Chuyện dọc đường

Hồ Đại Lải bị bức tử, ai chịu trách nhiệm?

06/07/2020, 06:22

Liệu doanh nghiệp có dám ngang nhiên bạt đồi, lấp đất thẳng xuống hồ nếu như không được chính quyền “bật đèn xanh”, giúp sức?

img
Những rãnh lớn được tạo ra để nước mưa kèm đất đá chảy thẳng từ đại công trường xuống hồ Đại Lải

Suốt mấy ngày qua, dư luận không khỏi xôn xao trước sự việc hồ Đại Lải bị lấp để làm biệt thự nghỉ dưỡng (Báo Giao thông đã có nhiều bài phản ánh).

Điều đáng nói, khi đi sâu tìm hiểu, PV Báo Giao thông còn phát hiện việc lấp hồ không phải mới diễn ra, mà nó đã được tiến hành từ cả chục năm trước!

Câu hỏi được đặt ra là: Liệu doanh nghiệp có dám ngang nhiên bạt đồi, lấp đất thẳng xuống hồ nếu như không được chính quyền “bật đèn xanh”, giúp sức? Câu trả lời là không!

Bởi trong chính kết luận của Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT đã chỉ rõ: Việc tỉnh Vĩnh Phúc giao đất, cho thuê đất và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải cho các doanh nghiệp thực hiện dự án là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi, vi phạm Luật đất đai.

Điều đó khiến nhiều người không cảm thấy lạ khi trong suốt một thời gian dài, các vi phạm không hề bị ngăn chặn, xử lý. Và cũng bởi không bị ngăn chặn, xử lý nên ngày này qua tháng khác, công trình thủy nông đảm bảo tưới tiêu cho 2.000ha lúa, phục vụ thoát lũ từ thượng nguồn này bị xâu xé không thương tiếc.

Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm là việc nên làm. Nhưng cần thẳng thắn với nhau rằng, không thể thu hút bằng mọi giá, thu hút bằng cách đánh đổi kinh tế lấy môi trường.

Những dự án biệt thự nghỉ dưỡng kia liệu sẽ tạo được bao nhiêu công ăn việc làm cho người dân, đem lại nguồn thu bao nhiêu cho Vĩnh Phúc?

Nó có xứng đáng để đánh đổi lấy môi sinh, cảnh quan của một danh thắng nổi tiếng và nhất là chức năng vô cùng quan trọng của hồ Đại Lải: Phục vụ tưới tiêu, ngăn và xả lũ cho cả một khu vực rộng lớn?

Từ một hồ rộng hơn 530ha, đến nay hồ Đại Lải chỉ còn khoảng 377ha. Theo thời gian, các khu biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn ngày càng mọc lên dày đặc xung quanh khu vực hồ.

Và nếu chính quyền cứ tiếp tục “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp lấp hồ để xây biệt thự như giai đoạn vừa qua, ai biết được liệu sau này diện tích hồ Đại Lải còn được bao nhiêu, hay sẽ… chỉ còn trong tiềm thức?

Vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là, để xảy ra những vi phạm khiến lòng hồ, cảnh quan khu vực hồ Đại Lải bị xâm phạm, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

Hay rồi mọi sự lại chìm vào im lặng, rơi vào quên lãng, giống như vụ nhà 8B Lê Trực ở Hà Nội, Mã Pì Lèng ở Hà Giang…?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.