Bóng đá

HLV Mai Đức Chung: Nữ tuyển thủ Việt đá bóng bằng ý chí, sự hy sinh

03/01/2020, 06:42

Đội nam có sức mạnh, tốc độ. Đội nữ thiếu hai yếu tố này nhưng sự dẻo dai, bền bỉ của cầu thủ nữ đôi khi còn nhỉnh hơn cầu thủ nam.

img
HLV Mai Đức Chung có nhiều thành công với đội tuyển nữ Việt Nam

Là người từng lăn lộn nhiều năm với bóng đá nữ Việt Nam, hơn ai hết, HLV Mai Đức Chung hiểu những khó khăn, vất vả của các cô gái đá bóng. Ông cũng biết bóng đá nữ Việt Nam đang ở đâu và muốn thực hiện giấc mơ World Cup thì cần làm những gì. Nhân dịp đầu năm mới 2020, Báo Giao thông đã có cuộc trò chuyện với ông Chung “gái”.

Tôi tôn trọng các em vì họ dùng sức lao động để kiếm tiền

Sự quan tâm của xã hội với bóng đá nữ thời gian gần đây đã tăng lên đáng kể, nhất là sau SEA Games 30. Theo ông, đâu là nguyên nhân giúp bóng đá nữ có chỗ đứng tốt hơn trong xã hội?

Tôi cho rằng không có gì tự dưng mà đến. Có được sự quan tâm như ngày hôm nay là nhờ Đội tuyển nữ Việt Nam đã hết sức cố gắng, thi đấu kiên cường trong từng trận đấu, từng giải đấu và đạt nhiều thành tích ở các giải quốc tế. Từ đó, người hâm mộ có sự quan tâm nhiều hơn, các doanh nghiệp cũng đầu tư nhiều hơn. Tôi từng nói với học trò rằng, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cứ nỗ lực hết mình, chơi thứ bóng đá cống hiến thì người hâm mộ sẽ yêu thương, xã hội ủng hộ. Bao năm qua chúng tôi luôn thi đấu trong cảnh khán đài vắng khán giả nhưng chưa khi nào chúng tôi nghĩ mình được phép lơ là.

Ông là người có duyên khi dẫn dắt tuyển nữ Việt Nam, với rất nhiều danh hiệu. Nguyên nhân nào giúp ông thành công như vậy?

Để có được thành công thì không thể dựa vào một cá nhân nào, kể cả tôi mà phải là công sức của cả tập thể. Đầu tiên đội tuyển nữ có tinh thần đoàn kết, tập hợp được ý chí, quyết tâm của các cầu thủ để tạo ra sức mạnh. Hai lần đá chung kết với Thái Lan gần nhất, chúng ta đều bị đánh giá thấp hơn nhưng đều giành chiến thắng, điều này cho thấy tuyển nữ đã trở thành một khối thống nhất. Đương nhiên, ngoài tinh thần thì cũng phải vững chuyên môn. Tôi luôn yêu cầu các học trò trui rèn về kỹ năng, luyện tập chăm chỉ để bù đắp hạn chế về thể hình, thể lực.

Bóng đá nữ Việt Nam từng chứng kiến nhiều câu chuyện buồn như việc cầu thủ phải bỏ đội làm công nhân, cầu thủ bán bánh mỳ, bán rau để trang trải cuộc sống. Cảm xúc của ông như thế nào trước những câu chuyện này?

Phải nói là tôi rất buồn bởi mình cũng là một phần trong cuộc chơi chung. Nhưng tôi không thương cảm, thay vào đó tôi tôn trọng các em bởi các em đã dùng sức lao động của mình để kiếm những đồng tiền, ít thôi nhưng chân chính để lo cho cuộc sống, khi bóng đá không làm được điều đó. Tôi rất hi vọng, các CLB, các nhà tài trợ quan tâm hơn nữa tới đời sống của các cầu thủ nữ, HLV. Như vậy họ mới chuyên tâm phát triển nghề nghiệp và bóng đá nữ Việt Nam mới có cơ hội tiến lên.

Trước thực tế bóng đá nữ Việt Nam còn nhiều khó khăn, ông giúp đỡ những học trò của mình như thế nào?

Tôi là một HLV, cách tốt nhất để tôi giúp đỡ các học trò của mình là trang bị cho các em kiến thức, không chỉ trong thi đấu mà cả trong huấn luyện. Trong các buổi tập, tôi luôn chú trọng rèn từng động tác một, kết hợp với việc giải thích để các em hiểu được cặn kẽ tại sao phải như vậy. Nói nôm na là vừa tập vừa học, để sau này các em nếu có định hướng trở thành HLV thì đã có cái nền tảng rồi.

Còn về cuộc sống, thú thực tôi không quá dư giả để giúp đỡ các em tiền bạc. Trong khả năng của mình, tôi chỉ biết động viên các em, quan tâm hơn tới tâm tư của cầu thủ. Thi thoảng tôi mua chút quà, thường là đồ ăn như bánh rán, quả mít để cả đội cùng ăn. Ngày Tết thì tôi tặng các em bánh chưng, giò. Ngoài ra, sau những buổi tập nặng thì tôi mời cả đội uống nước hoặc ăn liên hoan một bữa nhỏ để các thành viên thêm gắn kết.

Trong những năm tháng làm công tác huấn luyện bóng đá nữ, ông tâm đắc nhất với điều gì?

Tôi đặc biệt ấn tượng với ý chí của các cầu thủ, họ luôn nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn để tập luyện thi và thi đấu. Một điều nữa tôi trân trọng là cầu thủ nữ của chúng ta luôn biết hi sinh bản thân mình vì màu cờ sắc áo. Có những bạn lấy chồng, sinh con xong vẫn trở lại sân cỏ.

Chúng tôi chiến đấu ở mặt trận thể thao, không giống như chiến tranh nhưng các cầu thủ sẵn sàng đổ mồ hôi, đổ cả máu. Trong trận chung kết SEA Games 30, hình ảnh Chương Thị Kiều toác hết đùi nhưng băng lại để chiến đấu, hình ảnh Trần Thị Hồng Nhung ngất xỉu vì kiệt sức, hình ảnh Huỳnh Như bị co hết cơ phải có người dìu lên nhận giải khiến tôi thực sự xúc động và tự hào.

Dẻo dai và bền bỉ, cầu thủ nữ nhỉnh hơn nam

img
HLV Mai Đức Chung điều chỉnh động tác của học trò trong buổi tập cuối tháng 12/2019

Ông từng huấn luyện các đội bóng đá nam, theo ông đâu là sự khác biệt giữa bóng đá nam và bóng đá nữ?

Đội nam có sức mạnh, tốc độ, đội nữ thiếu hai yếu tố này nhưng lại có tinh thần dẻo dai và sức bền. Tôi còn nhớ thời còn huấn luyện trên Nhổn (Trung tâm huấn luyện Thể thao Quốc gia đặt tại Nhổn, Nam Từ Liêm, Hà Nội - PV), đội nam tập xong rồi đội nữ vẫn tiếp tục. Có cầu thủ nam hỏi tôi là “bố ơi sao bố để chị em tập dài vậy ạ”, tôi trả lời rằng “nữ mà không tập nhiều thì rất khó khăn khi thi đấu”. Nói thế để thấy sự dẻo dai, bền bỉ của cầu thủ nữ đôi khi còn nhỉnh hơn cầu thủ nam.

Sau chức vô địch SEA Games 30, ông từng nhắc tới mục tiêu World Cup. Vậy theo ông bóng đá nữ Việt Nam còn thiếu gì để có thể góp mặt ở sân chơi World Cup?

Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, làm từng bước chứ không thể ăn xổi. Quan trọng nhất là phải đào tạo bóng đá trẻ thật tốt và muốn đào tạo tốt thì phải có con người đáp ứng được yêu cầu tầm vóc, thể lực, sức mạnh sau đó là kỹ thuật và chiến thuật. Cạnh đó, chúng ta phải phát triển bóng đá nữ trẻ từ các trường học, các địa phương, các trung tâm đào tạo.

Cái khó nhất với bóng đá nữ Việt Nam hiện nay là thiếu kinh phí và người chơi. Đam mê thì tôi nghĩ rất nhiều em, nhiều cháu đam mê nhưng bóng đá nữ không đem lại cho họ cuộc sống ổn định nên phải thực sự quyết tâm mới có thể theo được. Hi vọng rằng sau những thành công gần đây, sự quan tâm lớn của xã hội sẽ giúp các em, các cháu đam mê mạnh dạn đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp.

Nền tảng của đội tuyển là các CLB, nhưng hiện tại số lượng đội bóng nữ còn khiêm tốn, theo ông giải pháp nào để giải quyết vấn đề này?

Giải Vô địch quốc gia của chúng ta chỉ có 6 đội nên việc tuyển quân bị bó hẹp. Trong tương lai tôi hi vọng sẽ có thêm nhiều đội bóng tham gia, đồng nghĩa với số lượng cầu thủ tăng lên thì phạm vi tuyển chọn sẽ rộng hơn, đội tuyển từ đó cũng vững vàng hơn để hướng tới mục tiêu World Cup.

Nói là vậy nhưng không dễ thực hiện bởi đa phần các CLB nữ đều rơi vào cảnh sống lay lắt, có đội còn ngấp nghé giải thể.

World Cup có thể hơi xa nhưng trước mắt tuyển nữ Việt Nam sẽ dự vòng loại thứ 3 Olympic 2020, cơ hội tuyển Việt Nam ra sao, thưa ông?

Do CHDCND Triều Tiên rút lui nên bảng B chỉ còn Việt Nam, Hàn Quốc, Myanmar. Chúng ta có cơ hội lớn để vào bán kết nhưng vào rồi thì để lấy vé đi Olympic cũng rất khó bởi các đối thủ như: Trung Quốc, Australia đều ở đẳng cấp thế giới. Chúng tôi chỉ biết hứa sẽ chiến đấu hết mình trong từng trận, để xứng đáng với màu áo đỏ sao vàng.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.