Chính trị

Hồ Chí Minh & Khát vọng thống nhất đất nước

30/04/2016, 06:08

Hồ Chí Minh đã tiếp luồng sinh khí, truyền ý chí, quyết tâm không gì lay chuyển nổi về thống nhất đất nước...

1
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn đại biểu Anh hùng chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Namra thăm miền Bắc (11/1/1965) - Ảnh: Tư liệu

Buổi chiều ngột nắng gió phơn tháng 6/1957. Từ mạn Bắc sông Gianh (Quảng Bình), Hồ Chí Minh dõi mắt về phương Nam xa xa. Người hút thuốc liên tục. Mái tóc và chòm râu trắng phất theo gió. Từ nơi phương xa ấy, tiếp nữa là Nam vĩ tuyến 17, qua sông Bến Hải xuôi xuống là đồng bào miền Nam thân thương.

Đã quá hạn một năm rồi, kể từ cái ngày mà theo Hiệp định Giơnevơ quy định hai miền Nam - Bắc phải tổng tuyển cử để thống nhất đất nước (21/7/1956). Nhìn về phương Nam mà thấy nao lòng, quắt quả. Nơi ấy, chất chứa bao nhiêu kỷ niệm những ngày gian khó ấu thơ tại kinh thành Huế với cú sốc cực mạnh đối với một cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi còn nhỏ - NV) mới 10 tuổi khi mẹ và em qua đời. Cũng nơi đó, không chịu ngồi yên trên ghế Trường Quốc học, Nguyễn Tất Thành xuống đường tham gia các đoàn biểu tình chống thuế để rồi đi dần vô Nam, gặp người cha kính yêu đang làm tri huyện tại Bình Khê (Bình Định). Rồi đi… Đi nữa…vượt Rù Rì, Đèo Cả, Cù Mông, dừng chân dạy học ở trường Dục Thanh, Phan Thiết. Rồi lại đi, sải cánh chim bằng từ bến Nhà Rồng Sài Gòn tới các châu lục theo lời cha: “Nước mất, đi đi tìm đường cứu nước, đi con… Tất Thành!”.

Phương Nam, giờ đây có mộ người cha kính yêu tại Cao Lãnh, Đồng Tháp của đất trời Nam bộ phóng khoáng. Bên bờ sông Gianh, Người ngồi đó, một thời chứng tích. Một con người tuổi gần 70, đã trải đủ vinh quang cùng cay đắng mà chưa trở lại được nơi mình từng xuất phát. Cách trở chỉ là một cái lằn ranh vĩ tuyến đo trên bản đồ thôi, nhưng nó như một vết cứa vào da thịt. Ngặt con sông Bến Hải ngăn chia hai dòng Nam - Bắc. Nỗi đau nhân thế, quặn lòng. Rồi Người nhỏ nhẹ với thư ký của mình là ông Vũ Kỳ: “Mình đi đến nơi mà chưa về đến chốn”.

Hồ Chí Minh coi chân lý ở đời là cái gì đấy biểu đạt ở dạng vẹn toàn. Chẳng thế mà thi thoảng, Người nghe được anh em nói chuyện với nhau lúc giải lao giữa hai buổi họp là tuần trước… ngày trước…người nhà của người này…người nọ… phải vào bệnh viện phẫu thuật cắt cái này, cắt cái nọ trong cơ thể, Bác buột miệng: “Cắt? Sao lại cắt?”. Trong tư duy của mình, Hồ Chí Minh không thể nào hình dung được con người ta vốn hoàn chỉnh, cắc cớ chi lại phải bị cắt lìa một bộ phận nào đó. Thế nên, trước hành động của thực dân Pháp tái chiếm Nam bộ, muốn chia cắt Nam bộ khỏi Việt Nam ngay sau Ngày Độc lập tháng 9/1945, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam; Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song CHÂN LÝ ấy không bao giờ thay đổi.

Chia để trị là chính sách nhất quán của những thế lực ngoại bang xâm lược nước ta. Đối với Hồ Chí Minh, việc chia cắt đất nước là điều không thể nào chấp nhận được. Ngàn ngàn lần không. Triệu triệu lần không. Éo le thay, trong cái thế nước và sự ép buộc của các nước lớn tại Hội nghị Giơnevơ năm 1954, nước ta buộc phải chia làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Nhưng, chớ quên định chế rằng, đó chỉ là sự chia cắt tạm thời 2 năm mà thôi, từ tháng 7/1954 - 7/1956. Những người đứng dưới tàu biển quốc tế giơ hai ngón tay lên quá đầu mình trong tiếng còi vang mặt biển, tạm biệt người thân bên bờ ra tiễn ở Cà Mau năm 1954 ấy để tập kết ra Bắc, biểu đạt cái ngôn ngữ tạm xa nhau hai năm thôi, nhưng hai năm đã biến thành 21 năm (1954-1975). 2 = 21! Đó là sự biến thiên số học thật kỳ quặc và đầy nghiệt ngã.

Hồ Chí Minh là người nói nhiều nhất về “BẮC - NAM SUM HỌP MỘT NHÀ”, là “MIỀN NAM LUÔN TRONG TRÁI TIM TÔI”. Đó là nỗi niềm trăn trở của Người về sự thống nhất, là khát vọng cháy bỏng của cả một dân tộc trên dải đất hình chữ S này.

Nỗi niềm là một chuyện. Ước vọng là một chuyện. Khát vọng là một chuyện. Giải cơn khát ấy của cả một dân tộc không phải là việc thường, mà là cả một sự nghiệp cực kỳ cam go. Phía đế quốc và tay sai đã khước từ tổng tuyển cử, gạt bàn tay mà phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chìa ra. Chúng cố tình biến miền Nam thành thuộc địa. Sau Hiệp định Giơnevơ, Mỹ đẩy mạnh việc chuẩn bị cho những bước can thiệp sâu hơn vào nội tình Việt Nam Cộng hòa. Từ năm 1954, Mỹ thực hiện các hoạt động tâm lý chiến kêu gọi, ép buộc nhân dân miền Bắc di cư vào Nam; Huấn luyện các lực lượng vũ trang của Việt Nam Cộng hòa; Xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự; Đưa vũ khí và thiết bị quân sự vào miền Nam Việt Nam...

Phía Cách mạng Việt Nam đã kêu gọi các đồng Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ, lưu ý các nước tham gia hội nghị về trách nhiệm đối với việc thống nhất hai miền đất nước Việt Nam thông qua tổng tuyển cử. Tháng 6/1955, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố sẵn sàng mở hội nghị hiệp thương với chính quyền Sài Gòn nhưng không được đáp ứng. Tháng 7/1956, sau khi yêu cầu đàm phán không được chính quyền Ngô Đình Diệm trả lời, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã yêu cầu các đồng chủ tịch Hội nghị Giơnevơ tổ chức một cuộc hội nghị mới. Yêu cầu này được tiếp tục nêu lại vào tháng 8/1955. Các yêu cầu đàm phán tiếp tục được phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên trì nêu ra thậm chí cả ở các thời điểm: Tháng 6 và 7/1957, tháng 3 và 12/1958, tháng 7/1959 và tháng 7/1960, nhưng đều bị từ chối. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn muốn thiết lập quan hệ thương mại giữa hai miền, nhưng chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng khước từ. Vũ lực của chế độ Sài Gòn đã tiến công trực diện vào những giá trị của Hiệp định Giơnevơ.

Hồ Chí Minh đã tiếp luồng sinh khí, truyền ý chí, quyết tâm không gì lay chuyển nổi về thống nhất đất nước tới toàn dân Việt Nam yêu nước. Người đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh kiên trì, dũng cảm, biết cách vượt qua nỗi sợ, sự lo lắng, thiếu lòng tin của nước này, nước nọ. Cái chính là Người đã thành công trong việc biến quyết tâm, ý chí thống nhất đất nước ấy, giải tỏa khát vọng ấy bằng hành động quật khởi của cả một dân tộc. Hồ Chí Minh đã huy động được toàn bộ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động văn hóa truyền thống hàng ngàn năm kết hợp với sức mạnh nội tại của những năm khói lửa chống Mỹ, cứu nước; Cuốn được cả sức mạnh thời đại vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất Tổ quốc mình.

Hồ Chí Minh qua đời năm 1969 khi sự nghiệp thống nhất đất nước còn dang dở. Trong ngổn ngang đại sự, Người vẫn tin sự nghiệp đó sẽ chắc chắn thành công. Đó là niềm tin thật sự có cơ sở bền chắc. Cái mốc của thời gian 11h30 ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử của niềm tin thống nhất Tổ quốc Việt Nam ngàn đời yêu dấu.

Một thời cắt chia, một thời trắc trở của Trịnh - Nguyễn phân tranh, chia Đại Việt thành Đàng Trong - Đàng Ngoài với ranh giới sông Gianh, đã lùi bởi Quang Trung rồi nhất là Gia Long đã hoàn thành sứ mạng lấp đầy sự ngăn chia ấy.

Lịch sử không lặp lại nguyên vẹn. Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã hóa giải được nỗi niềm trăn trở của khát vọng thống nhất. Và ngày 30/4/1975 chính là NGÀY THỐNG NHẤT TỔ QUỐC. Ngày đó cũng là sự mở đầu ngày HÒA HỢP DÂN TỘC. Ngày này nhắc nhở mọi tổ chức, mọi người dân Việt Nam, dù đang ở trên đất Mẹ hoặc đang ở chân trời, góc bể nào hướng về cội nguồn, giữ ý chí thống nhất, vẹn toàn.

Vâng, thống nhất và chỉ có thống nhất, dân tộc Việt Nam mới ngẩng cao đầu được với thiên hạ. Chỉ có đoàn kết thành một khối từ mọi miền, mọi vùng, từ trong nước, ngoài nước, người Việt Nam mới chứng tỏ được mình là con dân đất Việt, thành viên của một đất nước thống nhất, đất nước của Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc và đồng thời là nhà văn hóa kiệt xuất trong không gian văn hóa UNESCO. 

Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.