Chuyện dọc đường

Hiệu quả của một đồng vốn đầu tư công

29/09/2021, 06:30

Giai đoạn 2016 - 2020, yếu tố vốn đóng góp đến 53,3% tăng trưởng kinh tế, cao hơn đóng góp của yếu tố lao động.

Vì vậy tăng vốn đầu tư công có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tiếp theo 2021-2025.

img

Đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế (Trong ảnh: Thi công cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu)

Tầm quan trọng đặc biệt của vốn đầu tư công trong dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở chỗ cứ tăng 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài Nhà nước.

Điều này còn phản ánh tính lan tỏa của thực hiện đầu tư công tới đầu tư ngoài Nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2021 mạnh hơn năm 2019 vì khi đó giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công kéo theo 1,42 đồng vốn đầu tư ngoài Nhà nước, thấp hơn 0,19 đồng so với năm 2021.

Bên cạnh tính dẫn dắt và tính lan tỏa, bản thân đầu tư công đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng. Theo số liệu tính toán, dự báo giai đoạn 2021 - 2025 nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%.

Về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR - phản ánh số đồng vốn đầu tư cần thực hiện để tăng thêm 1 đồng GDP), giai đoạn 2016 - 2019 hệ số này là 6,13, thấp hơn hệ số 6,25 của giai đoạn trước.

Không những thế, vốn đầu tư thực hiện chưa thật sự hiệu quả, đầu tư còn dàn trải, manh mún, kéo dài. Do đó, ngày 23/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13 về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với quan điểm chỉ đạo: “Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án quy mô lớn, kết nối liên vùng, các dự án quan trọng, cấp thiết của địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm tác động lan tỏa”.

Trong 10 năm tới đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án cao tốc kết nối vùng như các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam; Đường ven biển kết nối nhiều tỉnh, thành phố; Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ; Hệ thống đường vành đai của Hà Nội, TP.HCM... có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, liên kết và xóa bỏ khoảng cách vùng miền, củng cố an ninh quốc phòng của đất nước.

Đây là những tuyến huyết mạch để lưu chuyển hàng hóa, nếu được đầu tư hiện đại sẽ giảm đáng kể chi phí, thời gian vận chuyển và đi lại, nhất là trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh Covivd-19.

Hiện nay, để hàng triệu tỷ đồng vốn đầu tư công phát huy tối đa hiệu quả, các bộ, ngành, địa phương cần kiên quyết loại bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí.

Từng bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số dự án chưa thực sự cấp bách, cần thiết. Tập trung vốn, làm dự án nào dứt điểm dự án đó và sớm đưa dự án vào sử dụng.

Tránh tình trạng đầu tư cùng lúc rất nhiều dự án nhưng dự án nào cũng dở dang, làm phân tán nguồn lực, không phát huy được hiệu quả của vốn đầu tư.

Chính phủ cần thực hiện phân cấp hợp lý, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết và quy mô đầu tư của từng dự án.

Đồng thời, giao và gắn trách nhiệm của các Bộ trưởng, Bí thư và Chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án từ khâu xây dựng, đề xuất, triển khai thực hiện cho đến khi dự án hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng…

Nguyễn Bích Lâm
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.