Hạ tầng

Hình thành thành phố sân bay tại Long Thành

13/11/2017, 10:21

Sáng nay (13/11), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án bồi thường, tái định cư sân bay Long Thành.

LT 03 PC

Phối cảnh CHK quốc tế Long Thành 

Thành phố sân bay sẽ mang lại hàng trăm ngàn tỷ

Phát biểu mở đầu buổi thảo luận tại Hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành diễn ra sáng nay (13/11), ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh: "Chỉ 4 tháng sau kỳ họp thứ 3 QH cho phép tách thành Dự án độc lập, Chính phủ đã trình Báo cáo khả thi dự án. Điều này cho thấy sự quyết tâm rất cao của Chính phủ".

Cho rằng những công việc cơ quan chuẩn bị dự án thực hiện về thiết kế kỹ thuật đã vượt trên yêu cầu của Báo cáo nghiên cứu khả thi, song ĐB Cường cũng đồng tình với báo cáo thẩm tra Dự án của Ủy ban Kinh tế về việc dự án còn thiếu các dữ liệu chi tiết để tính toán chắc chắn, chính xác quy mô đất thu hồi, phương án hỗ trợ, chuyển đổi tái định cư cho người dân 1 cách phù hợp nhất. Báo cáo cũng chưa đưa ra đầy đủ đánh giá tác động của dự án.

“Cần tính toán kỹ giữa cái được và mất khi quy hoạch 2 khu tái định cư. Theo báo cáo, ngay trong giai đoạn 2018-2019 dự án sẽ xây dựng xong khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn với diện tích 282 ha, trong đó 98% dành để tái định cư cho 4.727 hộ. Giai đoạn 2018-2020, sẽ xây khu tái định cư Bình Sơn với diện tích 282,79ha. Theo phương án này,  ngoài diện tích để tái định cư sẽ còn dư ra hơn 1.166 nền đất để xây dựng nhà ở theo mô hình phát triển khu đô thị mới, phục vụ nhu cầu người dân. Tuy nhiên, với những vùng đang quy hoạch và đầu tư phát triển mới, giá  đất sẽ thay đổi hàng ngày. Vậy giá đất bồi thường cho những người nhận đợt sau (khi xây dựng xong 282ha khu Bình Sơn) sẽ như thế nào, theo giá thị trường hay hay giá của người đã nhận ở đợt trước. Đây chính là nguyên nhân gây khiếu kiện trong đền bù tái định cư và là khó khăn trong GPMB hiện nay” – đại biểu phân tích.

Cuong

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị Chính phủ cần sớm xúc tiến quy hoạch ngay thành phố sân bay song song với quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành

Bên cạnh đó, theo ĐB Cường, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy khi hình thành 1 sân bay quốc tế từ 25 triệu đến 50 triệu khách sẽ hình thành thành phố sân bay với sự phát triển của các trung tâm thương mại, logistic, trung tâm về cư trú cho cán bộ khu vực này.

Sân bay Long Thành được quy hoạch với lưu lượng đến 100 triệu hành khách, cách Tp.HCM 40km, cách Biên Hoà 30km, cách Vũng Tàu 70km, nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Chắc chắn sân bay Long Thành sẽ hình thành phát triển khu đô thị mới theo hướng dịch vụ và các trung tâm phát triển thành TP sân bay hàng ngàn hecta.

Tuy nhiên, việc hình thành khu tái định cư ở Bình Sơn với diện tích 289,79 ha sẽ phá vỡ quy hoạch để hình thành 1 TP sân bay hiện đại trong tương lai. Theo tôi chỉ nên quy hoạch 1 khu tái định cư, điều chỉnh lại quy mô các lô đất quy hoạch tái định cư. Đồng thời, Chính phủ cần sớm xúc tiến quy hoạch ngay thành phố sân bay Long Thành song song với quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành. Việc làm này không chỉ mang lại nguồn thu hàng trăm ngàn tỷ mà còn giúp hình thành trung tâm hiện đại ở khu vực Đông Nam Bộ.

Lo ngại thành phố nghĩa trang 

Liên quan đến việc quy hoạch khu vực nghĩa trang tại xã Bình An, đại biểu Cường cho biết báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai cho thấy sẽ quy hoạch 1 nghĩa trang 50,9 hecta tại xã Bình An, trong đó 20 hecta là phục vụ nghĩa trang nhân dân, còn lại là để cho Công ty TNHH Hoa Viên Bình An để kinh doanh.

ĐB Dương Trung Quốc: Đừng để dự án "đầu chuột đuôi voi"

Bất kỳ dự án nào được triển khai, dư luận cũng luôn đặt ra câu hỏi đầu tiên là: Dự án có khả năng xảy ra tiêu cực hay không? Nhưng với dự án này, người dân Đồng Nai, đặc biệt là người dân Long Thành rất mong muốn dự án phải sớm thực hiện, vì 12 năm gần như là dự án treo, đã phải chờ đợi quá lâu rồi.

Cần giám sát chặt chẽ trong quá trình thực thi, bởi thực tế chúng ta đã có quá nhiều dự án lớn, không phải “đầu voi đuôi chuột”, mà là…“đầu chuột đuôi voi”, nghĩa là dự án khi đưa ra thì rất nhẹ nhàng nhưng cuối cùng lại phình ra rất ghê gớm, tạo nợ công lớn. 

“Trong phạm vi cách TP lớn 40km-70km hiện nay thì giá bán 1m2 đất tại phần mộ cho người chết còn cao hơn cả đất xây dựng cho người sống. Với vị trí đắc địa như Long Thành, đặc biệt xã Bình An sẽ là trung tâm phát triển trong tương lại thì đất nghĩa trang có thể còn cao hơn nhiều so với đất đô thị, biệt thự hạng sang” – đại biểu nói và đề nghị cần cân nhắc bài học kinh nghiệm từ nghĩa trang Văn Điển ở Hà Nội, dù chưa đến 2 hecta nhưng đã và đang là vật cản rất lớn trong thu hút đầu tư xuống phía Nam Hà Nội. Do vậy nếu quy hoạch nghĩa trang tại Bình An lớn, trước mắt có thể được, nhưng hậu quả lâu dài sẽ cản trở sự phát triển của các khu vực trung tâm Nam Bộ.

“Nếu quy hoạch và tầm nhìn dự án như vậy Long Thành rất khó trở thành TP sân bay mà rất có thể sẽ thành TP nghĩa trang”, đại biểu lo ngại.

Băn khoăn nguồn vốn

Cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Uỷ ban kinh tế, song đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cũng đề nghị làm rõ vấn đề vốn cho dự án.

“Vốn cho dự án liên tục tăng sau mỗi lần báo cáo. Lúc đầu, UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo là hơn 13 nghìn tỷ đồng, sau đó là hơn 18 nghìn tỷ đồng và hiện nay là hơn 23 nghìn tỷ đồng. Đáng nói hơn, đây chỉ là con số ước tính tại 7/2017 trong khi đây là dự án lớn, cần nhiều thời gian triển khai, đến khi thực tế triển khai thì có tăng nữa hay không?”, đại biểu Tiến đặt câu hỏi.

Ngoài ra, cũng theo đại biểu Hà Nam, Chính phủ dự phòng 10% cho dự án thì có đủ giải quyết những vấn đề phát sinh hay không? Như báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế thẩm tra đã nêu nhiều hạng mục dự toán có giá trị lớn là ước tính, thiếu cơ sở tính toán. Báo cáo chưa xử lý việc chi phí đền bù sẽ thay đổi theo thời gian hàng năm, chưa làm rõ khả năng đáp ứng từ nguồn dự phòng của dự án.

Cuối cùng, theo đại biểu, Quốc hội đã thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, bố trí 5.000 tỷ đồng để GPMB cho dự án. Nhưng nay Chính phủ trình Quốc hội cần hơn 23.000 tỷ đồng, như vậy, hơn 18 nghìn tỷ đồng phải lấy từ nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

“Theo quy định, nguồn này chỉ được sử dụng trong trường hợp nguồn thu ngân sách nhà nước đảm bảo kế hoạch. Thời gian này, NSNN đang hết sức khó khăn, có thể thu không đạt kế hoạch, nên rất khó sử dụng nguồn dự phòng này. Bên cạnh đó, nhiều dự án cũng dự định sử dụng nguồn này, vậy có đáp ứng được nhu cầu không?”, đại biểu lo ngại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.