Thế giới

Hồ sơ đau thương về một nước Iraq huynh đệ tương tàn (Kỳ 1)

04/10/2014, 18:34

Sự thù địch giữa Sunni-Shiite không chỉ mới bùng phát gần đây mà bắt nguồn từ sau cái chết của nhà tiên tri Mohammad vào năm 632 sau CN.

Kỳ 1: Mâu thuẫn truyền kiếp Sunni-Shiite

Sự thù địch giữa Sunni-Shiite không chỉ mới bùng phát gần đây mà bắt nguồn từ sau cái chết của nhà tiên tri Mohammad vào năm 632 sau CN.

Tín đồ Shiite tự hành xác trong ngày thánh lễ Ashura.
Tín đồ Shiite tự hành xác trong ngày thánh lễ Ashura.

Trước khi qua đời, nhà tiên tri Mohammad đã không chỉ định người kế vị (Caliph, tức Phó Vương). Điều này đã gây nên sự tranh cãi, tranh chấp rồi dẫn đến sự chia rẽ giữa hai nhóm tín đồ. Nhóm thứ nhất cho rằng Caliph cần được truyền theo huyết thống của Mohammad, nhóm này được gọi là những môn đồ Đi theo con đường (“Sunnah”) của nhà tiên tri, sau này chính là cộng đồng người Sunni. Nhóm thứ hai cho rằng người kế vị cần được bầu chọn một cách công bằng, được gọi là những người Ủng hộ Ali (“Shi’at Ali”), là cộng đồng người Shiite.

Hiện nay, có khoảng 90% người Hồi giáo trên thế giới theo dòng Sunni, số lượng đông hơn đã giúp cho Sunni trở thành dòng thống trị, còn những người theo dòng Shiite luôn cảm thấy bị người Sunni chèn ép. Giới cầm quyền thuộc dòng Sunni duy trì sự độc quyền về quyền lực của họ bằng cách không cho người Shiite tham gia quân đội và bộ máy hành chính, đối xử với người Shiite như đối với tầng lớp dưới, giới hạn họ ở các công việc lao động chân tay và không chịu chia sẻ các nguồn tài nguyên quốc gia một cách công bằng. Người Sunni nói rằng người Shiite không phải là những người Hồi giáo chân chính mà là những người theo dị giáo.

Tuy nhiên, người Shiite lại hình thành đa số ở những khu vực mà sau này trở thành những nhà nước hiện đại như Iraq, Iran, Bahrain.., là những khu vực sản xuất dầu lửa chủ yếu ở Trung Đông. Ở các nước Saudi Arabia, Lebanon, Pakistan…, người Shiite chiếm thiểu số, nhưng là “thiểu số quan trọng”.

Đến thế kỷ XVI, người Sunni ở Thổ Nhĩ Kỳ thuộc đế chế Ottoman giành được quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ Arabia và thắt chặt quyền thống trị của người Sunni. Người Anh, Pháp nắm quyền tiếp theo ở khu vực này, sau Chiến tranh thế giới thứ I đã chuyển giao các nhà nước mới được thành lập là Iraq, Lebanon, Jordan và Syria với đa số dân là người Shiite, cho các quốc vương là người Sunni. Người Shiite chỉ đóng vai trò thứ yếu, điều này đã dẫn đến hàng loạt cuộc nổi dậy ở Iraq vào các năm 1920, 1935, 1936, 1937, tất cả đều bị Anh đàn áp.

Sau cuộc cách mạng Hồi giáo Iran vào năm 1979, Iran trở thành quốc gia duy nhất mà người Shiite nắm quyền lực, đã làm thay đổi bản đồ chính trị Trung Đông. Iran muốn “xuất khẩu” tư tưởng cách mạng của người Shiite sang các nước trong khu vực làm cho các nước này, với cộng đồng người Sunni chiếm ưu thế, lo ngại.

Sự lo ngại này tiếp tục gia tăng sau khi Mỹ tiến hành can thiệp quân sự lật đổ chính quyền Saddam Husein và đưa người Shiite lên nắm giữ quyền lực tại Iraq năm 2003. Mỹ đã tiêu diệt người Sunni, khôi phục lại quyền lực cho người Shiite và nuôi dưỡng ngọn lửa chủ nghĩa phe phái mà không lường trước được hậu quả của nó.

Khi tình hình diễn ra không đúng dự kiến, Mỹ đã trang bị vũ khí cho một số nhóm người Sunni để chiến đấu chống lại phe kháng chiến Iraq, thành phần chính của các chiến binh người Sunni. Những diễn biến đẫm máu nhất hiện nay chính là hậu quả của chính sách như vậy.

Việc các phiến quân Hồi giáo cực đoan tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo có thể là sự khởi đầu một cuộc chiến tổng lực giữa Sunni-Shiite, đe dọa đốt cháy toàn bộ khu vực. Thậm chí, ngay khi IS bị đánh bại thì ảnh hưởng của nó trên khắp Trung Đông sẽ còn tồn tại lâu dài, cuối cùng có thể dẫn đến những cuộc nổi dậy vũ trang, bạo động và khủng bố mới.

Nguyễn Đăng Song

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.