Quân sự

Hiệp ước Cấm Vũ khí Hạt nhân đang cần thêm một bên phê chuẩn

25/10/2020, 07:39

Đài NHK đưa tin, chính phủ Jamaica và Nauru đã phê chuẩn Hiệp ước của Liên Hợp Quốc về Cấm Vũ khí Hạt nhân.

img
Vũ khí hạt nhân là loại vũ khí hủy diệt lớn nguy hiểm nhất hiện nay - ảnh minh họa.

Chỉ cần thêm một nước phê chuẩn

Đài NHK đưa tin, chính phủ Jamaica và Nauru đã phê chuẩn Hiệp ước của Liên Hợp Quốc về Cấm Vũ khí Hạt nhân.

Sau màn ký kết của Jamaica và Nauru vào hôm thứ Sáu, như vậy là chỉ cần 1 bên nữa phê chuẩn là đủ 50 bên để hiệp ước có hiệu lực.

Chiến dịch Quốc tế về Xoá bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) bày tỏ lạc quan rằng sẽ sớm có bên thứ 50 phê chuẩn hiệp ước.

Hiệp ước Cấm Vũ khí Hạt nhân được thông qua tại một hội nghị của Liên Hợp Quốc vào năm 2017. Hiệp ước cấm việc phát triển, sở hữu và sử dụng vũ khí hạt nhân, coi việc sử dụng loại vũ khí này là vi phạm luật quốc tế.

Hiệp ước sẽ có hiệu lực 90 ngày kể từ khi đủ 50 bên phê chuẩn. Nếu có hiệu lực, đây sẽ là hiệp ước đầu tiên cấm vũ khí hạt nhân.

Các cường quốc hạt nhân như Mỹ, Nga và Trung Quốc không tham gia hiệp ước. Nhật Bản cũng là nước nằm trong ô hạt nhân của Mỹ, không tham gia.

Cuộc vận động ở Nhật Bản

Trước tình thế này, báo chí Nhật cho hay, một nhóm gồm các thành viên tổ chức phi chính phủ và học sinh - sinh viên của Nhật Bản đã phát động chiến dịch kêu gọi chính phủ nước này tham gia Hiệp ước của Liên Hợp Quốc về Cấm Vũ khí Hạt nhân.

Hôm thứ Sáu, các thành viên của nhóm hỏi các nghị sỹ quốc hội và các tỉnh trưởng xem họ có ủng hộ hiệp ước hay không, sau đó đăng ý kiến của họ trên mạng internet.

Hiện tại có 17% các nghị sỹ trong Quốc hội ủng hộ hiệp ước và nhóm hy vọng có thể khiến con số này tăng lên 30% trong năm nay.

Ông Kawasaki Akira, người đứng đầu nhóm và cũng là thành viên Chiến dịch Quốc tế về Xoá bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) cho biết có sự khác biệt rất lớn giữa Quốc hội và người dân. Ông nói rằng hầu hết người dân đều ủng hộ hiệp ước.

Ông cũng bày tỏ hy vọng Nhật Bản sẽ phê chuẩn hiệp ước sau khi mối quan tâm của người dân đối với hiệp ước này khiến các nghị sỹ thay đổi quan điểm.

Hiệp ước hiện đã có gần đủ 50 bên phê chuẩn để có hiệu lực. Tuy nhiên, chính phủ Nhật cho biết sẽ không tham gia hiệp ước với lý do được nói ra là "hiệp ước sẽ không dẫn tới giải giáp hạt nhân".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.