Chuyện dọc đường

Hồ Tây sẽ thế nào khi khôi phục tàu du lịch?

24/03/2023, 07:23

Sau 6 năm dừng hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao ở Hồ Tây, Hà Nội dự kiến cho phép nhiều loại hình kinh doanh mở lại, trong đó có tàu du lịch.

Cụ thể, theo dự thảo quy định quản lý Hồ Tây được UBND TP Hà Nội bắt đầu đưa ra lấy ý kiến từ ngày 22/3, có 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động.

img

Sau 6 năm dừng hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, Hà Nội dự kiến sẽ cho phép nhiều loại hình kinh doanh mở lại, trong đó có tàu du lịch ở Hồ Tây. Ảnh: Tạ Hải

Đó là kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng ca nô, xe đạp nước trên hồ (không lưu trú qua đêm); vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy (kết hợp các công ty lữ hành du lịch quốc tế và nội địa trong khu vực); dịch vụ bơi thuyền (gồm chèo thuyền sup, thuyền kayak, chèo thuyền rồng, thuyền truyền thống); hoạt động thuyền lướt ván, thuyền buồm; bơi lặn…

Ngoài ra, thành phố cũng muốn Hồ Tây phát triển nhiều dịch vụ du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thể thao, biểu diễn nhạc nước, khinh khí cầu, bay dù lượn, kinh doanh sân tập golf nước trên hồ.

Hồ Tây là hồ tự nhiên lớn nhất của Thủ đô, từ xa xưa đã là một thắng cảnh nổi tiếng không chỉ của Hà thành. Xung quanh hồ và vùng phụ cận có 22 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng và một số làng nghề truyền thống nổi tiếng như hương Yên Phụ, đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, sen Quảng An…

Được đặt chân đến Hồ Tây là niềm mong ước của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Bởi thế mà mọi thông tin liên quan đến Hồ Tây, kể cả những thông tin như cá chết nổi trắng hồ dạo nào, đều được nhiều người rất quan tâm.

Còn nhớ, vào đầu năm 2017, Hà Nội đã yêu cầu chấm dứt hoàn toàn hoạt động kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng khai thác thủy sản của các doanh nghiệp trên Hồ Tây. Các chủ tàu thuyền du lịch, nhà nổi phải tự tháo dỡ phương tiện và di dời.

Mặc dù vậy, đến nay việc này vẫn chưa hoàn tất. Chính quyền quận cho rằng đang gặp vướng mắc trong cách thức di dời các tàu kể trên, dẫn tới việc chậm tiến độ. Lý do là các doanh nghiệp sở hữu tàu đòi đền bù nhưng không có cơ sở để đền bù. Nhưng nếu cưỡng chế cũng không đơn giản, bởi việc tháo dỡ hay phá dỡ những con tàu 400- 500 tấn cũng không đơn giản.

Khi còn chưa di dời được các tàu cũ nát, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường, việc Hà Nội lại tính cho khôi phục tàu du lịch đương nhiên sẽ khiến dư luận băn khoăn.

Quả thực, dư luận có quyền nghi ngại, bởi nếu như 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động, diện mạo Hồ Tây khi đó sẽ thế nào? Khi thành phố đã từng nỗ lực trong việc dẹp bỏ các hoạt động gây ô nhiễm, mất mỹ quan, giữ gìn vẻ đẹp cho Hồ Tây, vì sao đến nay lại tính đến việc này?

Hãy thử tưởng tượng, với từng đó dịch vụ, nào tàu du lịch, thuyền, xuồng ca nô, xe đạp nước trên hồ, nào thuyền lướt ván, thuyền buồm, bơi lặn, khinh khí cầu, bay dù lượn, chơi golf nước… Hồ Tây sẽ thế nào? Các hoạt động vui chơi, ăn uống chắc chắn sẽ kèm theo một lượng rác thải khổng lồ, việc giám sát và xử lý liệu có xuể không?

Đồng tình với chủ trương mở hoạt động du lịch của thành phố, từ đó người dân và du khách có thêm những trải nghiệm thú vị tại một thắng cảnh nổi tiếng, song làm sao để Hồ Tây không thêm ô nhiễm, cảnh quan được giữ gìn, đó mới là điều quan trọng nhất.

Mở thêm các hoạt động du lịch, thành phố sẽ có thêm nguồn thu không nhỏ. Nhưng nguồn thu ấy có đủ bù đắp cho sự đánh đổi về môi trường hay không thì lại là bài toán cần lời giải thấu đáo. Nhất là với một thắng cảnh như Hồ Tây.

Th.s Trần Thị Thương Huyền

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.