Giao thông

Hiệp hội Taxi TP.HCM kiến nghị cả taxi và xe hợp đồng đều phải gắn mào

18/04/2019, 20:29

Hiệp hội Taxi TP.HCM kiến nghị giữ nguyên quy định trong dự thảo thay thế Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải...

img
Hiệp hội Taxi TP.HCM cho rằng, loại hình xe hoạt động như Grab phải gắn mào như taxi là đảm bảo công bằng trong kinh doanh vận tải - Ảnh minh họa

Nội dung dự thảo tạo hành lang pháp lý để cạnh tranh lành mạnh

Hiệp hội Taxi TP.HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các đơn vị liên quan kiến nghị giữ nguyên những quy định trong dự thảo thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ.

Hiệp hội này cho rằng, sau nhiều lần góp ý chỉnh sửa, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ đã khá đầy đủ nội dung góp ý của các bộ, ngành, hiệp hôi vận tải, hiệp hội taxi... nên các định nghĩa và quy định trong dự thảo đã đầy đủ và sát thực tiễn. Dự thảo cũng có tính công bằng cao, tạo được khung pháp lý và hành lang pháp lý để các loại hình kinh doanh vận tải có cơ hội cạnh tranh lành mạnh, cùng tồn tại và phát triển, cùng có cơ hội để thực thi đầy đủ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp với Nhà nước.

Tuy nhiên, Hiệp hội Taxi TP.HCM cho biết, văn bản gần đây Công ty TNHH Grab (Grab) gửi Bộ GTVT đã nêu quan điểm trái với thực tế, trái pháp luật. Quan điểm của Grab muốn hạ thấp vai trò quản lý của Nhà nước đối với vận tải. Bên cạnh đó, muốn gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh để lách luật, tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, né nghĩa vụ đối với người lao động và giảm giám sát thuế với Nhà nước. Đồng thời, với quan điểm này sẽ phá vỡ kết cấu vận tải và vô hiệu hóa quyền quản lý của chính quyền các địa phương, sẽ làm gia tăng ùn tắc và tai nạn giao thông.

“Vì sao Grab luôn tự cho mình là đơn vị cung cấp phần mềm chỉ giữ vai trò kết nối nhưng lại luôn tranh cãi, đấu tranh về các điều kiện kinh doanh vận tải, về các công đoạn của quy trình kinh doanh vận tải vốn thuộc chức năng của đơn vị kinh doanh vận tải”, Hiệp hội này nêu quan điểm.

Về góc độ công bằng và trật tự xã hội, Hiệp hội Taxi TP.HCM đồng tình với các quy định trong dự thảo Nghị định với việc phải xác định các công đoạn của quy trình kinh doanh vận tải, trong đó các công đoạn thể hiện bản chất của kinh doanh vận tải đó là quyền điều xe, lái xe; quyền quyết định giá cước. “Quy định này, ngoài việc để phân biệt đơn vị kinh doanh vận tải với đơn vị không kinh doanh vận tải, còn có ý nghĩa trong việc xác định trách nhiệm của chủ thể, các quyền và nghĩa vụ khác có liên quan như: doanh thu, chính sách lao động, nghĩa vụ bảo hiểm, nghĩa vụ thuế hoặc dân sự - hình sự. Nếu doanh nghiệp không tham gia vào các công đoạn nêu trên, không phải doanh nghiệp kinh doanh vận tải”, Hiệp hội Taxi TP.HCM nêu.

Hiệp hội Taxi TP. HCM cho rằng, qua gần 4 năm thí điểm theo quyết định 24 của Bộ GTVT có đủ cơ sở khẳng định loại hình kinh doanh mà Grab đang điều hành chính là taxi và phải quản lý như taxi. Điều này cũng đã được Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên ngày 28/12/2018 khẳng định bản chất kinh doanh của Grab là vận tải taxi, Hiệp hội Taxi TP.HCM kiến nghị đối với các loại hình vận tải có bản chất giống nhau, cần điều kiện kinh doanh giống nhau.

Hộp đèn còn có ý nghĩa minh bạch, văn minh trong kinh doanh vận tải

Cũng theo Hiệp hội Taxi TP.HCM, hộp đèn nóc là dấu hiệu cơ bản để nhận biết phương tiện có chức năng vận chuyển hành khách với các phương tiện khác, giúp công tác kiểm tra giám sát của lực lượng chức năng được thuận lợi và người tham gia giao thông dễ nhận biết. Hộp đèn còn có ý nghĩa minh bạch, văn minh trong kinh doanh vận tải, công bằng về điều kiện kinh doanh. Luận điểm của Grab cho rằng, hộp đèn chỉ dành cho các xe có khách vẫy trên đường là không chuẩn xác.

Trước quan điểm luật đã quy định dán phù hiệu, phần mềm đã có thông tin về xe, lái xe, số điện thoại liên hệ cho nên không cần hộp đèn, Hiệp hội Taxi TP.HCM cho rằng, xe kinh doanh có bản chất giống nhau, điều kiện kinh doanh giống nhau. Còn các thông tin về lái xe, số điện thoại, điểm đi, điểm đến, tiền cước thì cả xe taxi cũng quy định phải thực hiện và thể hiện qua hóa đơn gửi cho khách. Đối với các hãng taxi đang sử dụng phần mềm giống Grab hiện cũng phải có đèn nóc, nên không có lý do gì xe chạy Grab lại không.

Về luận điểm cho rằng, xe hợp đồng đã có phù hiệu không cần đèn trên nóc, Hiệp hội Taxi TP.HCM cho biết, tại hội nghị tổng kết thí điểm theo Quyết định 24, các sở GTVT, Hiệp hội taxi đều cho rằng chỉ có 10% xe Grab dán phù hiệu, còn lại không dán hoặc bọc nilong để dưới tablo, chỉ xuất trình khi bị kiểm tra. Với những trường hợp này, phù hiệu không có ý nghĩa gì cho việc nhận diện, phân biệt xe chở khách và xe không có chức năng chở khách.

Từ những phân tích trên, Hiệp hội Taxi TP.HCM kiến nghị giữ nguyên quy định xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải chở khách đều phải có hộp đèn trên nóc, bất luận đó là taxi hay sử dụng hợp đồng điện tử. "Chỉ có xe sử dụng hợp đồng điện tử, có thể là xe tải, xe trên 9 chỗ hay xe dưới 9 chỗ nếu chạy hợp đồng đều có thể sử dụng hợp đồng giấy hoặc hợp đồng điện tử. Hoàn toàn không có khái niệm xe hợp đồng điện tử mà chỉ có xe sử dụng hợp đồng điện tử. Theo dự thảo, xe dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử để chở khách thì phải có đèn nóc giống taxi”, Hiệp hội Taxi TP.HCM khẳng định.

Trước đó, Grab đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT bỏ quy định buộc xe công nghệ phải gắn mào trên nóc tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Ngoài kiến nghị bãi bỏ một số nội dung trên, Grab cho rằng, mục tiêu của quy định về hộp đèn trên nóc xe là nhằm phục vụ cho việc nhận diện xe của khách hàng khi có nhu cầu đón, vẫy xe taxi trên đường. Do đó, việc áp dụng quy định gắn hộp đèn trên nóc xe taxi kết nối với hành khách qua ứng dụng là không cần thiết. Bởi, nếu nhằm mục đích nhận diện xe kinh doanh cho cơ quan chức năng, tất cả các phương tiện đều đã được niêm yết phù hiệu “XE TAXI” hoặc “XE HỢP ĐỒNG” trên kính trước của xe như quy định pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.