Ông Trần Cát Ninh là cựu hiệu trưởng của Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc. Ông từng nói: “Hiện nay có rất nhiều sinh viên loại A trong trường Thanh Hoa. Tuy nhiên, khả năng thích ứng của những sinh viên này khi bước ra đời khá kém. Xã hội cần những tài năng kiểu X nhiều hơn”.
Sinh viên loại A mà ông Trần Cát Ninh nhắc tới là những người luôn đạt điểm A trong các môn học. Họ là kiểu sinh viên mà mọi giáo viên và phụ huynh đều rất thích, một người vừa ngoan ngoãn vừa thông minh. Trong tâm trí mọi người, đây mới chính là kiểu người mà xã hội cần, là trụ cột có trách nhiệm xây dựng quê hương.
Chân dung ông Trần Cát Ninh.
Trong khi đó, “tài năng X” đề cập tới những người có tài năng của riêng mình. Có thể họ không đạt được điểm số cao trong học tập, không thông minh trong mắt bố mẹ, nhưng trình độ chuyên môn cao, khả năng xử lý vấn đề tốt. Những tài năng như vậy phù hợp với thực tế xã hội hiện nay hơn.
Trong cuộc sống, một số đứa trẻ được nhận xét rất thông minh, nhưng ông Trần Cát Ninh cho rằng, có 3 kiểu “thông minh giả tạo” khiến bố mẹ bối rối. Mặc dù trẻ trông có vẻ chăm chỉ, nhưng chúng thường không đạt được điểm cao hoặc không thể áp dụng được những gì mình đã học.
1. Trẻ thích học lý thuyết và lười thực hành
Có một số đứa trẻ suốt ngày chỉ biết cắm mặt vào học, bài tập được giao luôn hoàn thành rất sớm, kiến thức trong sách vở học thuộc không bỏ sót chỗ nào. Thế nhưng trẻ lại không thể áp dụng những kiến thức mình đã học được vào cuộc sống. Những đứa trẻ này học chỉ vì muốn có điểm số đẹp, cũng không hiểu mục đích học sau này để làm gì, tương lai sẽ khó thích nghi khi bước vào xã hội.
2. Trẻ chỉ biết học, có EQ thấp
Có những đứa trẻ rất mê học, học đến mức quên ăn quên ngủ, khiến thầy cô và bố mẹ rất hãnh diện. Thông thường, những đứa trẻ học giỏi sẽ được nhận xét là ngoan ngoãn. Thế nhưng có một thực tế là khi gặp một vấn đề nào đó xảy ra, những đứa trẻ này có tính khí rất cộc cằn, hay cãi nhau với bạn bè, khó sống chung với tập thể.
Lý giải cho tình trạng này là do trẻ không biết gì ngoài việc học, không có kỹ năng giao tiếp, không biết cách tự chăm sóc bản thân, khó hòa đồng với bạn cùng lớp. Một đứa trẻ như vậy khó có thể hòa nhập vào xã hội.
3. Trẻ chỉ tỏ ra vẻ mình chăm chỉ
Nhiều bố mẹ có thể thắc mắc tại sao con cái của họ học tập chăm chỉ như vậy nhưng vẫn bị điểm kém. Trên thực tế, trẻ bị điểm kém không phải là do có vấn đề về não bộ, mà chúng chỉ giả vờ như mình học hành chăm chỉ, nhưng thực chất không hề tập trung mỗi khi học.
Trẻ chỉ học cho có lệ để đáp ứng yêu cầu của bố mẹ và giáo viên, tâm trí của chúng không hoàn toàn đặt vào việc học. Chúng là những “diễn viên” rất giỏi, nhưng khi bước ra ngoài xã hội, tiếp xúc với nhiều người, sự thiếu tập trung và giả tạo sẽ cản trở rất nhiều thứ.
Bố mẹ nên dạy dỗ con mình thành “tài năng kiểu X” như thế nào?
Trên thực tế cho thấy chỉ những “tài năng kiểu X” mới có thể hòa nhập vào xã hội nhanh, đạt được nhiều mục tiêu trong cuộc sống và kỳ vọng của bố mẹ. Vậy, bố mẹ nên làm gì để rèn luyện con mình thành “tài năng kiểu X”?
- Tôn trọng, khuyến khích trẻ bày tỏ ý kiến của bản thân nhiều hơn
Sự tự chủ của trẻ có liên quan quyết định đến thành tích và kết quả học tập trong tương lai. Nếu ý thức tự chủ kém, khả năng phân tích chủ quan của trẻ để đối phó với mọi việc sẽ rất yếu, điều này có thể khiến trẻ không thể giải quyết khi có vấn đề xảy ra và được gọi là “những em bé khổng lồ”.
Vì vậy, tôn trọng trẻ và cho phép chúng bày tỏ ý kiến của bản thân là cơ sở để trở thành “tài năng kiểu X”.
- Dạy trẻ dũng cảm đối mặt với khó khăn và học cách tự giải quyết vấn đề
Thành tích của một đứa trẻ có liên quan đến chỉ số IQ, EQ. Trong số đó, chỉ số IQ liên quan nhiều đến việc học nhưng EQ cũng là chỉ số quan trọng không kém. Khi một đứa trẻ có EQ cao, chúng có khát vọng mạnh mẽ, không dễ bị đánh bại bởi các yếu tố tiêu cực. Trong tương lai, những đứa trẻ này có nhiều khả năng thành công hơn.
- Trau dồi khả năng tập trung của trẻ
Sự tập trung đề cập đến khả năng của trẻ để tập trung vào một thứ gì đó, tức là sự nghiêm túc. Đừng coi thường sự tập trung, bởi nó quyết định đến kết quả học tập và trong công việc sau này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận