Xã hội

Hồ Đại Lải bị “xẻ thịt”, xử lý sai phạm thế nào?

10/07/2020, 06:38

UBND tỉnh Vĩnh Phúc là đơn vị cấp phép cho các doanh nghiệp làm dự án xâm lấn hồ nhưng lại là đơn vị quản lý và phải chịu trách nhiệm khắc phục.

img
Cả một quả đồi đã bị chủ đầu tư san gạt, lấp xuống hồ Đại Lải để làm khu biệt thự nghỉ dưỡng

Liên tiếp trong những ngày qua, Báo Giao thông đăng tải loạt bài điều tra về việc hồ Đại Lải đang bị “xẻ thịt” một cách không thương tiếc trong suốt hơn 10 năm qua trước sự “làm ngơ”, thậm chí “bật đèn xanh” của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Đắc Long, Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT) nhằm làm rõ hơn trách nhiệm liên quan, cũng như các lỗ hổng đang tồn tại trong công tác quản lý, xử lý vi phạm hồ thủy lợi.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc có trách nhiệm khắc phục

Vừa qua sau khi báo chí phản ánh việc hồ Đại Lải bị xâm lấn với diện tích lớn và đoàn công tác liên ngành Bộ NN&PTNT, Bộ Công an đã đi kiểm tra thực tế. Tới thời điểm này, Tổng cục Thủy lợi đã có những động thái gì để ngăn chặn vi phạm?

Theo quy định của Luật Thủy lợi, các tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đang khai thác. Để triển khai thực hiện Luật Thủy lợi, Bộ NN&PTNT đã ban hành Văn bản số 8161 ngày 19/10/2018 gửi UBND các tỉnh đề nghị đầu tư kinh phí, tổ chức thực hiện cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Điều 41 Luật Thủy lợi quy định tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm lập phương án bảo vệ, trình UBND tỉnh phê duyệt, đơn vị khai thác sẽ thực hiện bảo vệ công trình theo phương án được duyệt.
Ông Nguyễn Đắc Long, Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy lợi)

Đầu năm 2020, khi phát hiện thấy có hoạt động san lấp, đổ đất vào lòng hồ Đại Lải, Tổng cục Thủy lợi đã tiến hành kiểm tra đột xuất và ban hành Kết luận số 253 ngày 20/02/2020, trong đó chỉ ra các sai phạm trong giao đất, đổ đất tôn nền của Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam trong phạm vi lòng hồ Đại Lải. Đây là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi, đất đai… Tại kết luận này, Tổng cục Thủy lợi kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo xử lý, khắc phục tồn tại, báo cáo về Bộ NN&PTNT trước ngày 30/3/2020.

Ngày 7/4/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Văn bản số 2477 chỉ đạo các Sở, ngành liên quan, UBND TP Phúc Yên và các doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ triển khai thực hiện kết luận, hoàn thành trước ngày 15/7/2020.

Thời gian qua, Tổng cục Thủy lợi liên tiếp triển khai hoạt động kiểm tra, đôn đốc xử lý vụ việc xảy ra tại hồ Đại Lải. Tổng cục Thủy lợi đã có các Văn bản số 522 ngày 3/4/2020 gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc đôn đốc thực hiện Kết luận kiểm tra số 253; Văn bản số 687 ngày 27/4/2020 gửi Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện xử lý vi phạm trước ngày 15 hàng tháng. Ngoài ra, Tổng cục giao Vụ Pháp chế - Thanh tra thường xuyên theo dõi, nắm tình hình kết quả xử lý vi phạm hồ chứa nước Đại Lải để báo cáo Tổng cục và báo cáo Bộ NN&PTNT.

Ngày 27/5/2020 và ngày 1/7/2020, tại hồ Đại Lải, Vụ Pháp chế Thanh tra - Tổng cục Thủy lợi đã phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) làm việc với đại diện Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên về việc thực hiện kết luận kiểm tra.

Ngày 3/7/2020, Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc đã có Báo cáo số 202 về tiến độ thực hiện Kết luận số 253. Tuy vậy, đến nay, việc thực hiện chưa đạt yêu cầu.

Kết luận số 253 của Tổng cục Thủy lợi đã chỉ rõ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã vi phạm nhiều quy định pháp luật trong việc cấp đất cho các doanh nghiệp xâm lấn hồ Đại Lải. Tổng cục có kiến nghị gì trong việc yêu cầu các Bộ, ngành xử lý sai phạm này?

Hồ Đại Lải thuộc địa bàn xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc là công trình mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến tỉnh Vĩnh Phúc và TP Hà Nội. Bộ NN&PTNT đã giao nhiệm vụ quản lý hồ cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc tại Thông tư số 05/2018 ngày 15/5/2018, nên việc giải quyết, khắc phục các vi phạm nêu trên thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Hơn 66 nghìn vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi

img
Ông Nguyễn Đắc Long (áo sọc đứng giữa) trong chuyến kiểm tra hồ Đại Lải ngày 1/7

Những bất cập trong công tác quản lý công trình thủy lợi hồ Đại Lải là gì? Xuất phát từ những nguyên nhân nào dẫn tới việc hồ Đại Lải trong suốt hàng chục năm qua bị xâm phạm nghiêm trọng?

Việc quản lý, khai thác có hiệu quả hồ chứa nước Đại Lải đảm bảo phát huy đa mục tiêu như: Cung cấp nước tưới cho cây trồng, cấp cho công nghiệp, sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, phòng chống lũ lụt cho hạ du và phát triển du lịch. Để hồ không bị xâm phạm đòi hỏi phải có sự phối hợp trong quản lý, khai thác của các Sở, ngành tại địa phương như: Xây dựng, Tài nguyên và môi trường, NN&PTNT …

UBND tỉnh Vĩnh Phúc là đơn vị cấp phép cho các doanh nghiệp làm dự án xâm lấn hồ, nhưng lại là đơn vị quản lý và phải chịu trách nhiệm khắc phục sai phạm. Phải chăng việc “vừa đá bóng vừa thổi còi” này là lỗ hổng pháp lý dẫn tới thực trạng việc lấp hồ Đại Lải đã diễn ra từ nhiều năm trước, Bộ NN&PTNT cũng đã có yêu cầu xử lý nhưng việc lấp hồ vẫn tái diễn?

Các hoạt động đổ đất, xây nhà … trong phạm vi hồ Đại Lải tùy theo mục đích phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nên việc xảy ra vi phạm thường liên quan đến các hoạt động diễn ra trong phạm vi hồ. Việc san lấp hồ gây thiệt hại phải được thu thập số liệu, rà soát đánh giá cụ thể mới có số liệu chính xác.

Như đã nói ở trên, việc quản lý hồ Đại Lải thuộc UBND Vĩnh Phúc. Nhưng hàng năm, Bộ NN&PTNT tổ chức thanh tra theo kế hoạch, phối hợp với các lực lượng C05, A04 (Bộ Công an) kiểm tra chuyên ngành đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về thủy lợi, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm công trình thủy lợi.

Vậy tới nay có bao nhiêu công trình thủy lợi bị xâm phạm, thưa ông? Kế hoạch xử lý những vi phạm đó là như thế nào?

Theo số liệu báo cáo của 59/63 tỉnh, thành phố tính đến ngày 31/12/2019, cả nước đã phát hiện 66.266 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, trong đó vi phạm xây dựng nhà, lều lán, chuồng trại, xây dựng bến, bãi tập kết vật liệu, đào ao, trồng cây lâu năm … có 56.215 vi phạm, chiếm 84,8%. Vụ vi phạm công trình thủy lợi điển hình như: Lấn chiếm đóng cọc bê tông, đổ san lấp lòng kênh Bắc Hưng Hải; lấn chiếm hồ Đại Lải…

Phương hướng xử lý những vi phạm đó là sau khi phát hiện vi phạm, các đơn vị khai thác báo cáo chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng; phải có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, công an và lực lượng chuyên ngành, đơn vị khai thác để giải tỏa vi phạm, hoàn trả hiện trạng ban đầu.

Từ thực tế hồ chứa nước Đại Lải chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh. Tỉnh giao cho Công ty Thủy lợi Phúc Yên quản lý, Sở NN&PTNT tỉnh chỉ quản lý về mặt Nhà nước. Thực trạng này dẫn đến bất cập là sự chỉ đạo của Sở và công ty trong quản lý hồ Đại Lải không sâu sát, thiếu thực tế. Thực trạng này có phổ biến ở các địa phương không, thưa ông?

Sở NN&PTNT tại các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh về quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực ngành NN&PTNT, trong đó có mục tiêu nhằm hạn chế các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Để có thông tin chính xác, đầy đủ về thực trạng việc chỉ đạo lĩnh vực ngành không sâu sát, thiếu thực tế cần phải được rà soát, đánh giá cụ thể.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.