cao tốc luôn là ước mơ của bất cứ quốc gia nào muốn phát triển, muốn CNH-HĐH, bởi tính chất ưu việt của nó trong lưu thông và mở rộng giao thương, liên kết các vùng miền.

Điểm qua một số nước như Trung Quốc, chỉ trong vài năm ngắn ngủi đã xây dựng và đưa vào khai thác hàng nghìn km cao tốc phủ sóng khắp đất nước. Đài Loan diện tích nhỏ hẹp nhưng đã có hai tuyến cao tốc Bắc Nam và Đông Tây liên kết xuyên quốc gia. Ngay khu vực ASEAN, nhiều nước như: Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia... hệ thống đường cao tốc cũng rất hiện đại với nhiều tuyến kết nối liên hoàn.

Con số đường cao tốc của Việt Nam hiện tại còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Chúng ta cũng chưa thông mạch được tuyến cao tốc Bắc - Nam xuyên quốc gia. Đây là bất lợi lớn đối với việc lưu thông của các phương tiện và giao thương phát triển kinh tế đất nước.

Thực tế chứng minh, nơi nào có cao tốc đi qua, nơi đó kinh tế - xã hội các địa phương có điều kiện không thể tốt hơn để cất cánh. Đơn cử, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vừa đưa vào khai thác, Thái Nguyên đã thu hút được hàng loạt dự án đầu tư nước ngoài với những dự án tỷ đô. Hay cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành mở toang cánh cửa thoát nghèo cho cả vùng Tây Bắc rộng lớn. Thậm chí, một tỉnh nhỏ như Vĩnh Phúc cũng đạt mức thu nội địa đứng thứ hai cả nước.

Chia sẻ với báo chí mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, số đường cao tốc của Việt Nam còn thấp do nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Nếu chỉ trông vào ngân sách, còn rất lâu giấc mơ có khoảng từ 4-6 nghìn km đường cao tốc mới thành hiện thực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa qua đã yêu cầu Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường cao tốc để đến năm 2020 hoàn thành 2.500 km đường cao tốc. Đây thực sự là một bài toán nan giải. Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành GTVT, chỉ đạo của Thủ tướng cũng là quyết tâm của Chính phủ và mong ước của người dân. Vì vậy, Bộ GTVT sẽ phải tìm mọi cách để thực hiện.

Bên cạnh các dự án triển khai bằng nguồn ngân sách Nhà nước hoặc từ vốn vay của các doanh nghiệp, các tổ chức tư nhân trong nước, ngành GTVT cũng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút, kéo vốn ngoại vào đầu tư đường cao tốc. Nếu kế hoạch thành công sẽ mở ra cả một chân trời mới trong lĩnh vực này.

Cùng đó, Bộ GTVT cũng chủ động tìm kiếm các hình thức đầu tư mới, hợp tác công tư, bán các tuyến cao tốc đã xây dựng chứ không trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Việc bán một số tuyến đường cao tốc cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tạo thêm một kênh huy động vốn quan trọng.

Với quyết tâm lớn cùng nhiều giải pháp quyết liệt mà ngành GTVT đang triển khai, đến năm 2020, mục tiêu hoàn thành 2.500 km đường cao tốc của Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở. Điều đó không chỉ hiện thực hóa ước mơ cao tốc của người dân mà còn góp phần rút ngắn con đường đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp, hiện đại. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.