Điện ảnh

Hỗ trợ phim độc lập: “Đập cánh giữa... hoang mang”

19/05/2015, 13:33

Phim độc lập rất có thể là con đường ngắn khuếch trương điện ảnh nước nhà.

Phim Mui
Hầu hết các nhà làm phim độc lập phải “giải tỏa” cơn khát làm nghề bằng... phim ngắn (Trong ảnh: Poster quảng bá cho phim ngắn Mùi).

Với dấu ấn ghi được tại ba liên hoan phim lớn nhất thế giới, những Đập cánh giữa không trung; Bi, đừng sợ!; Cha và con và... khiến người ta ngỡ ngàng nhận ra: Phim độc lập rất có thể là con đường ngắn khuếch trương điện ảnh nước nhà. Vấn đề là các nhà làm phim độc lập có thể đi được bao xa khi mà từng ngày, họ vẫn phải gắng sức tồn tại theo cách... tự bơi.

Tự sinh, tự dưỡng

Sau khi Đập cánh giữa không trung (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp) đoạt giải Phim hay nhất tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice (Liên hoan phim Venice), người ta bắt đầu ví von thế về tình cảnh của giới làm phim độc lập trong nước. Bởi lẽ ở ta, dòng phim này chào đời và phát triển theo kiểu: tự sinh, tự dưỡng, hoàn toàn không có “bà đỡ” trong tất cả các khâu: Kinh phí, quay phim, quảng bá, phát hành. Nói vui, nó tồn tại “ngoài luồng” như một dòng phim underground và tất nhiên bị săm soi kỹ lưỡng khi kiểm duyệt. Với những khó khăn đó, không có gì lạ khi những năm qua, số lượng phim độc lập dài “trình làng” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bảo sao, dân trong nghề vẫn hỏi nhau: Việt Nam đã có một cộng đồng làm phim độc lập hay chưa?

Thực ra là... đã có! Nếu dựa trên quân số hùng hậu các đạo diễn góp mặt trong tiệc phim ngắn toàn cầu YxineFF hay các khóa đào tạo của trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh Tpd, các lớp dạy sản xuất phim độc lập Gặp gỡ mùa thu và Hà Nội mùa xuân, chương trình “Phim trẻ” của VTV6... thì thấy phim độc lập đang là “thỏi nam châm” thu hút mạnh mẽ các nhà làm phim trẻ, bao gồm: Đạo diễn, quay phim, kịch bản...

Chỉ có điều, do không có điều kiện làm phim dài, họ đành “giải tỏa” cơn khát nghề bằng các dự án phim ngắn, tốn cực ít kinh phí và cũng dễ dàng phát hành trên Youtube, tất nhiên là phi lợi nhuận. Nhưng, các nguồn hỗ trợ cho phim ngắn, vốn đã hiếm lại còn không ổn định. “Phim trẻ” của VTV6 giảm từ mỗi tuần một số xuống còn hai tuần một số vì lý do khó nói. Tiệc phim YxinFF khép lại sau 5 năm “mở tiệc” online toàn cầu do vấn đề bản quyền, gây cú sốc lớn trong giới làm phim trẻ. Các chương trình đào tạo khác thì... tự phát, manh mún và luôn trong trạng thái thiếu thốn kinh phí. Nhắc đến tương lai của phim độc Việt Nam, ai đó thấy... hoang mang cũng đúng!

“Bảo hộ” phim độc lập, bao giờ?

Năm 2013, khi Cục Điện ảnh công bố Dự thảo Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, hạ mục tiêu: Năm 2020, Việt Nam trở thành nền điện ảnh hàng đầu khu vực Đông Nam Á và đến năm 2030, lọt top đầu các nền điện ảnh mạnh của châu Á, không ít người phì cười: Quá viển vông! Ai cũng biết, muốn “thăng hạng” trên bản đồ điện ảnh thế giới, cách duy nhất là “thắng lớn” tại các liên hoan phim quốc tế uy tín như: Berlin, Cannes, Venice..., cao hơn là tượng vàng Oscar. Đó là giấc mơ xa xỉ, xét đến mặt bằng phim Việt Nam luôn dôi thừa phim thương mại, phim “cúng cụ” cùng cơ chế đầu tư kinh phí chưa bao giờ ưu ái phim độc lập.

Thực ra, nhận thức được sức mạnh và khả năng bứt phá của dòng phim độc lập, cũng trong năm 2013, Cục Điện ảnh đã từng trình lên Chính phủ Đề án Thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh Việt Nam, dự kiến kinh phí hoạt động 50 tỷ đồng, và như lời của Cục trưởng Cục Điện ảnh – TS Ngô Phương Lan, Quỹ sẽ dành sự hỗ trợ thiết thực cho phim độc lập, phim tác giả, phim nghệ thuật. Trong một talk show trên VTV1, người đứng đầu Cục Điện ảnh cũng một lần nữa nhấn mạnh: Rất có thể, một trung tâm hỗ trợ phát triển phim độc lập, phim nghệ thuật sẽ được mở ra trong tương lai gần. Nhưng, nói thì dễ...

Nhắc đến bản dự thảo từng gây xôn xao một thời, đạo diễn Phan Đăng Di bày tỏ sự... thờ ơ: “Tôi không quan tâm đến dự thảo đã “dậm chân tại chỗ” mấy năm ấy. Trong thời gian đó, điện ảnh Đông Nam Á và châu Á đã có những bứt phá lớn với Cành cọ vàng của Thái Lan, Hàn Quốc, Iran..., còn Việt Nam thì vẫn đang ở nấc... lẹt đẹt nhất khu vực. Từng ấy thời gian, một thế hệ làm phim độc lập mới đã tốt nghiệp, ra trường và vẫn đang... tự bơi!”.

Một trong những người “bơi“ khá giỏi là đạo diễn trẻ Đỗ Quốc Trung. Anh đã có hai phim ngắn được VTV6 giới thiệu tại “Phim trẻ” và một dự án phim giành giải thưởng 3 nghìn USD của khóa đào tạo Gặp gỡ mùa thu, một con số quá nhỏ để có thể khởi động giấc mơ phim dài. Quốc Trung vừa gửi dự án phim dài đầu tay “Cha cha cha” đến Quỹ Hỗ trợ văn hóa của Đại sứ quán Đan Mạch, như một cách để nối dài giấc mơ phim độc lập.

Có một câu hỏi đặt ra: Phim độc lập Việt Nam phải “tự bơi”, vậy phim độc lập các nước Đông Nam Á khác thì sao? Đạo diễn Phan Đăng Di khẳng định: Phim độc lập ở đâu cũng gặp khó khăn, vì nó “kén” khán giả. Nhưng các nước trong và ngoài khu vực đều có chính sách hỗ trợ dòng phim luôn “đắt giá” tại các liên hoan phim quốc tế này. Chẳng phải tìm đâu xa, nhìn sang Philippines đã thấy sự khác biệt lớn với hiệp hội các nhà làm phim độc lập, với các festival phim độc lập thường niên, với hệ thống rạp chiếu phim độc lập trải rộng toàn quốc, với sự kết nối chặt chẽ giữa các nhà làm phim độc lập, các nhà sản xuất và phát hành. Chính phủ Philippines đã làm mọi cách có thể để phim độc lập luôn đảm bảo có “đầu ra”.

Những con số “trong mơ” được công bố chính thức tại hội thảo phim độc lập Philippines nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ ba khiến các nhà phim độc lập của Việt Nam choáng váng. Nhưng, họ còn sốc hơn khi ngay tại hội thảo, một đại diện của Cục Điện ảnh đã phát biểu lạnh lùng: Đã gọi là phim độc lập thì phải độc lập từ A đến Z!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.