Trao đổi với Báo Giao thông, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nhiệm vụ 6 tháng còn lại là không hề đơn giản.
TS Nguyễn Đình Cung.
Tăng trưởng chưa ổn định
Kinh tế quý II tăng trưởng GDP đạt 6,93%, tương đương các quý II trước đại dịch. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?
Mức tăng trưởng này nhờ vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ phục hồi, tuy nhiên chưa ổn định.
Thực tế, cầu nhập khẩu từ bên ngoài phục hồi, nhất là các đối tác thương mại chủ yếu. Từ đó sản xuất công nghiệp phục hồi, song phụ thuộc rất nhiều vào cầu thị trường nước ngoài.
Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu do mức tăng trưởng âm của năm ngoái.
Năm 2023, xuất khẩu chỉ từ 25 - 29 tỷ USD/tháng giai đoạn 6 tháng đầu năm, bắt đầu từ tháng 8 vượt khỏi con số 30 tỷ USD. Còn 6 tháng đầu năm nay xuất khẩu lên mức 32 - 33 tỷ USD.
Mặt khác, chúng ta hay nói dịch vụ là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, nhưng lại đang có xu hướng giảm rõ rệt. Tốc độ tăng của dịch vụ giảm xuống mức thấp hơn trước đại dịch.
Dịch vụ tăng lên là nhờ du lịch phục hồi, chủ yếu ở khu vực dịch vụ ăn uống và lưu trú. Nhưng khu vực này chiếm chưa đến 10%, lại mang tính chất thời vụ.
Điều này thể hiện sự tăng trưởng không bền vững và có thể còn giảm mạnh khi hết thời điểm kỳ du lịch hè.
Còn về đầu tư công, tốc độ giải ngân vẫn thấp so với trước dịch. Đây là những dấu hiệu rõ nét cho sự tăng trưởng chưa ổn định.
Vẫn còn rào cản với khu vực tư nhân
Có ý kiến cho rằng đầu tư tư nhân đang quá thấp so với trước dịch, vậy điều này được thể hiện qua những chỉ báo nào, thưa ông?
Những năm trước, đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng trưởng từ 15 - 17%/năm, nhưng cả năm 2023 chỉ tăng 2,7% và trong nửa đầu năm nay tăng 6,8%. Nếu loại trừ yếu tố giá thì đầu tư tư nhân rất thấp, nhiều quý tăng trưởng âm.
GDP quý II tăng trưởng tích cực
Theo Tổng cục thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2024 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020 - 2024.
GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020 - 2024.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tính đến ngày 20/6 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,19 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Đầu tư của khu vực tư nhân rất quan trọng, chiếm 55 - 60% tổng đầu tư xã hội, là động lực cho tăng trưởng.
Trong khi đó, trong nửa đầu năm 2024 số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động là gần 120.000, tương đương với hơn 110.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Như vậy, tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập so với số rút khỏi thị trường là 1/1, mức thấp nhất trong nhiều năm nay.
Trước đây thông thường 4 doanh nghiệp gia nhập thì có 1 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Bên cạnh đó, ngành ăn uống tăng trưởng nhưng số doanh nghiệp trong ngành thành lập mới hay quay trở lại hoạt động lại giảm. Đây là hiện tượng rất đáng lưu tâm.
Tăng trưởng tín dụng thấp cũng thể hiện khu vực kinh tế tư nhân đang rơi vào giai đoạn khó khăn.
Được biết, ông vừa kết thúc chuyến đi thực tế dài ngày và làm việc với rất nhiều doanh nghiệp. Theo ông, nguyên nhân do đâu khiến đầu tư tư nhân lại thấp như vậy?
Có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, tôi thấy rõ nhất là các khâu giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp rất chậm, khiến họ mất niềm tin. Hoặc không ai quyết cho họ làm khiến việc đầu tư chậm trễ.
Tôi được nghe một doanh nghiệp chia sẻ, để làm một dự án ở khu công nghiệp trước đây mất khoảng 23 - 24 tuần cho tất cả các bước thủ tục.
Còn bây giờ phải mất thời gian gấp 3 - 4 lần như thế. Có những nhà đầu tư vì những thủ tục này mà bỏ dự án.
Các rào cản lớn nhất và phổ biến đối với phát triển doanh nghiệp là việc tiếp cận đất đai. Có nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng dự án cũng không được vì không còn nguồn đất, tìm nơi khác cũng khó được giải quyết, hoặc giải quyết chậm, khiến họ mất cơ hội đầu tư.
Thậm chí có những quy định "cười ra nước mắt" khi yêu cầu doanh nghiệp mở rộng đất đai, giải phóng mặt bằng phải có ý kiến của người dân xung quanh (Nghị định 35/2023). Nhưng khu công nghiệp thì lấy đâu người dân? Doanh nghiệp loay hoay mãi đành bỏ cuộc.
Hay một điều đáng lưu tâm là hiện nay, doanh nghiệp không muốn nhận bất cứ hỗ trợ nào của Nhà nước theo lối xin – cho và có xu hướng không muốn dính dáng đến sử dụng vốn, tài sản Nhà nước cả trực tiếp và gián tiếp. Họ sợ thanh tra, kiểm tra và kết luận có sai phạm...
Rà soát, đánh giá thu hút FDI
Ông đánh giá thế nào về việc thu hút vốn FDI thời gian qua?
Một số điểm nổi bật trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là đầu tư từ Trung Quốc tăng mạnh cả về số dự án và số vốn từ 2021 đến nay.
Kinh tế quý II tăng trưởng GDP đạt 6,93%, tương đương các quý II trước đại dịch. Mức tăng trưởng này nhờ vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ phục hồi.
Nhìn vào dự án đầu tư có thể thấy, 72% dự án tập trung 10 tỉnh xung quanh Hà Nội và TP.HCM.
Phần lớn số vốn đăng ký tập trung ở TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh xung quanh. 60% số vốn FDI đăng ký vào công nghệ chế biến, chế tạo, hơn 15% vào bất động sản, gần 9% vào năng lượng, còn đầu tư vào các dịch vụ khác thấp.
Phấn đấu tăng trưởng 6,5 – 7%
Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 9/11/2023 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 là khoảng 6 - 6,5%.
Ngày 10/07/2024, Nghị quyết 108/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương được ban hành.
Nghị quyết nêu rõ, thời gian tới, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình thế giới dự báo tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, rủi ro gia tăng. Ở trong nước, khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực, nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức cận trên từ 6,5 - 7%, lạm phát dưới 4,5%.
Điều đáng lưu ý, TP.HCM mấy năm gần đây số dự án tăng lên rất nhiều nhưng số vốn lại giảm đi nên quy mô nhỏ.
Không gian phát triển hiện nay của TP.HCM sẽ không thu hút được đầu tư công nghiệp. Mà không có đầu tư công nghiệp, chắc chắn không có được dự án quy mô lớn.
Rất cần những đánh giá, xem xét để biết chính sách nên thay đổi ra sao. Còn để thu hút theo vùng, phải có cú hích về động lực, phải thay đổi động lực, thay đổi cơ cấu danh mục đầu tư.
Nhiều tổ chức quốc tế như IMF, WB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay sẽ đạt gần 6%, trong khi mục tiêu chúng ta đặt ra là khoảng 7%, nhận định của ông thì sao?
Chỉ số tăng trưởng 6 tháng cuối năm có thể giảm dần so với quý II và 6 tháng đầu năm. Lý do là cầu nhập khẩu bên ngoài có thể vẫn chưa phục hồi chắc chắn và kim ngạch xuất khẩu hàng tháng chỉ khoảng 32 - 33 tỷ đồng/tháng, không cao hơn nhiều so với 6 tháng cuối năm ngoái.
Tức là, công nghiệp phục hồi chưa chắc chắn, kim ngạch xuất khẩu có thể tới hạn nếu năng lực sản xuất hiện nay không được mở rộng và nhu cầu nhập khẩu bên ngoài không tăng mạnh.
Còn cầu nội địa đang có xu hướng yếu đi. Du lịch về cơ bản đã phục hồi so với trước dịch nên không có sự đột biến tăng.
Đầu tư xã hội vẫn ở mức yếu. Trong đó, đầu tư tư nhân tăng trưởng thấp. Ngân sách Nhà nước có hạn về số tuyệt đối, tốc độ tăng trưởng có thể tiếp tục giảm và tình trạng chậm giải ngân vẫn tiếp diễn.
Riêng về FDI còn thấy điểm tích cực, nhưng thực tế cũng cho thấy Việt Nam không còn là điểm đến đầu tư được quan tâm cao như trước.
Lạm phát đang quay trở lại, hiện đang ở mức cao hơn mục tiêu điều hành, áp lực vẫn còn lớn trong 6 tháng cuối năm. Nguyên nhân do việc tăng lương từ ngày 1/7, tỷ giá USD tăng cao làm chi phí nhập khẩu đẩy chi phí sản xuất lên.
Chi phí vận chuyển còn cao do xung đột quốc tế kéo dài. Chưa kể giá điện, giá dịch vụ do Nhà nước quản lý, nhất là giáo dục có thể sẽ tăng vào dịp đầu năm học…
Lạm phát tăng thì lãi suất tiền gửi chắc chắn điều chỉnh tăng, làm lãi suất cho vay không thể giảm được.
Cần phản ứng chính sách kịp thời
Rất nhiều luật mới có hiệu lực từ ngày 1/7 và 1/8 như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tổ chức tín dụng… Theo ông, việc này sẽ tác động thế nào đến tăng trưởng kinh tế?
Tác động của những luật này cần được kiểm định. Thực tế, tôi đã đọc nghị định về giá, 4 phương pháp định giá đất. Tôi không thấy quy định "trong điều kiện nào thì áp dụng cái nào".
Đầu tiên, không có quy định rõ ràng sẽ xảy ra trường hợp khi kiểm tra sẽ có tình huống cơ quan điều tra đặt vấn đề "tại sao áp dụng phương pháp này, làm thất thoát tài sản Nhà nước". Đây là điều bất định đối với người áp dụng.
Thứ hai, việc tính giá theo phương pháp nào cũng rất phức tạp, đòi hỏi rất nhiều số liệu, dữ liệu…
Như thế, việc tìm ra nhiều loại công thức sẽ mất rất nhiều thời gian. Thứ ba, triển khai được những quy định trên cần có một bộ máy đồ sộ đi định giá.
Tương tự, các luật khác cũng khó thực thi được ngay khi cần có thông tư hướng dẫn.
Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra?
Như đã phân tích ở trên, rất nhiều thách thức đặt ra trong việc hoàn thành mục tiêu.
Điều quan trọng là các cơ quan chuyên môn phải đưa ra được những giải pháp cụ thể, phản ứng chính sách kịp thời để hóa giải khó khăn.
Cảm ơn ông!
TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:
Sáu nhóm giải pháp cần thực hiện
Để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024, ngoài 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng nêu ra trong Nghị quyết 93, cần tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp trọng tâm.
Một là, thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước, vốn chiếm trên 70% GDP của nền kinh tế. Các giải pháp là kích cầu thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội như giảm thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế VAT với thời hạn dài hơn, tỷ lệ cao hơn 2%; giảm giá dịch vụ hàng không, đường sắt để kích cầu du lịch; tăng cường các đợt khuyến mại với mục tiêu ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi giải quyết vấn đề nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, tạo an tâm về chỗ ở, khuyến khích tinh thần làm việc, nâng cao mức sống.
Hai là, cùng với thúc đẩy đầu tư công, thu hút vốn FDI, cần tập trung phục hồi và thúc đẩy đầu tư của khu vực ngoài nhà nước bằng các cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù trong bối cảnh khu vực ngoài nhà nước có hạn chế rất lớn về nguồn vốn.
Ba là, cần có giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, công nghệ, thông tin và logistics đồng bộ.
Bốn là, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, đặc biệt đối với thị trường nhập khẩu để giảm thiểu tác động của những cú sốc từ các thị trường này…
Năm là, ngăn chặn sự đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.
Sáu là, thực hiện các chính sách tài khóa như gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024…
H. Hạnh (ghi)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận