Thời sự

Hồ Chí Minh - Nhà báo bậc thầy

21/06/2015, 06:02

Nếu gọi Hồ Chí Minh là “Nhà báo” thì những nhà báo như mình chỉ đáng được gọi là “Lều báo” mà thôi.

61
Bác Hồ có rất nhiều bài viết đăng báo cả trong và ngoài nước, nhưng chưa bao giờ nhận mình là nhà báo (Ảnh tư liệu)

Chưa bao giờ Hồ Chí Minh tự nhận mình là nhà báo nhưng như ông Hoàng Tùng, một nhà cách mạng lão thành và là nhà báo nổi tiếng của Việt Nam, nói rằng, nếu gọi Hồ Chí Minh là “Nhà báo” thì những nhà báo như mình chỉ đáng được gọi là “Lều báo” mà thôi.

Nhà tư tưởng, nhà báo lớn

Với Hồ Chí Minh, báo chí là cái nghiệp gắn chặt với cuộc đời cách mạng của Người. Bởi xét về số lượng, trong cả cuộc đời của mình, Hồ Chí Minh đã có khoảng 3 nghìn bài báo đăng ở trong và ngoài nước. Đó là thống kê chưa đầy đủ, bởi còn rất nhiều bài báo của Người chưa được đưa vào bộ Hồ Chí Minh toàn tập (15 tập) đã xuất bản từ năm 2011. Về mặt thể loại thì Người viết nhiều dạng: chính luận, bình luận, thông tin, nêu thông điệp, kêu gọi..., và bằng nhiều thứ tiếng. Hoạt động báo chí của Hồ Chí Minh không chỉ ở trên lĩnh vực viết bài mà còn ở lĩnh vực quản trị báo chí. Điển hình thời gian ở bên Pháp những năm 1920, Người vừa viết bài, vừa làm chủ bút, vừa làm quản trị tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) bằng tiếng Pháp; từ năm 1925, Người sáng lập báo Thanh niên của tổ chức Hội Việt Nam Kách mệnh Thanh niên (cũng do Người sáng lập ở Quảng Châu - Trung Quốc). Sau này, chúng ta lấy ngày 21/6 hàng năm là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là có ý lấy mốc ngày ra số đầu tiên của báo Thanh niên.

Có một đặc điểm là khả năng làm báo của Hồ Chí Minh hầu như không qua đào tạo từ nhà trường mà phần lớn là tự học. Người ngồi học trên ghế nhà trường ít, thậm chí học rất dang dở, nhưng cả cuộc đời của Người là tự học rồi thành tài. Người bỏ dở việc học ở Trường Quốc học Huế năm 1908; đang làm nghiên cứu sinh hết năm thứ nhất tại Viện Nghiên cứu Những vấn đề dân tộc và thuộc địa thuộc Quốc tế Cộng sản ở Matxcơva (Liên Xô) năm 1938 thì xin nghỉ để về Việt Nam cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng. Đi đến đâu, làm việc gì, Người cũng chú ý quan sát, học hỏi. Động cơ học của Hồ Chí Minh là để có tri thức, để có kỹ năng sống, hoạt động cách mạng. Người đã ghi vào quyển sổ của trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương tháng 9/1949 rằng:

Học để làm việc,
Học để làm người,
Học để làm cán bộ,
Học để phụng sự đoàn thể,
phụng sự giai cấp và nhân dân,
phụng sự Tổ quốc và nhân loại

Hồ Chí Minh tự nguyện làm người học trò của nhiều nhà tư tưởng, nhà hoạt động chính trị và nhà văn hóa trên thế giới. Riêng về viết báo, Hồ Chí Minh kể lại là Người tự học qua những tác phẩm của Đại văn hào Nga Lép Tônxtôi. Sau khi đọc những tác phẩm của Lép Tônxtôi, Người thấy rằng, mình cũng có thể viết được văn, được báo. Lúc đầu Hồ Chí Minh viết dài, sau đó tập co ngắn lại và đã thành công.

62
GS.TS.NGƯT Mạch Quang Thắng

Bậc thầy làm báo

Hồ Chí Minh là “nhà báo” không thích nói dài, viết dài. Đó là một trong những phong cách rất đặc biệt của Người. Thậm chí, Hồ Chí Minh còn nhiều lần phê bình cách nói, cách viết “tràng giang đại hải”, “dây cà ra dây muống” (những từ mà Hồ Chí Minh dùng). Người viết ngắn. Nhưng ngắn mà lại đủ những thông tin cần thiết theo chủ đề định viết, mà vẫn hấp dẫn. Đây là kết quả của một quá trình tự rèn luyện, tự học của Hồ Chí Minh. Ngắn, nhưng không cụt quằn. Ngắn, nhưng không khô khan. Hồ Chí Minh chủ ý viết cho tất cả mọi người, từ nhà bác học đến người dân bình thường, đều có thể hiểu được.

Hồ Chí Minh viết nôm na, có lúc dùng nhiều từ như văn nói. Hiện nay, nhiều tờ báo nếu nhận được những bài gửi đến viết nôm na như vậy có khi còn không đăng! Đây là đặc điểm khó lẫn của những bài báo Hồ Chí Minh viết. Một đặc điểm nữa là một số bài viết còn xen vào vài câu thơ, xen vào những thành ngữ, ca dao, tục ngữ nữa. Mà thành ngữ, ca dao, tục ngữ trên thế giới người ta đã tổng kết rồi: đó là sự thông thái của nhân dân, của dân tộc. Thế thì tội gì mà không dùng những lời đúc kết thông thái ấy. Hồ Chí Minh sử dụng thành thạo nhiều thứ tiếng trên thế giới, nhưng như thế không có nghĩa là viết bài báo nào, Người cũng “chua” ngoại ngữ vào như không ít bài báo hiện nay.

"Hồ Chí Minh tự nguyện làm người học trò của nhiều nhà tư tưởng, nhà hoạt động chính trị và nhà văn hóa trên thế giới. Riêng về viết báo, Hồ Chí Minh kể lại là Người tự học qua những tác phẩm của Đại văn hào Nga Lép Tônxtôi. Sau khi đọc những tác phẩm của Lép Tônxtôi, Người thấy rằng, mình cũng có thể viết được văn, được báo. Lúc đầu Hồ Chí Minh viết dài, sau đó tập co ngắn lại và đã thành công”.

Trong các bài báo của Hồ Chí Minh, thêm một điều thú vị nữa là bài vốn đã ngắn rồi nhưng còn hay xuống dòng. Và hình như là Người xuống dòng không theo quy luật nào? Đã có người hỏi về điều này thì được Người trả lời rằng, như thế để người đọc đỡ cảm thấy ngồn ngộn chữ.

Về cách quản trị, Hồ Chí Minh là “Tổng biên tập” giỏi, tinh nghề. Nói như cách nói bây giờ thì Hồ Chí Minh có “hai trong một”, nghĩa là cùng lúc vừa là người viết báo, vừa là người quản lý tờ báo. Những điều mà chúng ta hay gọi bây giờ là quản trị báo chí, thì ở Hồ Chí Minh thấy rõ mấy điểm sau đây:

Một là, yêu cầu nhà báo có trách nhiệm công dân, mà cụ thể hơn là “đạo đức nghề nghiệp”. Đạo đức nghề nghiệp thì những ai đã học ở trường báo chí đều được học cả, nhưng cái khó là học ở cuộc đời sau khi tốt nghiệp, trong quá trình tác nghiệp. Do đó theo Hồ Chí Minh, trong một tòa soạn, người quản trị phải chú ý làm cho mọi người, đặc biệt là phóng viên, phải đặt vấn đề đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân lên hàng đầu. Đã có người nói, nghề báo là nghề nguy hiểm. Nguy hiểm cụ thể như thế nào thì không bàn tới ở đây, nhưng rõ ràng là nếu không tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp thì có khi học cả đời bài đạo đức nghề nghiệp mà vẫn không thuộc.

Hai là, Hồ Chí Minh rất chú ý tạo điều kiện cho nhà báo tác nghiệp một cách thuận lợi nhất. Có lúc, Người có ý đi chậm lại để cho nhà báo chụp được bức hình ưng ý. Có lúc, Người tạo điều kiện cho nhà báo có chỗ đứng, chỗ ngồi thuận lợi nhất để lấy tin...

Ba là, Hồ Chí Minh yêu cầu hoặc khuyến khích nhà báo học tập nâng cao trình độ về mọi mặt. Quản trị một tờ báo, hay lãnh đạo, quản lý cả một lĩnh vực báo chí phải chú ý đến nhân tố con người, mà cụ thể ở đây là đội ngũ nhà báo. Chất lượng của đội ngũ này sẽ chế định chất lượng nền báo chí.

Bốn là, Hồ Chí Minh chú ý tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhà báo. Đã là nghề nghiệp thì phải sống bằng nghề. Bản thân Hồ Chí Minh viết bài đăng báo không phải là để lấy nhuận bút, nhưng đã đăng bài thì phải được hưởng nhuận bút xứng đáng. Tiếc rằng, điểm này không riêng gì nhà báo mà còn nhiều “nhà” nữa hiện nay chưa đạt được. Có câu chuyện kể lại rằng, có một số bài báo của Hồ Chí Minh được đăng, lâu lâu tòa soạn không trả tiền nhuận bút thì Người gọi điện đòi. Đòi đúng luật và đúng lý, tại sao không? Phải chăng, đây cũng là một điểm nữa trong quản trị báo chí theo tinh thần của Hồ Chí Minh mà chúng ta cần học tập hiện nay?

Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.