Chuyện dọc đường

"Điểm danh" học sinh quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt, nên chăng?

30/10/2020, 07:51

Giữa những ngày cả nước một lòng hướng về miền Trung, các em nhỏ cũng… xin tiền cha mẹ để đến trường quyên góp.

img
Giúp các em nhỏ biết chia sẻ khó khăn với người khác là việc tốt nhưng các trường cần cách làm phù hợp hơn

Tôi ủng hộ tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ với đồng bào gặp khó khăn, song không đồng tình với cách huy động tiền bạc như phần lớn trường học đang làm hiện nay. Không nên “điểm danh” yêu cầu nộp cho đủ, càng không nên bóc phong bì rồi mời các em đóng góp nhiều nhất lên bục biểu dương.

Ở lứa tuổi của học sinh, nhiệm vụ của các em là học và chơi. Các em cũng có thể lay động trước sự khốn khó của người dân miền Trung nhưng từ cảm xúc đó đến hành động phải trên sự tự nguyện. Đồng thời, kết quả hành động phải gắn với điều kiện thực có của các em.

Các em nhỏ đều chưa kiếm ra tiền. Do đó, phần lớn tiền quyên góp từ học sinh thực chất là của phụ huynh (kể cả đó là khoản các em dành dụm), nên hành động này chỉ là hình thức. Chưa nói đến khía cạnh, hầu hết cha mẹ học sinh đều đã tham gia ủng hộ miền Trung qua cơ quan, đoàn thể, thì việc huy động thêm từ học sinh đã ít nhiều hướng các em đến tư duy và hành động: Cho đi phần không thuộc về mình!

Chưa nói, nếu là tự nguyện, thì có bạn nghèo, bạn giàu, bạn ít, bạn nhiều, thậm chí bạn không, bạn có... Liệu thầy cô giáo, nhà trường có cách thức tổ chức để những học sinh nghèo không bị mặc cảm, bị phân biệt?

Nhớ lại, những năm 80 đi học, mỗi lần nghe đài báo bão miền Trung, thầy hiệu trưởng trường tôi lại phát động phong trào: Những điểm tốt (8, 9, 10) ủng hộ.

Theo đó, trò nào được điểm cao sẽ có những phần thưởng như sách, vở, bút... (do thầy cô và một vài phụ huynh trong trường bỏ tiền mua).

Những phần thưởng nhỏ bé ấy sẽ được trao tượng trưng và tức tốc chuyển ngay vào miền Trung cho các bạn khó khăn hơn. Nhìn xe hàng lăn bánh khỏi cổng, thầy trò chúng tôi mắt rạng ngời hạnh phúc. Lúc ấy, thầy đã dạy cho tôi bài học đầu đời: Muốn giúp đỡ được người khác, không thể đi xin của ai mà chính mình phải cố gắng thật sự.

Ngày nay, đời sống đã khá hơn xưa nhưng sự sáng tạo trong giáo dục lại quá ư ít ỏi. Muốn có thế hệ sau đột phá hơn, bay xa hơn, thế hệ đi trước phải là những bệ phóng thực thụ, phải tạo được cho các em nền tảng ý tưởng và tư duy xử lý tốt, ngay từ khi còn nhỏ.

Cầm một tờ tiền từ ví của cha mẹ đến trường bỏ vào thùng là một điều quá đơn giản và dễ dàng - với các em - dù không dễ dàng với nhiều cha mẹ! Nhưng hành động này chẳng đọng lại trong các em nhiều cảm xúc, cũng không giáo dục cho học sinh giá trị thực sự - như ý nghĩa của thiện nguyện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.