Hồ sơ tài liệu

Hộ chiếu miễn dịch thời Covid-19: Tấm vé tự do hay mối nguy xã hội?

26/09/2020, 06:29

“Hộ chiếu miễn dịch” là cụm từ gây tranh cãi gay gắt trên thế giới, nhất là trong ngành y tế và hàng không từ nhiều tháng nay.

img
Hình ảnh minh họa cho một loại hộ chiếu miễn dịch điện tử.

Bất chấp điều này, không ít quốc gia vẫn tăng tốc thực thi giữa bối cảnh nhiều nước bế tắc, tổn thất nặng nề vì dịch bệnh, muốn kết nối hàng không quốc tế, phục hồi kinh tế.

Tại sao nhiều nước tìm đến “hộ chiếu miễn dịch”?

“Hộ chiếu miễn dịch” là cụm từ để chỉ hình thức cấp phép đi lại xuyên biên giới, miễn áp dụng các quy định hạn chế liên quan đến dịch bệnh, đối với một số người có kháng thể chống Covid-19, từng nhiễm loại virus chết người này nhưng đã khỏi bệnh. Giấy phép này có thể được cấp trên cả hình thức văn bản hoặc điện tử.

Sáng kiến mới nhất từ Công ty Pangea của Israel mang tên Thẻ Du lịch Quốc tế Covid-19 là ví dụ. Đây là tấm thẻ điện tử cho phép người nắm giữ có thể di chuyển xuyên biên giới.

Giám đốc điều hành Pangea, ông Rafi Kaminer cho biết: “Thẻ của chúng tôi sẽ giúp các chính phủ nắm rõ tình hình Covid-19 thực tế của tất cả khách du lịch trong và ngoài nước, liệu họ đã được xét nghiệm hay chưa, ai thực hiện, kết quả ra sao…”.

Hệ thống thẻ này vận hành theo cách: “Hành khách nộp đơn xin cấp, qua hình thức trực tuyến, lên cơ quan y tế của chính phủ có áp dụng và thực thi Pangea. Thông tin được tích hợp với dữ liệu của Cơ quan Kiểm soát Thị thực nước đó cho phép các bộ ngành liên quan nhanh chóng duyệt thông qua hoặc bác bỏ đề nghị của hành khách dựa trên dữ liệu dịch tễ trên thẻ”.

Theo thống kê từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới, có ít nhất 5 quốc gia cân nhắc biện pháp này bao gồm: Chile, Đức, Ý, Anh và Mỹ.

Trong đó Chile dự kiến là quốc gia đầu tiên hiện thực hóa. Từ tháng 4, Bộ trưởng Y tế Chile Minister Jaime Manalich chia sẻ rằng, nước này sẽ cấp phát một loại giấy được gọi là “giấy chứng nhận khỏi bệnh”, cho phép người được cấp miễn tất cả các quy định cách ly hay hạn chế vì dịch bệnh.

Mới đây nhất, trang tin điện tử Digital Health dẫn bản ghi nhớ rò rỉ từ Chính phủ Anh cho biết, London chuẩn bị áp dụng hình thức hộ chiếu miễn dịch. Đây là một phần nằm trong kế hoạch tăng cường xét nghiệm virus trên diện rộng, dự tính sẽ thực hiện tới 10 triệu xét nghiệm/ngày tính đến đầu năm sau.

Chia sẻ về mục đích của kế hoạch, Thủ tướng Anh Boris Johnson từng nói, ông muốn phổ cập xét nghiệm để xác định những người không có nguy cơ lây lan virus (chẳng hạn như từng lây nhiễm đã hồi phục và có kháng thể phòng Covid-19), sau đó cho phép họ quay trở lại với công việc, đi lại và tham gia vào một số hoạt động xã hội khác.

Làn sóng chỉ trích gay gắt

Song ý tưởng này đối mặt với làn sóng chỉ trích rất lớn và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là một trong những đơn vị toàn cầu lên tiếng phản đối. Đa phần, những luồng ý kiến trái chiều đều bắt nguồn từ thực tế, tính đến thời điểm hiện tại, chưa ai có thể khẳng định chắc chắn 100% những người đã khỏi bệnh sẽ miễn nhiễm.

Trong một bài bình luận liên quan, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho rằng: Chừng nào thế giới chưa biết và có chứng cứ xác định rõ người từng nhiễm bệnh có mắc lại hay không; thời gian miễn dịch có thể kéo dài bao lâu thì việc áp dụng “hộ chiếu miễn dịch” là quá sớm.

Không chỉ nghi ngờ về tính khoa học, WHO còn đặt nghi vấn về giá trị kết quả của những loại xét nghiệm có trên thị trường thế giới hiện nay. Chỉ cần một vài kết quả không chính xác, những người được cấp phép sẽ tin rằng họ hoàn toàn miễn nhiễm trong tương lai, chủ quan phòng bệnh, tự do tham gia tất cả các hoạt động dẫn đến nguy cơ virus tiếp tục lây lan không thể dứt.

Mặt khác, nhiều chuyên gia e ngại, cách thực thi phân chia 2 tầng - giữa người có thể và không thể hòa nhập lại với xã hội, quay trở về với công việc, có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý (chẳng hạn như kích thích hành vi tham nhũng, cấp thẻ gian dối) và tính khả thi như đòi hỏi chi phí khủng để xét nghiệm và truy vết trên diện rộng.

Đồng thời, cách thức này còn được cho là đi ngược lại với chính sách khuyến khích người dân hạn chế tiếp xúc, giao tiếp xã hội để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.