Xã hội

“Hiệp sĩ máu hiếm” và những cuộc hồi sinh kỳ diệu

27/04/2015, 15:21

Mang trong mình dòng máu đặc biệt, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Máu hiếm đã cứu giúp được rất nhiều người...

281

Bé Hải Đăng (con chị Quỳnh Nga) được cứu sốngnhờ những giọt máu hiếm của cộng đồng

“Con tôi đã được tái sinh”

Trong ngôi nhà nhỏ nằm khá sâu trong con ngõ trên đường Xuân Tân (Xuân Đỉnh, Nam Từ Liêm, Hà Nội), chốc chốc lại vang lên tiếng cười trong trẻo của cậu bé Hải Đăng mới vừa tròn 9 tháng tuổi. Với chị Phạm Thị Quỳnh Nga (mẹ bé Hải Đăng), sự sống của cậu con trai như một phép màu diệu kỳ mà chị những tưởng không bao giờ có được.

Lập gia đình khá muộn, đứa con đầu của chị chào đời khỏe mạnh và thuận lợi. Nhưng đến con thứ hai, thứ ba, các cháu chào đời là xuất hiện triệu chứng tím tái, khó thở, rồi ra đi khi mới chỉ có vài ngày tuổi mà không rõ nguyên nhân, khiến lần mang thai thứ tư, chị phập phồng lo lắng. Và chị hoảng hốt tột độ khi cậu bé chào đời cũng có triệu chứng tím tái, khó thở như hai người chị đã mất. Hải Đăng được chuyển ngay sang Bệnh viện Nhi T.Ư.

Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, các bác sĩ phát hiện Hải Đăng bị vàng da sớm, thiếu máu nặng, chẩn đoán bệnh vàng da huyết tán. Nguyên nhân được xác định là do bất đồng nhóm máu mẹ con hệ Rh. Hải Đăng được điều trị chiếu đèn tích cực và có chỉ định thay máu với nhóm máu được xác định là nhóm máu hiếm ORh-.

Orh- là nhóm máu hiếm gặp ở Việt Nam nên không phải lúc nào cũng sẵn có trong ngân hàng máu. Ngay cả lượng máu dự trữ tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư lúc đó cũng không đủ để bé Hải Đăng thay máu trong vòng 24 giờ đồng hồ sau sinh - điều kiện đầu tiên thắp lên hy vọng được cứu sống.

“Thời điểm đó, hai vợ chồng mình rơi vào vô vọng bởi cả họ hàng nội ngoại không ai có nhóm máu đó”, chị Quỳnh Nga chia sẻ. Để chạy đua với thời gian, chị Nga liên hệ khắp nơi, cầu cứu khắp chỗ, trong đó có cả qua mạng xã hội Facebook. Nhờ Facebook, “lời cầu cứu” của chị Nga đã được nhiều người chia sẻ và chị được giới thiệu liên hệ với CLB Máu hiếm. “9h sáng kết nối được với CLB thì chỉ hai giờ đồng hồ sau đó, mình nhận được thông tin có người sẵn sàng hiến máu cứu con mình. Không chỉ hiến 350ml theo như chỉ định, mà Minh - người hiến máu còn sẵn sàng hiến thêm để dự phòng trường hợp bất trắc ngoài dự tính. Không có lời nào tả nổi niềm vui vỡ òa khi niềm hy vọng tắt dần thì con được cứu sống bởi một người xa lạ”, chị Nga kể trong sự xúc động.

“Không có những người nhiệt tình sẵn sàng hiến máu hiếm như các anh chị em ở CLB Máu hiếm, thì gia đình mình đã không có tháng ngày hạnh phúc như hiện giờ. Bé Hải Đăng được tái sinh nhờ những giọt máu ý nghĩa và ân tình đó”, anh Nguyễn Khắc Công (bố bé Hải Đăng) cho biết.

282
Đức Kiên trong một lần hiến máu

Nói dối bác sỹ để hiến máu sớm, kịp cứu người

Có lẽ nếu không có tấm lòng nhiệt huyết thì khó ai có thể sẵn sàng cho đi những giọt máu hồng. Gặp Nguyễn Nhinh (Hải Dương), cô gái có thân hình mỏng mảnh và bận rộn tối ngày với những chuyến công tác ngược xuôi, ngày đi làm, tối lại đi học mới thấy rõ điều đó. Chính Nhinh cũng bất ngờ khi lần đầu biết được mình mang nhóm máu hiếm BRh- do tình cờ hiến máu trong phong trào của trường khi còn đang là cô sinh viên năm thứ hai. Rồi từ đó, cô trở thành một thành viên tích cực của CLB Máu hiếm.

Nhinh vẫn nhớ mãi lần hiến máu khẩn cấp cách đây 6 năm. Nhận được tin có bệnh nhân cần truyền máu gấp, chỉ kịp xin phép giáo viên, Nhinh lao vội tới bệnh viện. Hiến xong 1 đơn vị máu khi đồng hồ đã chỉ sang 13h trưa. Đặt chân về tới phòng trọ cũng là lúc Nhinh thấy cơ thể rã rời, muốn ngất xỉu vì… đói. “Nôn nóng hiến máu cứu người nên khi đến bệnh viện em đã nói dối bác sĩ là đã ăn trưa rồi thế nên mới ra cơ sự đấy”, Nhinh cho hay.

Ở Việt Nam, chỉ có 0,04-0,07% số người thuộc nhóm máu Rh- (hoặc O- hoặc B- hoặc A- hoặc AB-). Những người có nhóm máu Rh- ở Việt Nam thuộc cộng đồng người có nhóm máu hiếm. Không như với các nhóm máu khác, chỉ có những người có cùng nhóm máu hiếm Rh - mới có thể truyền cho nhau. Nếu truyền nhầm nhóm máu Rh+, người bệnh sẽ bị tan máu, suy thận, trụy tim mạch và có thể tử vong.

Rút kinh nghiệm từ lần đó, Nhinh ý thức giữ gìn sức khỏe hơn, nhưng không ít lần Nhinh lại “nói dối” để được hiến máu trong tình huống bệnh nhân nguy cấp. “Có đặt mình vào tình cảnh của bệnh nhân mới thấy giá trị của những giọt máu hồng trao đi chị ạ”, Nhinh tâm sự.

Tính đến thời điểm này, Nhinh đã tham gia hiến máu được 8 năm với hơn 20 lần cùng “đồng đội” dành những giọt máu của mình góp phần giữ lại mạng sống cho rất nhiều bệnh nhân đang đối mặt với án tử. Do hiểu các bệnh nhân cần đến máu hiếm, tức đang ở giai đoạn cực khó khăn, nên dù là đêm tối, hay mưa bão cứ nhận được tin cần máu khẩn cấp là Nhinh cũng như các anh, chị, em trong CLB Máu hiếm đều không ngần ngại chia sẻ giọt máu của mình.

“Có những ca phải huy động đến 4-5 người mới đủ lượng máu cần thiết cho bệnh nhân, thế nhưng anh em trong CLB không ngại thu xếp công việc, gia đình cùng có mặt để cứu giúp bệnh nhân. Có những thành viên ở ngoại tỉnh như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn... nhưng khi cần huy động, anh em không ngại ngần bắt xe lên Hà Nội sẵn sàng hiến máu”, Nhinh nói.

Còn với chị Đỗ Thùy Dung (Hà Nội), tham gia CLB Máu hiếm từ những ngày đầu, đến nay chị đã có hơn 20 lần hiến máu. Nhiều lần chị phải bỏ dở công việc hay ra khỏi nhà lúc nửa đêm để tiếp máu cho bệnh nhân. Có trường hợp sản phụ bị mất máu, gia đình gần như đã tuyệt vọng thì nhóm đến và cứu được mẹ cho đứa trẻ vừa sinh.

Còn chàng chuyên viên trẻ FPT Telecom Nguyễn Đức Kiên (Quốc Oai, Hà Nội) mang dòng máu hiếm ARh- không nhớ nổi bao lần đang bận rộn với công việc, nhưng cứ nhận điện có ca cấp cứu cần máu là anh vội vàng lên đường. Kiên chia sẻ: “Hiến một vài đơn vị máu với mình không có gì khó khăn nhưng với người bị nạn thì đó là một cơ hội sống. Một giọt máu trao đi, một cuộc đời ở lại”, Đức Kiên vui vẻ cho biết.

CLB Máu hiếm phía Bắc ra đời đầu năm 2007, trực thuộc Viện Huyết học Truyền máu T.Ư với số thành viên ban đầu chỉ có 19 người, đến nay đã vượt trên con số 200. Thông thường, những thành viên trong CLB được khuyên không cho máu trong các đợt vận động hiến máu, để dành cho các trường hợp khẩn cấp, như khi có bệnh nhân ung thư máu, sản phụ băng huyết, các bệnh nhân mổ, sốt xuất huyết hay bệnh nhân bị tai nạn. Dù số lượng thành viên CLB ngày càng đông, nhưng nhu cầu máu hiếm vẫn cao. Do đó, các thành viên tâm huyết của CLB luôn tha thiết mong có thêm thành viên mới để cứu giúp cộng đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.