Góc nhìn

"Hòa bình" kiểu... Ukraine, già néo đứt dây!

15/04/2015, 13:05

Khi bộ tứ Ngoại trưởng ngồi tại bàn đàm phán thực hiện thỏa thuận Minsk thì ngoài chiến trường, pháo vẫn rền vang Donbass.

artillery-22b0a
Đạn pháo tiếp tục nổ tại Đông Ukraine bất chấp lệnh ngừng bắn 

Ngày 14/2/2015, bốn ngoại trưởng của Bộ tứ Normandie gồm Nga, Pháp, Đức, Ukraine sau thời gian hội đàm đã nhất trí ký tên vào một bản tuyên bố chung.

Nội dung của bản tuyên bố này thực tế không khác gì với 13 điểm của thỏa thuận Minsk 2 có hiệu lực tròn cách đây 2 tháng (15/2/2015). Theo đó, vấn đề ngừng bắn được đặt lên hàng đầu, tiếp đến là rút vũ khí hạng nặng, và sau đó, Ukraine sẽ phải thay đổi hiến pháp và trao cho những người miền Đông quyền tự trị theo đúng ý nguyện.

Vấn đề đặt ra ở chỗ, khi bản tuyên bố chung ấy còn chưa ráo mực, thì ngoài chiến trường, súng vẫn nổ, xe tăng vẫn lăn bánh và pháo thì rền vang cả Donbass.

Đêm 13, rạng sáng ngày 14/4, kéo dài cả ngày này, Donetsk một lần nữa rung chuyển vì các cuộc tấn công của vũ khí hạng nặng. Cả phe ly khai và quân đội Ukraine đều đổ lỗi cho nhau về việc ai là người nổ súng trước. Nhưng từ những cuộc giao tranh này chỉ cho thấy một điều, thỏa thuận Minsk mà bốn Ngoại trưởng vừa thống nhất đảm bảo duy trì với nhau thực tế đã thất bại ngay từ khi vừa được ký kết hồi tháng 2/2015.

Nhưng vì sao biết rằng kết quả đã thất bại thì cả EU và Nga vẫn cố níu giữ vào cái sợi dây mong manh ấy? Một thực tế thì không có Minsk, mọi thứ sẽ phức tạp hơn với cả hai bên EU và Nga rất nhiều.

EU đã tuyên bố gia tăng trừng phạt Nga nếu thỏa thuận Minsk thất bại. Tuy nhiên, trừng phạt Nga đồng nghĩa với việc khơi dậy những mâu thuẫn trong nội bộ các thành viên EU. Bởi bản thân họ đang phân rã làm hai hình thái, một mặt theo đuổi ý chí Mỹ để đối đầu với Nga, mặt khác ủng hộ con đường hòa giải với nước Nga, bỏ Ukraine qua một bên và tiếp tục hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Do đó, thêm đối đầu, thêm trừng phạt chỉ khiến EU phân rã càng sâu sắc. Sự không nhất quán của EU còn thể hiện trong chính quyền của mỗi quốc gia thành viên. Tiêu biểu tại Đức, khi Berlin quyết định không mời Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh G-7 vào thời gian tới, đã có hàng trăm người xuống đường biểu tình vì chính sách đối đầu Nga của chính phủ.

Đó là lý do cá nhân của EU khiến phải duy trì thỏa thuận Minsks bằng được, dù là trên danh nghĩa. EU muốn có thời gian để giải quyết những vấn đề nội tại của mình trước tiên.

Còn với Mỹ, họ cũng không dại gì kết thúc thỏa thuận Minsk quá sớm. Nếu Minsk thành công, Mỹ sẽ mất cả chì lần chài khi các chiến lược của Moscow với Ukraine hoàn toàn thành công. Nếu Minsk thất bại, EU tiếp tục chia năm xẻ bảy với các chính sách gia tăng trừng phạt Nga, và sự thù ghét nước Mỹ trong lòng EU cũng vì thế mà tăng theo.

Do đó, Mỹ không hề muốn kết quả của thỏa thuận này sớm ngã ngũ. Càng kéo dài thời gian, Nga vừa thiệt hại về kinh tế, EU vẫn nằm dưới sự chi phối của Mỹ. Đó mới là lý do khiến thỏa thuận Minsks vẫn được duy trì, trong khi ngoài chiến trường, súng vẫn nổ đều đặn.

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, trong cuộc khủng hoảng Ukraine, già néo sẽ đứt dây....

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.