Vận tải

Hiểu đúng các quy định mới về kinh doanh vận tải

17/09/2022, 06:00

Nghị định 47/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số quy định tại NĐ 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Báo Giao thông trao đổi với ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT xoay quanh những quy định mới của Nghị định 47.

img

Ông Trần Bảo Ngọc

Sửa đổi để phù hợp với thực tế

Nghị định 10 mới trải qua hơn 1 năm thực hiện, vì sao vừa qua lại phải sửa đổi, thưa ông?

Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) bằng xe ô tô sau hơn một năm triển khai thực hiện cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của thực tế, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải phát triển, đáp ứng được việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực GTVT phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, còn một số nội dung cần phải điều chỉnh ngay để phù hợp với hoạt động của đơn vị KDVT, giảm bớt các thủ tục không thuận lợi trong quá trình thực hiện của đơn vị KDVT cũng như của cơ quan quản lý đối với hoạt động vận tải.

Ông có thể nói rõ hơn sự cần thiết phải sửa đổi, quy định nào đáng chú ý nhất?

Đó là quy định đơn vị KDVT phải có tài liệu chứng minh đã khắc phục vi phạm sau khi bị tước quyền sử dụng giấy phép KDVT, phù hiệu, biển hiệu xe KDVT nếu như muốn tiếp tục KDVT.

Không chỉ gây khó khăn trong quá trình thực hiện của đơn vị vận tải và các Sở GTVT mà còn chưa phù hợp với quy định về xử phạt vi phạm hành chính (sau thời hạn tước quyền sử dụng cần phải trả lại giấy phép, phù hiệu, biển hiệu mà không cần phải chứng minh việc đã khắc phục các lỗi dẫn đến hành vi vi phạm bị tước quyền sử dụng). Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.

Đối với việc thu hồi giấy phép KDVT cũng cần điều chỉnh, khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc bị thu hồi và khi thu hồi, trong thời gian bao lâu, đơn vị KDVT phải nộp lại giấy phép.

Nghị định 10 quy định việc các Sở GTVT phải trực tiếp thực hiện dán phù hiệu, biển hiệu lên phương tiện KDVT được cấp, gây khó khăn cho cả cơ quan thực hiện và cả đơn vị KDVT.

Đặc biệt là đối với các tỉnh, thành phố có số lượng phương tiện nhiều (như TP Hà Nội, TP.HCM) hay những tỉnh có địa bàn rộng và vùng sâu, vùng xa, hải đảo, việc Sở GTVT trực tiếp dán phù hiệu, biển hiệu lên phương tiện là khó khả thi và khó khăn cho đơn vị KDVT.

Ngoài ra, hiện nay Bộ Công an đã thực hiện phân tách giữa phương tiện KDVT và phương tiện cá nhân bằng màu của biển số; tem đăng kiểm cũng đã phân biệt màu của tem đăng kiểm đối với phương tiện KDVT; phù hiệu, biển hiệu chỉ đảm bảo để phân định từng loại hình KDVT để lực lượng chức năng đối chiếu khi xử lý vi phạm trong hoạt động KDVT.

Do đó, việc Sở GTVT phải thực hiện dán trực tiếp lên phương tiện hiện không còn phù hợp, cần điều chỉnh để tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện.

Còn những nội dung nào được sửa đổi lần này và từng quy định sửa đổi có tác dụng thế nào trong thực tế, thưa ông?

Nghị định số 47/2022/NĐ-CP bao gồm 2 điều, trong đó đã sửa đổi, bổ sung 12 nội dung của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP; bổ sung 1 khoản chuyển tiếp tại khoản 3 Điều 2.

Cụ thể, bổ sung các quy định như đơn vị KDVT hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin hàng hóa, họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.

Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) của xe được sử dụng trong quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị KDVT và được kết nối, chia sẻ với Bộ Công an (Cục CSGT), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) để thực hiện quản lý Nhà nước về TTATGT; ANTT; thuế; phòng, chống buôn lậu”.

Bên cạnh đó, quy định xe taxi phải có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).

Không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để KDVT hành khách.

Không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để KDVT hành khách bằng xe taxi…

Vẫn có thể cải tạo xe trên 10 chỗ thành dưới 10 chỗ

Nhiều ý kiến băn khoăn về quy định cấm cải tạo xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ bởi việc tải tạo xe nhiều chỗ thành xe ít chỗ để chở khách sẽ tiện nghi và an toàn hơn. Thêm nữa, do biểu thuế của hai loại xe khác nhau nên không doanh nghiệp nào muốn cải tạo để phải nộp thuế nhiều hơn, ông có ý kiến thế nào về việc này?

Theo nội dung quy định tại khoản 4, Điều 1 Nghị định số 47/2022/NĐ-CP: Chỉ không cho phép sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để KDVT hành khách.

Và không cấm việc cải tạo xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để phục vụ vận chuyển nội bộ hoặc phục vụ nhu cầu cá nhân.

Vì thế, tùy theo nhu cầu của người dân và doanh nghiệp vẫn có thể thực hiện việc cải tạo xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe).

Tuy nhiên, việc sử dụng phương tiện đó vào KDVT phải theo đúng quy định của Chính phủ nhằm mục đích vẫn nâng cao được chất lượng phương tiện nhưng phải đảm bảo việc tổ chức giao thông nhằm giảm ùn tắc, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Minh bạch thông tin hàng hóa gửi xe khách

img

Theo quy định mới, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách khi nhận hàng hóa ký gửi phải yêu cầu người gửi cung cấp đầy đủ các thông tin hàng hóa, họ tên, số CCCD, số điện thoại liên hệ. Ảnh: Tạ Hải

Theo Nghị định mới, người gửi hàng hóa trên xe khách phải cung cấp 6 thông tin. Quy định này sẽ khắc phục được bất cập gì trong thực tế hiện nay, thưa ông?

Quy định mới nhằm minh bạch các thông tin liên quan đối với hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) và quy định trách nhiệm của đơn vị KDVT hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và người gửi hàng hóa.

Từ đó, góp phần phục vụ công tác quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước, các lực lượng chức năng; đặc biệt là khi có sự cố xảy ra như: Hàng lậu, hàng giả, chất cấm, chất cháy nổ… Đảm bảo an toàn hơn trong quá trình vận chuyển, dễ dàng truy xuất nguồn gốc của hàng hóa khi có sự cố xảy ra.

Tuy nhiên, nhiều người dân e ngại khi thực hiện các quy định này sẽ bị lộ các thông tin cá nhân và bị các đối tượng xấu lợi dụng. Theo ông, cần giám sát việc thực hiện và xử lý vi phạm như thế nào?

Về vấn đề này, tại khoản 6, Điều 34 của Nghị định số 10 cũng đã có quy định: “Đơn vị KDVT chịu sự thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện KDVT bằng xe ô tô và pháp luật khác có liên quan của cơ quan có thẩm quyền”.

Do đó, đơn vị KDVT hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe khi nhận hàng hóa ký gửi theo xe có trách nhiệm bảo quản hàng hóa và bảo mật thông tin cá nhân người gửi theo quy định của pháp luật có liên quan.

Giám sắt chặt hơn kinh doanh vận tải

Liên quan đến quy định mới về ô tô KDVT lần đầu phải lắp đặt thiết bị GSHT có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu áp dụng từ ngày 1/7/2023, hiện nay việc thực hiện lắp camera GSHT trên các xe kinh doanh vận tải thế nào? Quy định mới sẽ giúp gì trong hoạt động quản lý, thưa ông?

Thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tổng số phương tiện phải lắp đặt thiết bị GSHT vào khoảng 860.000 xe.

Đến năm 2020, theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP, đơn vị KDVT phải thực hiện việc lắp đặt thêm thiết bị camera, theo thống kê số lượng phương tiện thuộc đối tượng phải lắp camera vào khoảng 200.000 xe/tổng số khoảng 860.000 xe KDVT.

Hiện nay, trên thị trường có 2 loại thiết bị gồm: Thiết bị GSHT độc lập với thiết bị camera và loại thiết bị GSHT tích hợp đầu ghi camera.

Để đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí, đơn vị KDVT căn cứ vào thực tế hoạt động để chủ động lựa chọn thiết bị phù hợp nhưng phải đảm bảo truyền dẫn dữ liệu về máy chủ của đơn vị KDVT và máy chủ của Tổng cục Đường bộ VN theo đúng chuẩn dữ liệu quy định tại Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.

Về lâu dài để tránh lãng phí cho đơn vị vận tải, cũng như thuận lợi, thống nhất trong công tác quản lý của cơ quan Nhà nước, cần quy định để đơn vị KDVT sử dụng thiết bị GSHT tích hợp với camera.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã giao Tổng cục Đường bộ VN chủ động nghiên cứu để xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu thống nhất.

Việc bổ sung quy định mới này, trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ GTVT cũng đã tiếp thu ý kiến bộ, ngành và đề xuất Chính phủ.

Vậy, từ nay đến 1/7/2023 cần triển khai như thế nào để các doanh nghiệp thực hiện đúng lộ trình, tránh việc chậm trễ như quy định lắp camera giám sát trên xe KDVT trước đó, thưa ông?

Đối với vấn đề này, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu: Tổng cục Đường bộ VN chủ trì, phối hợp Vụ Vận tải, Vụ Pháp chế, Vụ ATGT, Thanh tra Bộ, Cục Đăng kiểm VN, các Sở GTVT và cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị định số 47/2022/NĐ-CP, Thông tư số 17/2022/TT-BGTVT.

Yêu cầu Sở GTVT, GTVT-XD các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động triển khai đến các cơ quan chuyên môn (Quản lý vận tải đường bộ, Thanh tra GTVT thuộc sở, địa phương trên địa bàn của tỉnh), đơn vị vận tải, đơn vị bến xe, hiệp hội nghề nghiệp trên địa bàn (nếu có) để phối hợp thực hiện theo đúng quy định của Nghị định số 47/2022/NĐ-CP, Thông tư số 17/2022/TT-BGTVT.

Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu các quy định, nội dung hướng dẫn tại Nghị định số 47/2022/NĐ-CP, Thông tư số 17/2022/TT-BGTVT để quản lý, tổ chức thực hiện theo đúng quy định và đảm bảo đúng tiến độ về thời gian.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đã đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chủ động tuyên truyền đến thành viên. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã và sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để đơn vị KDVT và người dân hiểu rõ.

Cùng với đó, tăng cường cung cấp thông tin đến cơ quan báo chí để phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định mới trong hoạt động KDVT.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.