Tài chính

“Hoa mắt” với phí giao dịch ATM

06/07/2015, 06:15

Nhiều ngân hàng tăng các loại phí dịch vụ, khiến khách hàng cảm giác bị “rơi vào bẫy”...

42

Tăng phí ATM cần phải song hành với tăng chất lượng dịch vụ - Ảnh: Xuân Đoàn

Phí bủa vây khách hàng

Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng bắt đầu tăng và bổ sung phí giao dịch ATM. Trước đây, ba giao dịch đầu tiên đối với thẻ nội địa Eximbank vẫn miễn phí cho khách hàng thì từ đầu tháng 7, ngân hàng đã bắt đầu thu của khách hàng. Cụ thể, đối với giao dịch rút tiền nội mạng, khách hàng phải trả 1.100 đồng/lần, số tiền rút tối đa một lần là 5 triệu đồng, tối đa một ngày là 30 triệu đồng; nếu rút tiền từ ATM ngoại mạng, phí phải trả là 3.300 đồng cho một lần rút tiền. Đối với giao dịch chuyển khoản nội mạng trước đây miễn phí thì nay ngân hàng sẽ thu phí 2.200 đồng/lần.

Trước đó, một số ngân hàng cũng triển khai thu phí dịch vụ như ACB thu phí mở thẻ với mức 30 nghìn đồng từ đầu tháng 4/2015, HDBank thu phí thường niên là 60 nghìn đồng/thẻ từ tháng 5/2015...

Chị Quỳnh Liên (trú ở Thanh Trì, Hà Nội) cho hay, hôm 3/7, khi làm thêm một thẻ ATM của Eximbank cho cùng hệ thống với cậu con trai đang học ở TP HCM để tiện chuyển tiền, chị mới tá hỏa vì ngân hàng thu phí phát hành thẻ nhanh 100 nghìn đồng, rút tiền mặt trong hệ thống cũng mất 1.100 đồng/lần, chuyển khoản trong hệ thống cũng mất 2.200 đồng/lần. “Giờ động đến cái gì cũng phí. Phí cấp lại mã pin cũng là 20.000 đồng/lần; phí khiếu nại (nếu khách hàng sai) lên tới 50.000 đồng/giao dịch”, chị Liên than.

Chị Lê Thị Hạnh (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thẻ ATM thoạt nghe không tốn kém, nhưng tính chi ly, cộng dồn vào cũng là khoản tiền đáng kể. “Ngoài phí phát hành thẻ lần đầu là 100 nghìn đồng, hàng tháng tôi mất 3.300 đồng phí duy trì tài khoản thẻ, mỗi lần rút tiền từ ATM nội mạng thì mất 1.100 đồng, ngoại mạng là 3.300 đồng. Nhưng bực nhất là muốn rút có khoảng dăm triệu, mà nhiều khi phải rút nhiều lần mới đủ, thành ra hết mấy nghìn tiền phí”, chị Hạnh nói.

Thêm phí, chất lượng phải tương xứng

Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, trung bình doanh thu từ dịch vụ của các ngân hàng thế giới chiếm từ 30-40% trong tổng doanh thu của ngân hàng. Nhưng ở Việt Nam, rất ít ngân hàng đạt được con số khoảng 10-20%, có ngân hàng chỉ khiêm tốn ở mức vài phần trăm. Do đó, các ngân hàng phải tăng cường nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ như dịch vụ thẻ ATM để tiến tới chuẩn mực của quốc tế là nâng dần nguồn thu từ dịch vụ.

"Các ngân hàng xem xét giảm chi phí dịch vụ cho người dân và hướng tới các đối tượng có sức chịu đựng cao hơn như doanh nghiệp. Người dân Việt Nam có mức thu nhập thấp so với rất nhiều nước trong khu vực, chỉ khoảng 2 nghìn USD/năm, trong khi thế giới là 20 nghìn USD/năm. Nếu mức phí quá cao, người dân có thể sẽ quay lại dùng tiền mặt, đi ngược với chủ trương và mong muốn của Chính phủ”.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

“Công bằng mà nói, ngân hàng tăng thu để có nguồn đầu tư vào các máy ATM và điểm chấp nhận thanh toán thẻ. Bởi mỗi máy ATM có giá từ 40-50 nghìn USD, ATM của Trung Quốc cũng có giá từ 15-20 nghìn USD, mà đây lại là tài sản chết, khấu hao lớn, không sinh lời nên họ phải tìm cách bù lại”, ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, ông Hiếu nhìn nhận, việc người dân bức xúc với các phí dịch vụ thẻ là do chất lượng dịch vụ chưa tương xứng. “Chất lượng dịch vụ ATM của các ngân hàng Việt Nam hiện chưa đạt yêu cầu. Có lần, tôi cần gấp 2 triệu đồng tiền mặt nhưng phải đi lòng vòng 8 máy ATM của nhiều ngân hàng khác nhau mới có thể rút được, do máy thì báo lỗi không vận hành, máy thì báo hết tiền...”, ông Hiếu kể.

Chuyên gia tài chính Cao Sỹ Kiêm cũng thừa nhận, chất lượng dịch vụ thẻ của các ngân hàng Việt Nam hiện vẫn yếu và chưa đồng đều. “Ngân hàng nào thu phí dịch vụ mà không nâng cao được chất lượng thì sẽ thành ra “tác dụng ngược”, sẽ bị người dân tẩy chay”, ông Kiêm nói.

“ATM là dịch vụ tốt, nếu ngân hàng nào nhận thức được thì có chiến lược bền vững lâu dài, còn nếu chỉ chú trọng tới tăng thu trước mắt mà chất lượng không đi kèm thì sẽ mất lòng tin, mất thương hiệu và gây hại lâu dài cho cả nền kinh tế”, TS Cao Sỹ Kiêm lưu ý. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.