Hậu trường sao

HLV bắn súng Nguyễn Thị Nhung: Phụ nữ chẳng ai muốn mình là sắt thép!

08/03/2019, 10:45

Được mệnh danh là “người đàn bà thép” của bắn súng Việt Nam nhưng HLV Nguyễn Thị Nhung lại chỉ muốn là người phụ nữ bình thường.

img
HLV Nguyễn Thị Nhung chia sẻ niềm vui với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh sau khi anh giành HCV Olynpic Rio 2016

Được mệnh danh là “người đàn bà thép” của bắn súng Việt Nam nhưng HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung lại khẳng định chị chẳng muốn làm “thép”, chỉ muốn làm một người phụ nữ bình thường.

Áp lực ngàn cân trên đôi vai gầy

Sau những giải đấu không thành công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, người hâm mộ cũng thấy chị ít xuất hiện hơn. Chị có thể chia sẻ một chút về công việc của mình hiện tại?

Hiện tại tôi đảm nhận 3 vai trò gồm: HLV trưởng Đội tuyển Bắn súng quốc gia; Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn bắn súng và Trưởng Bộ môn bắn súng - Tổng cục TDTT. Thực sự công việc rất bận nhưng lý do chính khiến tôi ít xuất hiện là tôi muốn tĩnh lại để tìm ra phương pháp huấn luyện tốt nhất, phù hợp nhất, qua đó giúp Hoàng Xuân Vinh trở lại đỉnh cao.

Là phụ nữ, lại làm HLV trưởng của đội tuyển bắn súng, chị có thấy áp lực?

Kể từ khi tôi nhận nhiệm vụ HLV trưởng đội tuyển bắn súng thì đã phải đối diện với nhiều áp lực. Áp lực càng tăng cao sau tấm HCV Olympic 2016 của Hoàng Xuân Vinh bởi mọi người kỳ vọng Vinh phải chiến thắng ở mọi giải đấu, có những bước tiến lớn. Với vai trò người thày, tôi phải thay đổi giáo án, đổi mới cách truyền tải, làm sao để tạo cho Vinh có được cảm hứng, nhằm duy trì đỉnh cao.

Nhưng Hoàng Xuân Vinh liên tiếp thi đấu không thành công ở những giải đấu gần đây, mới nhất là SEA Games 29, áp lực đè lên vai chị có vì thế mà tiếp tục gia tăng?

Trong thể thao có hai loại áp lực. Loại thứ nhất, áp lực thành công khi bạn chưa thành công. Loại thứ hai, áp lực khi bạn đã thành công nhưng lại chưa thành công ở hiện tại. Với Xuân Vinh, tôi và cậu ấy đang chịu loại áp lực thứ hai. Nhưng chúng tôi vẫn kiên trì đi theo con đường đã chọn.

img
HLV Nguyễn Thị Nhung trong buổi tập khai xuân của đội tuyển bắn súng

Trong những bước đi của Hoàng Xuân Vinh, HLV Nguyễn Thị Nhung luôn là người dõi theo chăm chú nhất. Công việc này lặp đi lặp lại nhiều năm, chị có thấy mình còn động lực?

Bản thân bắn súng vốn là một môn thi đấu có sự lặp đi lặp lại, không giàu cảm xúc như bóng đá. Tôi lại từng huấn luyện cho Hoàng Xuân Vinh trong một khoảng thời gian rất dài nên không tránh khỏi những thời điểm cảm thấy mệt mỏi. Nhưng tôi yêu bắn súng và muốn gắn bó để giúp bắn súng Việt Nam phát triển hơn nữa nên phải tự tạo cho mình những động lực, tự tìm niềm vui trong công việc. Tôi nghĩ rằng, động lực lớn nhất là khi vận động viên của chúng tôi đứng trên bục vinh quang, hát quốc ca Việt Nam ở đấu trường quốc tế.

Có thể nói, Xuân Vinh là học trò ưu tú nhất của chị, ngoài tình thày trò, chị có coi Xuân Vinh như cậu em của mình?
Bắn súng là môn thể thao rất đặc thù, ở đó, người HLV phải điều khiển được trạng thái tâm lý của VĐV. Muốn làm được như vậy, chúng tôi phải hiểu nhau, sẵn sàng chia sẻ mọi thứ. Có thể nói rằng, với không riêng Hoàng Xuân Vinh, tất cả những VĐV khác, tôi đều coi như người trong gia đình, như những người em, người con của mình.

Những thành công của bắn súng Việt Nam mang dấu ấn không nhỏ của HLV Nguyễn Thị Nhung, đó là nhận xét của rất nhiều người. Chị có cho rằng như vậy?

Thực sự cho đến giờ phút này, tôi vẫn nghĩ, mình chỉ đóng góp một phần rất nhỏ vào thành công của bắn súng Việt Nam, đỉnh cao là tấm HCV Olympic 2016. Đó là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cả một tập thể. Nhân đây tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn tới chuyên gia Park Chung-gun, người giúp bắn súng Việt Nam có những bước đi phù hợp với xu thế của thế giới và cũng đóng góp rất nhiều về mặt chuyên môn cho bắn súng Việt Nam.

Tôi muốn làm một người phụ nữ bình thường

Bắn súng là cái nghiệp gắn với cuộc đời chị, chị có bao giờ hối hận vì chọn bắn súng?

Tôi chưa bao giờ có suy nghĩ này và nếu được làm lại, chọn lại, tôi vẫn chọn bắn súng. Mỗi giải đấu, mỗi khoảnh khắc tôi trải qua đều là những kỷ niệm đáng nhớ. Đến một lúc nào đó, tôi sẽ phải dừng lại, nhường chỗ cho những HLV trẻ tài năng, tôi sẽ tập trung vào công việc kinh doanh. Nhưng có thể tôi sẽ vẫn gắn bó với bắn súng dưới vai trò cố vấn, trọng tài chẳng hạn. Hoặc tôi sẽ dành thời gian nghiên cứu để trở thành một diễn giả truyền cảm hứng cho các VĐV bắn súng.

Là người mẹ, chị làm thế nào để cân bằng được công việc và gia đình?

Cách duy nhất để cân bằng là tôi phải làm việc nhiều hơn. Hàng ngày, tôi dậy rất sớm và ngủ rất muộn. Buổi sáng, tôi dành thời gian cho các con trước khi đi làm. Chiều về lại là khoảng thời gian chăm sóc gia đình và màn đêm xuống là lúc tôi tiếp tục công việc với những giáo án tập luyện hoặc nghiên cứu thành công của các đối thủ, từ đó tìm ra cách làm mới. Dù đã nỗ lực nhưng tôi luôn cảm thấy mình bị thiếu thời gian.

Theo chị, cái khó nhất của một người phụ nữ khi làm thể thao là gì?

Theo tôi, cái khó nhất chính là cách nhìn của xã hội. Người ta luôn nhìn những phụ nữ theo nghiệp thể thao bằng con mắt rất lạ và thiếu sự tin tưởng. Tôi vẫn thường nói với hai con rằng, khi mẹ làm việc, mẹ là quản lý nên phải chỉ đạo cấp dưới nhưng khi về nhà thì các con lại chỉ đạo mẹ (cười).

img
HLV Nguyễn Thị Nhung luôn cho thấy hình ảnh mạnh mẽ

Chị được ví như người đàn bà thép, vậy có khi nào chị cảm thấy mình mềm yếu?

Chẳng người phụ nữ nào muốn làm “sắt, thép” cả. Với bản thân tôi, tôi luôn phải gồng mình lên để cho thấy một hình ảnh mạnh mẽ, quyết liệt. Bởi lẽ, mình là HLV trưởng, nếu mình yếu đuối thì VĐV sẽ bấu víu vào đâu? Ngược lại, nếu mình mạnh mẽ, VĐV sẽ tự tin hơn khi bước lên thi đấu. Dần dần, tôi không phải gồng lên nữa vì đã quá quen với việc làm chỗ dựa cho VĐV. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, tôi vẫn là một người phụ nữ, vẫn có những phút yếu lòng. Tôi làm mẹ đơn thân, nên vừa đóng vai bố, vừa đóng vai mẹ. Trong gia đình, tôi phải làm những việc đáng ra thuộc về đàn ông như sửa điện, sửa ống nước… Nhiều lúc tôi cũng chạnh lòng lắm, tôi cũng muốn được như những người phụ nữ khác…

Có khi nào chị khóc không?

Có chứ! Tôi tự nhận mình mạnh mẽ nhưng nhiều lúc tôi phải rơi nước mắt. Tôi khóc vì mình cô đơn quá, không có ai để dựa vào những lúc chông chênh. Tôi cũng khóc vì cảm thấy mình bất lực. Ví như thời điểm Xuân Vinh liên tiếp thi đấu không thành công, tôi rất giận bản thân vì không thể nào tìm ra cách để giúp Vinh chiến thắng. Nhìn cậu ấy lầm lũi rời trường bắn, tôi không cầm lòng được.

Tại sao chị không chọn cho mình một bến đỗ?

Công việc cứ cuốn tôi đi, tôi không có thời gian nghĩ về điều này. Hơn nữa, các con tôi đều đã lớn, chúng có suy nghĩ, có quan điểm riêng nên lựa chọn của tôi có thể sẽ tạo ra mối quan hệ xung khắc và khi đó mình càng khó xử. Vì vậy, tôi chấp nhận cuộc sống của một bà mẹ đơn thân.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.