Hạ tầng

Hình hài cao tốc từ Hà Nội vào TP.HCM sau 45 năm giải phóng

29/04/2020, 07:30

Sau 45 năm giải phóng, hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam đang thành hình để sớm nối thông từ Thủ đô Hà Nội đến TP.HCM…

img
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể kiểm tra hiện trường dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn tại Ninh Bình đầu tháng 2/2020. Dự án triển khai từ tháng 12/2019 và dự kiến hoàn thành trong năm 2021

Nối thông cao tốc là khát vọng lớn

Hàng chục năm gắn bó với ngành GTVT, từng trực tiếp tham gia nghiên cứu, khảo sát hàng trăm công trình lớn nhỏ, nhưng khi chia sẻ với Báo Giao thông, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) nói: “Cao tốc Bắc - Nam là dự án lớn nhất từ trước đến nay TEDI tham gia nghiên cứu.

Đầu tư hoàn thành xây dựng nối thông toàn tuyến cao tốc này từ Hà Nội đến TP.HCM không chỉ là khát vọng của ngành GTVT, đó còn là niềm mong mỏi của hàng chục triệu người dân cả nước”.

Theo ông Sơn, trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 52/2017 về đầu tư 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, chủ trương đầu tư một số dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam đã được Bộ GTVT đưa ra cách đó chục năm.

“Khoảng năm 2006 - 2007, Bộ GTVT đã giao TEDI nghiên cứu nhiều dự án thành phần như: Hà Nội - Thanh Hóa, Thanh Hóa - Bãi Vọt, Bãi Vọt - Vũng Áng, Phan Thiết - Nha Trang…”, ông Sơn kể và cho biết, trước đây, chủ trương của Bộ GTVT là triển khai từng đoạn tuyến, nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên nhiều đoạn không thể triển khai.

Cao tốc Bắc - Nam khi hoàn thành toàn tuyến sẽ đem lại hiệu quả rất lớn đối với phát triển kinh tế của hành lang Bắc - Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Đồng thời, tuyến đường sẽ tạo ra dịch vụ giao thông có tính cạnh tranh cao bởi rút ngắn thời gian đi lại và chi phí thấp hơn các tuyến đường bộ khác, đem lại hiệu quả, tiện lợi và an toàn cho các chủ phương tiện. Mặt khác, tuyến đường sẽ góp phần trực tiếp phát triển du lịch, thương mại của các địa phương nằm trong khu vực dự án đi qua.
Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI


Đến đầu năm 2014, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, TEDI tiến hành lập quy hoạch điều chỉnh hệ thống đường cao tốc trên toàn quốc. Một năm sau, Bộ GTVT giao nhiệm vụ cho TEDI nghiên cứu và lập đề án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối thông cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP.HCM nhằm đảm bảo tính kết nối toàn diện, phát huy hết hiệu quả của dự án, làm tiền đề Bộ GTVT báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam (dài 654km) tại Nghị quyết 52/2017.

Ông Sơn cho biết, theo quy hoạch tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Hà Nội đến TP.HCM dài khoảng 1.622km. Đến nay, trên tuyến đã hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác 4 đoạn tuyến gồm: Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với chiều dài 250km.

Ba dự án đang triển khai xây dựng (Cao Bồ - Mai Sơn, La Sơn - Túy Loan và Cam Lộ - La Sơn) dài 179km. Còn lại, 8 dự án đang trong quá trình thực hiện đầu tư (Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầy Giây) dài khoảng 534km.

“Để nối thông cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP HCM cần đầu tư tiếp 659km các đoạn từ Bãi Vọt đi Cam Lộ và từ Quảng Ngãi đến Nha Trang”, ông Sơn thông tin và cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường cao tốc của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 326/2016, tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP.HCM sẽ được nối thông toàn tuyến trước năm 2030.

Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ KH-ĐT (Bộ GTVT), hiện Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo danh mục các dự án chuẩn bị đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, Bộ GTVT dự kiến ưu tiên đầu tư triển khai tiếp 11 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Cam Lộ - La Sơn (4 làn xe hoàn chỉnh), Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Tuy Hòa, Tuy Hòa - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang.

“Trường hợp 11 dự án này được Chính phủ trình Quốc hội khóa tới thông qua và đưa vào danh mục đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, kết hợp với các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đang triển khai, tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ sớm hoàn thành kết nối toàn tuyến từ Hà Nội đến TP.HCM”, ông Huy nói.

Hiệu quả khó đong đếm bằng tiền

img

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nói: “Nhiều năm qua, tôi luôn mong chờ đến ngày Hà Nội và TP.HCM được nối thông toàn tuyến bằng đường cao tốc Bắc - Nam, bởi đây là tuyến đường có vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc phát triển KT-XH, kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước”.

Ông Thanh phân tích, khi tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP.HCM được nối thông sẽ tác động trực tiếp rất lớn đến hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa. Các tuyến đường cao tốc được đưa vào khai thác trong thời gian qua đã rút ngắn bình quân khoảng 40 - 50% thời gian so với lưu thông trên đường cũ.

Đối với tuyến vận tải đường bộ Bắc - Nam, thời gian di chuyển bằng ô tô từ Hà Nội - TP.HCM trên tuyến QL1 hiện khoảng 60 - 70 tiếng. Khi toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam được đưa vào khai thác, thời gian di chuyển chỉ mất khoảng 30 - 40 tiếng, đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho các doanh nghiệp, bởi trong vận tải tiết giảm thời gian là quan trọng nhất, không thể đong đếm bằng tiền.

“Đặc biệt, khi tuyến cao tốc Bắc - Nam được nối thông, hàng hóa từ khu vực phía Nam, đặc biệt là các mặt hàng thủy hải sản tươi sống, trái cây, nông sản sẽ gặp rất nhiều điều kiện thuận lợi khi xuất khẩu sang Trung Quốc, bởi thời gian vận chuyển nhanh, chi phí vận tải tiết giảm, chất lượng hàng hóa đảm bảo”, ông Thanh dẫn chứng và cho biết thêm, hiệu quả vô hình khác của cao tốc Bắc - Nam là buộc các lĩnh vực vận tải khác như: Đường sắt, hàng không… phải tiếp tục đổi mới để cạnh tranh.

“Thời gian qua, sau khi các dự án QL1 được mở rộng, thị phần của ngành đường sắt đã sụt giảm mạnh. Sắp tới, cao tốc Bắc - Nam được nối thông toàn tuyến từ Hà Nội - TP.HCM, ngành đường sắt cần phải có những giải pháp đổi mới mang tính nhảy vọt nếu không sẽ tiếp tục tụt lại phía sau, không thể cạnh tranh thị phần vận tải với đường bộ cao tốc”, ông Thanh nói.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, cao tốc Bắc - Nam là dự án quan trọng cấp bách, tác động lan tỏa đến nhiều lĩnh vực KT-XH cần phải ưu tiên triển khai đầu tư các đoạn còn lại trong thời gian tới để nối thông toàn tuyến từ Hà Nội đến TP.HCM.

“Đây là tuyến đường xương sống của đất nước nên Bộ GTVT và các cơ quan chức năng cần ưu tiên, sớm đầu tư các đoạn trên tuyến đường này để nối thông toàn tuyến”, ông Long nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.