Tài chính

Hỗ trợ DN ảnh hưởng bởi Covid-19: "Cán bộ sợ sai, chỉ muốn được an toàn"

09/12/2020, 06:17

Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho chính sách hỗ trợ ảnh hưởng dịch Covid-19 không đến được với doanh nghiệp, người dân.

img

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho biết, tăng trưởng ngành dệt may năm 2020 dự kiến giảm 10% so với 2019

Các chuyên gia đã chỉ ra những nguyên nhân tại Diễn đàn Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - VCCI tổ chức sáng 8/12.

Chỉ 1 trong 40.000 DN du lịch được vay trả lương

Theo ông Nguyễn Tú Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, doanh nghiệp nói chung được hưởng chính sách đã ít, doanh nghiệp ngành du lịch lại càng ít hơn. Đơn cử như gói trợ cấp cho người lao động mất việc làm vì Covid-19, tại TP HCM có hơn 10.000 hướng dẫn viên, có 20 người được nhận gói 1 triệu/tháng/người, trong không quá 3 tháng.

Riêng Đà Nẵng khá hơn, nhưng hàng loạt địa phương khác thì không ai được nhận. “Chính sách thì tốt đẹp nhưng người dân không tiếp cận được”, ông Bình nhận xét.

Cũng theo ông Bình, tương tự là chính sách cho doanh nghiệp vay tiền để trả lương cán bộ công nhân viên, trong số 40.000 doanh nghiệp du lịch chỉ có 1 doanh nghiệp tiếp cận được gói này.

Chính sách vay tiền ngân hàng cũng không đỡ hơn bởi khó nhất là các ngân hàng đòi thế chấp tài sản trong khi doanh nghiệp du lịch chỉ có thể thế chấp bằng chính doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp lữ hành chỉ có uy tín, thương hiệu chứ có gì đâu nên rất khó và hầu như doanh nghiệp không tiếp cận được để vay. Chúng tôi khẳng định là chính sách này gần như không đến được với doanh nghiệp du lịch”, ông Bình nói và bức xúc: “Tại sao chủ trương ban hành ra lại không thi hành được?

Chúng tôi đề nghị khi ban hành phải tham khảo rộng rãi ý kiến cộng đồng doanh nghiệp. Ban hành quy chế không ai thực hiện được thì ban hành làm gì?”.

DN phá sản mới được hưởng chính sách?

Không chỉ đại diện ngành du lịch, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may, ngành có số lượng doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19, cho biết: Tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm của ngành là âm 20% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo năm 2020, doanh thu ngành dệt may tối đa đạt khoảng 35 tỷ USD, trong khi mục tiêu là đạt 40 - 42 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019.

“Trong 25 năm nay ngành này luôn tăng trưởng với tốc độ cao thì năm nay giảm ghê gớm như vậy. Năm nay cũng là năm mức sụt giảm lớn nhất trong 25 năm qua”, ông Cẩm thông tin.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp rất trông đợi gói hỗ trợ, các nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, sau đó ngành dệt may thấm thía, những gói hỗ trợ đó doanh nghiệp không thể tiếp cận được và xác định “tự mình cứu mình là chính”.

Bởi điều kiện để tiếp cận các gói hỗ trợ là doanh nghiệp phải có doanh thu, trong khi doanh nghiệp hiện không có khả năng tài chính, không đủ 50% người lao động được đóng BHXH… như yêu cầu.

“Nên muốn được hưởng hỗ trợ, doanh nghiệp chỉ còn cách phá sản! Trong khi đó, mục tiêu của hầu hết doanh nghiệp là giữ chân được nhiều người lao động nhất để hậu Covid-19 có thể phục hồi.

Doanh nghiệp không được hưởng gói hỗ trợ dù Hiệp hội có nhiều văn bản gửi Chính phủ nhưng tôi cũng không hiểu tại sao quy định quá ngặt nghèo như vậy”, đại diện Hiệp hội Dệt may lên tiếng.

Còn hiện nay, ông Cẩm cho biết, hầu hết các doanh nghiệp dệt may không bố trí được giờ làm thêm. Thời gian tới, số giờ làm còn giảm hơn nữa, công nhân tiếp tục nghỉ luân phiên và giảm lương.

“Nếu so tiền lương với năm trước thì năm nay giảm khoảng 500.000 - 1.000.000 đồng/người/tháng”, ông Cẩm nói.

Ông Đường Trọng Khang, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ ra, chính sách tốt, nhân văn, kịp thời nhưng tổ chức thực hiện lúng túng, không kịp thời và quá chặt chẽ.

“Cán bộ trực tiếp thực hiện có tâm lý lo sợ, sợ sai và muốn giữ an toàn cho mình nên chính sách không tới được doanh nghiệp và người dân”, ông Khang nhận xét.

Hỗ trợ phải đúng thời điểm, đúng đối tượng

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, theo khảo sát của VCCI, hầu hết các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều đánh giá các chính sách, các gói hỗ trợ là hết sức cần thiết, kịp thời nhưng mức độ lan tỏa chưa cao.

Cụ thể, sau 10 tháng thực hiện chính sách giãn, giảm thuế và tiền thuê đất mới có 66.700 tỷ đồng tiền thuê đất được gia hạn, 10.000 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô trong nước được gia hạn, 10.000 tỷ đồng tiền các loại thuế phí được miễn giảm. Trong khi đó, số tiền của cả gói chính sách này được Bộ Tài chính đưa ra là 182.000 tỷ đồng.

Hay đối với kết quả hỗ trợ của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến 20/10 vừa qua thì số giải ngân cũng chưa đạt 12.700 tỷ đồng cho hơn 12,7 triệu người và hơn 26.000 hộ kinh doanh. Số tiền hỗ trợ trực tiếp cho người lao động cũng chưa đạt con số 900 tỷ đồng (cho gần 889.000 người lao động).

Trong khi số lao động bị tác động bởi dịch Covid-19 khá lớn: 44.000 lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương; gần 760.000 người lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc; 85.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng mà không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ông Tuấn cho rằng, trong khi nguồn lực có hạn, cần chọn những ngành bị ảnh hưởng lớn nhất để tập trung hỗ trợ.

“Hỗ trợ thì liều thuốc phải đúng, hỗ trợ đúng thời điểm, đúng người. Nếu nguồn lực bị dàn trải thì không phù hợp”, ông Tuấn nói và cho rằng, đến nay đã là cuối năm 2020 nên cần rà soát, đánh giá độc lập hiệu quả của sự thụ hưởng chính sách này. Đồng thời, hiện dịch bệnh vẫn còn nên cần kéo dài các chính sách hỗ trợ.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng nhà nước
Kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ cho khách hàng

“Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 01 về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần sẽ kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ cho khách vay.

Đến nay, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 271.300 khách hàng với tổng dư nợ 350.080 tỷ đồng. Dư nợ được miễn giảm lãi suất cho vay có thời điểm cao nhất lên đến 1,1 triệu tỷ đồng.

Riêng gói tín dụng cho vay lãi suất 0%/ năm, đến ngày 1/12, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giải ngân cho 95 doanh nghiệp để trả lương cho hơn 4.200 lao động tạm thời bị ngừng việc do Covid-19 với số tiền hơn 15 tỷ đồng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.