Xã hội

Hồ Gươm có mất màu xanh đặc trưng sau cải tạo?

23/02/2017, 13:05

Kế hoạch cải tạo môi trường Hồ Gươm vừa được Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đề xuất TP Hà Nội.

30

Ông Võ Tiến Hùng

Kế hoạch cải tạo môi trường Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm) vừa được Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đề xuất TP Hà Nội. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại việc cải tạo bằng máy móc sẽ ảnh hưởng đến hệ động, thực vật đang sinh sống tại đây và khiến Hồ Gươm thêm ô nhiễm. Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xung quanh kế hoạch cải tạo này.

Hồ Gươm mất khả năng tự làm sạch

Nhiều chuyên gia cho rằng, Hồ Gươm gần như mất hẳn khả năng tự làm sạch và đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

"Một nguyên nhân khiến Hồ Gươm ô nhiễm là việc thiếu nguồn nước bổ sung. Năm 2011, một cửa phai (cửa điều tiết nước từ bên trong thoát ra bên ngoài) được xây dựng tại góc hồ, giáp với đường Hàng Khay và Đinh Tiên Hoàng để phục vụ các kỳ xả đáy, điều hòa và làm sạch môi trường nước. Tuy nhiên, cửa phai này hầu như không thể hoạt động trong suốt những năm qua do thiếu nguồn nước bổ sung. Hiện, nguồn chủ yếu của hồ là nước mưa, mà lượng mưa lại phân bố không đều, chỉ tập trung vào ba tháng 7, 8, 9 trong năm. Thời gian còn lại hồ gần như không có nguồn bổ sung dẫn đến môi trường nước tù đọng, lượng ôxy suy giảm mạnh, ảnh hưởng đến sự sống của động, thực vật trong hồ”.

Ông Võ Tiến Hùng
Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội

Ô nhiễm của Hồ Gươm không phải chuyện bây giờ mới nói, mà thực chất đã kéo dài từ nhiều năm nay và đang ngày càng trầm trọng hơn. Hồ Gươm vốn có một hệ vi tảo phong phú, trong đó các loại tảo lục, tảo lam có giá trị đặc biệt để tạo nên màu xanh đặc trưng cho mặt nước. Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh suy giảm khối lượng, nước hồ còn đang có dấu hiệu chuyển dần sang màu đỏ do mật độ tảo lớn, xuất hiện nhiều tảo độc. Lòng hồ bồi lắng nhiều phù sa. Phạm vi 7m từ chân kè ra có tới 5m đất nền cứng với nhiều gạch đá.

Đến thời điểm này, nhiều nhóm chuyên gia đã nghiên cứu về nước Hồ Gươm và chỉ ra rằng, hồ gần như mất hẳn khả năng tự làm sạch. Nước hồ ô nhiễm, lớp bùn lắng đọng ở đáy hồ chứa nhiều kim loại nặng và khí độc khiến động thực vật suy giảm. Bên cạnh đó, lượng chất dinh dưỡng được đưa vào hồ quá lớn gây nên tình trạng “siêu phú dưỡng”, kết váng, biến đổi thành chất độc hại. Nhiều loại tảo độc sinh trưởng, rất dễ xảy ra hiện tượng “tảo nở hoa”, đe dọa sinh tồn của các loài động, thực vật.

Hiện, độ PH trong nước hồ đo được thường xuyên dao động từ 9,4 - 10,5mg/l, trong khi nồng độ cho phép tối thiểu chỉ là 5,5mg/l. Các chỉ số hữu cơ BOD, COD cao gấp hai lần ngưỡng an toàn.

Vậy theo ông, hiện tại có cách nào để “cứu” nước Hồ Gươm?

Từ nhiều năm nay, Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp cải tạo môi trường như: Tách nước thải, thử nghiệm nạo vét bùn bằng phương tiện cơ giới. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một phương án tổng thể nào để giải quyết hai phần việc cấp bách là: Làm sạch lòng hồ và xử lý ô nhiễm nước.

Vừa qua, chúng tôi đã xây dựng một phương án và đưa ra tham vấn ý kiến các chuyên gia và người dân. Ba giải pháp chính mà chúng tôi đưa ra gồm: Nạo vét bùn, thanh thải phế liệu dưới đáy hồ; Bổ sung nguồn nước, xả đáy định kỳ để đảm bảo môi trường nước trong sạch, nâng cao khả năng tự “chữa trị” của hồ; Sử dụng chất Redoxy - 3C xử lý ô nhiễm nước.

Tại buổi tham vấn, các chuyên gia đánh giá, nếu được thực hiện bài bản, thận trọng và có sự giám sát chặt chẽ, đây sẽ là phương án tối ưu, toàn diện nhất cho việc cải tạo môi trường Hồ Gươm.

29

Nạo vét bùn Hồ Gươm năm 2011 - Ảnh: Hà Hồng

Bảo vệ thủy sinh và hệ vi tảo để giữ màu xanh đặc trưng

Hiện, đã có phương án thi công cụ thể để cải tạo chưa, thưa ông?

Dự kiến, Hồ Gươm sẽ có 57.000m3 bùn, phế liệu phải nạo vét, thanh thải trong phạm vi cách mép chân kè bờ và kè Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn là 7m. Đơn vị thi công sẽ chia thành 10 khu vực nạo vét nhỏ, luân phiên sử dụng lưới quây, dồn hệ thủy sinh vào từng vị trí riêng biệt, cách xa khu vực thi công để đảm bảo an toàn. Cùng đó, chúng tôi sẽ sử dụng máy xúc đứng đưa bùn lên phễu chứa của các xe bơm bùn, đưa vào bờ và vận chuyển đi. Riêng rác và phế thải sẽ được thu gom thủ công, chở bằng thuyền vào điểm tập kết. Đây là phần việc có khối lượng lớn và nặng nề nhất, dự kiến sẽ được hoàn tất trong 69 ngày (không kể thời gian chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực). Quá trình dùng máy móc nạo vét bùn đáy đòi hỏi đơn vị thi công phải hết sức thận trọng không để xăng dầu rơi rớt; Tiếng ồn, độ rung quá lớn gây ô nhiễm, hạn chế ảnh hưởng đến hệ thủy sinh dưới lòng hồ.

Nước hồ sẽ được bổ sung bằng nguồn nước ngầm tại chỗ. Một khi có nguồn bổ sung ổn định, cửa phai (cửa điều tiết nước từ bên trong thoát ra bên ngoài) có thể hoạt động đều đặn, phục vụ xả đáy, thau nước, giữ vệ sinh môi trường hồ. Cùng đó, chế phẩm Redoxy - 3C đã qua kiểm nghiệm thực tế, phù hợp với hồ Hà Nội sẽ được sử dụng để làm sạch và duy trì vệ sinh nước hồ.

Nhiều chuyên gia lo ngại việc nạo vét bùn bằng máy móc cỡ lớn có thể sẽ gây ô nhiễm ngoài mong muốn, ảnh hưởng đến động, thực vật trong hồ. Đặc biệt, các loại tảo lục, tảo lam vốn làm nên màu xanh đặc trưng của Hồ Gươm. Ông có cam kết sẽ không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ?

Chúng tôi xác định, Hồ Gươm có ý nghĩa rất quan trọng với Thủ đô và cả nước, do đó, khi lên kế hoạch đã cân nhắc rất kỹ các phương án để có thể bảo vệ được các thành phần thủy sinh, hệ vi tảo để giữ màu xanh đặc trưng như hiện nay. Chúng tôi sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của giới chuyên gia và tính toán, hoàn thiện phương án tổng thể hợp lý nhất. Sau đó sẽ trình UBND TP Hà Nội xem xét phương án để có thể nhanh chóng triển khai thi công.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.