Xã hội

Hình ảnh Bác Hồ qua lời kể của bác sĩ Lê Ngọc Mẫn

28/04/2015, 18:04

Tôi đi theo anh Vũ Kỳ đón Bác bên hàng cây dâm bụt. Dù chưa biết tôi là ai, Bác vẫn đưa tay đón...

41
Bác Hồ nói chuyện thân mật với trí thức ngành Y - Ảnh: tư liệu

Sau sinh nhật 78 tuổi, sức khỏe của Bác Hồ ngày càng yếu hơn. Trung ương quyết định điều thêm một bác sĩ nữa chăm sóc sức khỏe cho Bác. Người được trao trọn niềm tin ấy là bác sĩ trẻ Lê Ngọc Mẫn. Sau ngày Bác đi xa không lâu, nhà văn nổi tiếng Sơn Tùng đã tìm gặp bác sĩ Lê Ngọc Mẫn để ghi lại những kỷ niệm của ông về những tháng ngày cuối đời của Vị cha già dân tộc.

Tôi được trên cử sang nước anh em học một môn khoa học rất mới, rất đặc biệt… Học xong, tôi trở về nước lại được vinh dự nhận nhiệm vụ săn sóc sức khỏe Bác Hồ. Và trong khi săn sóc, bảo vệ sức khỏe, tôi còn phải nhớ kỹ, nhớ tỉ mỉ, chính xác, chân thật từng đặc điểm dung mạo của Bác, giúp cho việc giữ gìn Bác để các thế hệ sau này đều được đến với Bác, được nhìn thấy Bác tĩnh tại và ung dung thanh thản.

Hôm đầu tiên tôi được vào ở bên Bác là ngày 19/8/1968. Anh Vũ Kỳ đưa tôi đến với Bác. Lúc này trời đã về chiều. Bác đang đi dạo trong vườn. Con đường mòn ở dưới chân Bác tạc dài giữa nền cỏ xanh mịn màng dằng dặc. Cảnh vật trong vườn như đi theo Bác, nhìn theo Bác. Linh cảm của tình con cháu đối với Bác và kinh nghiệm nghề nghiệp, tôi nhìn thấy dáng đi của Bác, nhận ra một điều: Bác vừa mới qua một căn bệnh hiểm nghèo. Bác đã thắng và Bác đang tập luyện từng bước đi để đẩy bệnh tật lùi xa hơn nữa, chứ không phải Bác đang đi dạo bình thường.

42

Bác Hồ dù tuổi cao nhưng hàng ngày vẫn rèn luyện sức khỏe bằng việc đi bộ

Tôi đi theo anh Vũ Kỳ đón Bác bên hàng cây dâm bụt. Dù chưa biết tôi là ai, Bác vẫn đưa tay đón, hai tay tôi ôm bàn tay Bác nâng lên và từ từ hôn tay Bác… Anh Vũ Kỳ giới thiệu tôi với Bác. Bác cầm tay tôi một bên, bên tay kia Bác cầm tay anh Vũ Kỳ, vừa đi Bác vừa nói, đại ý: Đối với Bác một bác sĩ đã là thừa, thêm một bác sĩ nữa càng thừa. Chúng ta còn thiếu nhiều thầy thuốc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, cho bộ đội, nhất là đối với các cháu thiếu nhi, các cụ già cần phải có nhiều thầy thuốc phục vụ.

Anh Vũ Kỳ báo cáo với Bác về tuổi già và sức khỏe của đồng chí Nhữ Thế Bảo (thư ký riêng của Bác) nên cần thêm thầy thuốc có sức trẻ… Bác nói nhè nhẹ từng tiếng hài hòa với điệu đi từng bước, nhịp nhàng:

- Bác rất biết sự lo lắng của Đảng, của đồng bào về sức khỏe của Bác. Con người ta ai mà chẳng phải qua cái cầu khỏe rồi ốm, trẻ rồi già…Chú đến ở gần Bác, hồi này Bác tuổi tác cao, sức khỏe sút kém và đau yếu luôn, tính tình có lúc không được bình thường, nếu có điều gì không phải chú bỏ qua cho…

Lòng tôi rưng rưng nhưng không để trào nước mắt! Tôi đâu ngờ Bác nghĩ, Bác nói những điều ấy, đúng là “tiếng lòng” Bác nói với một người cháu chứ đâu phải với người đến phục vụ mình.

Nói là đến phục vụ Bác, thực tình đối với tôi những ngày ở bên Bác là để học tập Bác, đã được Bác dạy cho từng việc từng điều rất bình thường mà cao cả của đạo làm người.

Có lần tôi khám sức khỏe cho Bác, Bác nói:

- Chú có công nhận là hiện thời thầy thuốc xoàng thì nhiều, y tá giỏi lại hiếm không?

Rồi Bác kể chuyện, giọng vui, ấm và hồn hậu:

- Chú biết không, Bác đã từng chữa bệnh sốt rét có tiếng, hồi còn ở chiến khu ấy. Bác không chữa bằng kí-ninh đâu mà bằng vitamin, thế mới tài chứ! Bác cười thoải mái. Lúc Bác cười mắt Bác vui mà sáng lạ lùng. Bấy giờ - Bác nói: “Còn bí mật, ở trong hang đá, trong rừng sâu, có đồng chí sốt rét, nằm nhiều, ít chịu khó vận động mà thuốc chữa sốt rét rất hiếm. Sẵn có một ít viên vitamin. Bác đưa cho các đồng chí uống và xua dậy, vận động… thế rồi khỏi bệnh được”.

Sau câu chuyện vui ấy Bác nhắc nhở tôi nhiều về phương pháp điều trị, về đạo đức của người thầy thuốc cách mạng. Bác dặn: “Phải nhớ kỹ mình là thầy thuốc của nhân dân, vì nhân dân chứ không phải “ông quan đốc-tờ” chữa bệnh cho dân thì ít, móc túi của dân cho được nhiều”. Bác rất quan tâm đến việc dùng thuốc Nam, kết hợp Đông - Tây y. Mỗi lần Bác đọc sách báo nước ngoài gặp những tin về thành công mới của một Khoa nào đó, Bác dịch ngay ra tiếng Việt và cắt lại, hoặc đánh dấu tin bài ấy đưa cho chúng tôi tham khảo. Bác dặn: “Đừng dấu dốt phải khiêm tốn, đừng bảo thủ, phải học hỏi những cái mới, cái hay của người khác”. Đồng thời Bác rất chú ý chỉ bảo cho chúng tôi những cây, những lá thuốc mà Bác gặp trong lúc đi theo Bác đến các nơi công tác.

43
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/2/1969 Ảnh: tư liệu

Lần Bác đau nhức khớp xương dữ dội. Tôi dùng thuốc tây thoa bóp cho Bác. Nhưng Bác khuyên: “Chú kiếm lá ngải cứu về đây, Bác cháu ta sẽ giã nhỏ, trộn với muối rồi nhóm lửa rang nóng, bóp, xoa có khi công hiệu hơn”.

Trong khi tôi định đem xoong ngải cứu xuống nhà bếp hay bắc lên bếp điện (réchaud) thì Bác nói:

- Để dành than, điện đun thứ khác cần thiết hơn, món thuốc “cây nhà lá vườn” này, Bác cháu mình hái cành cây khô làm củi, lấy gạch chụm lại làm bếp đun ở vườn, thi vị hơn không”.

Ngồi trước bếp lửa đỏ ngọn trong vườn xanh êm ả, mùi ngải cứu xào bay lên hăng hắc thơm. Bác kể chuyện hồi còn nhỏ, Bác đi theo cha mẹ vào Huế. Hồi bấy giờ chưa có tàu hỏa, ô tô, mọi người phải đi bộ, chân đất, dép mo cau. Dọc đường có những phu cáng thuê. Nhưng nhà Bác nghèo đâu đủ tiền đi cáng. Đường dài hàng trăm ki-lô-mét, đi nhiều, chưa quen da chân phỏng, đau nhức khớp xương bàn chân, ống chân. Các cụ đã dùng ngải cứu xào để xoa bóp. Có lúc dùng tẩm lên chân. Bác còn bảo, các cụ ngày xưa phải đi tỉnh xa để thi Hương, lên Kinh đô thi Hội, thi Đình thường dùng bài thuốc ngải cứu rang mà bóp dò, bóp cẳng…

Đang lúc ngồi trên vườn cỏ bóp chỗ khớp chân đau, tâm hồn Bác rất thảnh thơi và ý nghĩ của Bác lúc ấy như một lão nông. Bác nhìn vuông cỏ, gió quạt nhè nhẹ, chòm râu Bác phất phơ bay trước ngực, giọng trầm trầm: “Sau buổi làm việc nằm ngửa trên bãi cỏ, vắt chân lên gối là thú vị nhất…”.

"Một hôm trời mưa, Bác lại vừa bị cảm khá nặng, tôi bàn với anh Cần sẽ bưng cơm lên nhà sàn, Bác đỡ phải đi. Nhưng Bác không chịu. Bác vẫn xắn quần đi xuống nhà ăn. Tôi căng ô che cho Bác, Bác vừa cười vừa nói: “Bác có phải là ông vua đâu, chú đừng làm hư Bác. Mưa lâm thâm, chỉ một tấm bìa, một tờ báo che tóc là đủ. Bác không phải là hạng người hễ bước chân ra ngõ là ô che võng cáng cho oai vệ…”.

Lối sống giản dị, đức tính tiết kiệm của Bác là một nhân cách của Bác. Ý nghĩ và việc làm của Bác là một thể thống nhất, hài hòa thành thói quen tự nhiên, không một gò bó, gượng gạo nào. Hôm mới đến ở gần Bác tôi ngạc nhiên thấy chiếc khăn mặt của Bác dùng chỉ có một nửa. Bác hiểu tôi có phần phân vân về cái khăn của Bác. Bác giải thích ngay: “Dùng cái khăn này dài quá, phí đi. Dùng một nửa khăn cũng đủ lau mặt sạch rồi và một nửa khăn dành lại để dùng sau. Vả lại dùng khăn ngắn, hẹp lúc phơi không chiếm quá phần dây phơi của người khác”. Bác còn phơi chiếc khăn mặt của mình lúc nào cũng ngay ngắn, hai mép khăn đều đặn và phơi đúng chỗ đã xếp đặt. Mọi đồ dùng trong phòng Bác, bao giờ Bác cũng tự lau chùi, sắp xếp, không ỷ lại người khác. Những người đã được ở gần Bác đều nhận thấy rất rõ: Sự nghiệp cách mạng của Bác vô cùng lớn, tâm hồn Bác vô cùng lớn và Bác dành tất cả cho dân, cho nước, nhưng chỗ Bác ở, đồ đạc Bác dùng thì rất bé nhỏ như gia tài của một người dân thường.

Cả đến những ngọn đèn Bác dùng trong khu vực Bác ở làm việc, tôi thấy chưa có lần nào Bác quên tắt đèn khi Bác ra khỏi phòng của mình. Dù đó là phòng làm việc, phòng ngủ hay những nơi Bác đi lại cần có đèn sáng, Bác vẫn chỉ bật đèn lên khi Bác đến, ra khỏi là tắt theo tay. Những hôm nắng gắt, không có gió, oi bức, tôi đem quạt máy vào phòng làm việc cho Bác, Bác xua tay: “Chú cất đi, tốn điện”- Bác giơ cái quạt lá cọ lên- “Bác đã có quạt đây, mát lắm, mình ngồi trong nhà chứ bộ đội đang ngồi trực chiến ngoài nắng, công nhân, nông dân đang ở ngoài trời còn cần mát hơn”…

Bữa ăn của Bác cũng đạm bạc. Bác ăn xong bao giờ cũng dọn sạch sẽ, gọn gàng trong mâm để đỡ phần công việc cho người phục vụ mình. Suốt đời tôi sẽ không bao giờ phai mờ một chút nào hình ảnh Bác trong một bữa ăn, lúc Bác đã ốm nặng. Tôi thấy tay Bác cầm chiếc thìa múc củ khoai tây trong bát xúp run run. Tôi muốn làm việc để giúp Bác, Bác lắc đầu: “Bác còn tự làm lấy được”. Nhưng tay Bác run quá, củ khoai rơi xuống bàn ăn. Tôi vội vàng lấy thìa vợi lên một cái đĩa sạch định đem vào bếp đổi một củ khoai khác. Bác đưa tay ngăn lại- Chú để mặc Bác- Rồi Bác tự tay cầm thìa giữ lấy củ khoai, dùng lưỡi dao gạt phần ngoài và thái lát cho dễ ăn. Bác nói giọng tha thiết: “người làm ruộng phải đấu tắt mặt tối mới có củ khoai. Bà con mình đang hộ đê chống lụt. Vụ mùa này đã chắc gì!...”

44
Bữa cơm đạm bạc của Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc - Ảnh: tư liệu

Rồi những lần tôi đưa ly thuốc nước cho Bác, Bác uống hết không để sót lại một giọt nào. Khi Bác uống sữa, bao giờ Bác cũng rót một ít nước sôi tráng kỹ những giọt sữa còn đọng trong cốc để uống. Nhưng lúc uống mật ong, Bác tráng ly đến hai lần…

Hiếm thấy một vĩ nhân nào như Bác của chúng ta đã rèn luyện mình được cái đức tính không bỏ phí một chút thức ăn, một tí đồ dùng, một khắc thời gian.

Hàng chục năm trong nghề phục vụ bệnh nhân, tôi chưa từng gặp một người nào có một ý chí thắng bệnh tật như Bác. Với cái tuổi “xưa nay hiếm” mà lại bị tai biến não… một nửa người của Bác, từ mắt, miệng, tay chân đều cử động hết sức khó khăn! Những tưởng Bác đi gặp cụ Mác, cụ Lê-nin… sớm hơn ngày Bác đã đi. Nhưng tinh thần, ý chí của Bác mạnh, rất hiếm thấy trên đời này. Tôi hiểu rằng, đất nước chưa sạch bóng quân thù, đồng bào Nam - Bắc chưa xum họp một nhà, đời sống nhân dân còn thấp kém, các nước anh em phong trào Cộng sản quốc tế chưa hòa thuận, đó là niềm Bác lo âu nhất nên Bác cố chống lại bệnh tật. Những từ dũng cảm, kiên cường… cũng chưa thể hiện được đầy đủ sự chống lại bệnh tật của Bác.

Nhiều lúc nhìn thấy Bác tập đi, chúng tôi trào nước mắt. Những lúc Bác rèn luyện từng bước đi, Bác không muốn để ai nhìn thấy cả. Bác sợ đồng chí, đồng bào buồn lo về Bác, ảnh hưởng đế tinh thần phấn khởi trong lao động, trong chiến đấu, trong công tác. Bác tự mình tập từng chặng một: Bác tập đứng lên. Bác vịn bàn tập đi quanh bàn. Đi một vòng, rồi nâng lên đi nhiều vòng. Bác vịn lan can tập đi quanh nhà sàn. Nếu ở ngoài vườn còn có người qua lại, Bác nhờ thả mành nan tre xuống để khỏi nhìn thấy, biết Bác đang bị bệnh tật. Lúc đi đã tương đối vững chắc, Bác chống gậy tập đi trong vườn. Nếu thấy ai đi ngang qua, Bác lại tựa tay lên đầu gậy đứng nhìn cây cỏ như đang ngắm cảnh trí thiên nhiên. Một đồng chí nhiếp ảnh, công tác trong Phủ Chủ tịch “phục kích” chụp Bác đang luyện tập trong vườn mà không chụp nổi. Bác đau với nỗi đau của mọi người. Bác không nỡ để những người khác lo âu về nỗi mình đau.

Tuy Bác đã chiến thắng cơn bệnh hiểm nghèo, nhưng sức khỏe vẫn kém vì tuổi già. Vậy mà Bác vẫn luôn luôn nghĩ đến những ngày vui, niềm vui của nhân dân. Sắp hết năm cũ, sang năm mới, chẳng quản tuổi già sức yếu, Bác lại thức khuya để làm thơ xuân cho đồng bào, chiến sĩ cả nước cùng vui, cùng phấn khởi tiến lên giành thắng lợi mới. Tết năm đó,1969 Bác làm xong thơ sáu câu, Bác vịn lan can vừa đi vừa ngâm thử:

Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!

Nghe Bác đọc thơ Xuân 69, tôi đinh ninh Bác sẽ còn làm tiếp những bài thơ Xuân khác nữa và chiến sĩ, đồng bào sẽ còn được nghe thơ xuân của Bác trong niềm vui trọn vẹn. Nào ngờ đó là bài thơ Xuân cuối cùng của Bác!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.