Đô thị

Hoả tốc đề nghị duyệt nhà thầu thực hiện loạt tuyến buýt thay Bắc Hà

30/07/2022, 09:28

Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản hoả tốc đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu loạt tuyến buýt...

Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản hoả tốc đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện các khối lượng công việc còn lại của 5 gói thầu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (tuyến số 41, 42, 43, 44, 45) sau khi hoàn thành quyết định chấm dứt hợp đồng thầu với Công ty TNHH Bắc Hà (Công ty Bắc Hà).

img

Sẽ có doanh nghiệp mới tiếp tục khai thác loạt tuyến buýt Bắc Hà để hoạt động VTHKCC không bị ngắt quãng

Theo Sở GTVT Hà Nội, các tuyến buýt trên sẽ kết thúc hợp đồng thầu cũ với Công ty Bắc Hà từ 1/8/2022, vì vậy để đảm bảo các tuyến buýt được vận hành liên tục không bị gián đoạn, ảnh hưởng nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân cũng như chất lượng dịch vụ vận tải VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn TP, công tác lựa chọn nhà thầu đối với 5 tuyến buýt này phải thực hiện xong trước 31/7/2022 để đơn vị trúng thầu có thời gian chuẩn bị phương án thực hiện hợp đồng mới từ ngày 1/8. Do đó, Sở GTVT Hà Nội đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phê duyệt.

Thông tin cụ thể về các gói thầu, Trung tâm Quản lý GTCC Hà Nội (Tramoc), 5 tuyến buýt số 41,42, 43, 44, 45 có hợp đồng gói thầu là 5 năm (60 tháng), thời gian thực hiện đến ngày 1/8/2022.

Tuyến số 41 bắt đầu thực hiện hợp đồng từ 1/4/2021, đến nay thực hiện 1 năm 4 tháng (16 tháng), thời gian còn lại 3 năm 8 tháng (44 tháng) đến hết ngày 31/3/2026.

Tuyến số 42 thực hiện từ 1/4/2020, thời gian còn lại 2 năm 8 tháng (32 tháng), thời gian kết thúc hợp đồng 31/3/2025.

Tuyến số 43 thực hiện hợp đồng từ ngày 1/4/2019, 3 năm 4 tháng (40 tháng), thời gian còn lại 1 năm 8 tháng (20 tháng), thời gian kết thúc hợp đồng 31/3/2024.

Tuyến số 44 thực hiện hợp đồng từ ngày 1/4/2021, đã thực hiện 1 năm 4 tháng (16 tháng), thời gian còn lại 3 năm 8 tháng (44 tháng), thời gian kết thúc hợp đồng 31/3/2026.

Tuyến số 45 thực hiện hợp đồng từ ngày 1/4/2020, đã thực hiện được 2 năm 4 tháng (28 tháng), còn lại 2 năm 8 tháng (32 tháng), hợp đồng kết thúc ngày 31/5/2025.

Về giá trị tổng 5 tuyến buýt trong 5 năm thực hiện theo hợp đồng có giá trị hơn 298 tỷ đồng.

Trong đó năm 2021 trị giá hơn 39 tỷ, 2022 trị giá hơn 59 tỷ. Từ năm 2019 - 2022, Tramoc đã thanh toán cho loạt tuyến buýt này hơn 105 tỷ, trong đó năm 2021 đã thanh toán gần 40 tỷ, năm 2022 tạm ứng hơn 26 tỷ, giá trị còn lại phải thanh toán trong năm 2021 là hơn 345 triệu. Giá trị hợp đồng đến hết ngày 31/7/2022, 5 tuyến buýt đạt doanh thu bán vé hơn 42 tỷ, chi phí vận hành hơn 172 tỷ, trợ giá hơn 130 tỷ.

Giá trị theo hợp đồng gói thầu còn lại của các gói thầu tính từ 1/8 tới đây khi Công ty Bắc Hà ngừng hoạt động cho thấy: Đối với giá trị theo hợp đồng gói thầu, doanh thu của 5 tuyến buýt là hơn 97 tỷ, trong đó chi phí vận hành hơn 395 tỷ đồng, trợ giá hơn 298 tỷ đồng. Giá trị còn lại tính từ 1/8: Doanh thu hơn 54 tỷ, chi phí vận hành 223 tỷ, trợ giá hơn 168 tỷ, tương đương giá trị hợp đồng còn lại là 56,4%.

Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đề xuất 2 phương án xử lý khi Công ty Bắc Hà xin bỏ loạt tuyến buýt.

Cụ thể, phương án 1, chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà và chỉ định thầu cho đơn vị thay thế có đủ có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu để tiếp tục khai thác vận hành 5 tuyến buýt (giá trị phân khối lượng công việc chưa thực hiện giao cho nhà thầu mới được tính bằng giá trị ghi trong hợp đông trừ đi giá trị của phân khối lượng công việc đã thực hiện trước đó).

Phương án 2, chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà, tạm dừng khai thác đối với 5 tuyến buýt để rà soát, tính toán lại dự toán, chi phí, thiết kế tuyến để hình thành gói thầu mới, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Cơ quan QLNN chuyên ngành GTVT của Hà Nội cũng cho biết cả 2 phương án trên (phương án 1 và phương án 2) đều phải tiến hành thủ tục trình UBND Thành phố cho phép chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà để xem xét phương án lựa chọn đơn vị thực hiện phân khối lượng còn lại.

Phương án 1 có ưu điểm là thay thế, lựa chọn ngay được nhà thầu để thực hiện khối lượng còn lại, duy trì liên tục hoạt động của các tuyến buýt, không gây xáo trộn về hoạt động đi lại của người dân, thuận lợi cho việc đàm phán, tiếp nhận, kế thừa khoảng 200 người lao động có khả năng mất việc làm đối với đơn vị được chỉ định thay thế.

Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là nhà thầu được lựa chọn thay thế thực hiện có ít thời gian để chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu về phương tiện, nhân lực thực hiện.

Phương án 2 có ưu điểm không bị áp lực về thời gian khi tổ chức lựa chọn nhà thầu. Hay nói cách khác nhà thầu có khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị phương tiện, nhân sự, các điều kiện để đáp ứng gói thầu.

Song, phương án này có nhiều nhược điểm lớn khi phải tạm dừng hoạt động các tuyến buýt trong khoảng thời gian nhất định để tổ chức lựa chọn nhà thầu khác (từ 6 - 9 tháng).

Việc vận hành tuyến không liên tục gây xáo trộn trong hoạt động đi lại của người dân, khó khăn cho việc kế thừa lao động, người lao động có nguy cơ mất việc làm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội

Hành khách đi lại thường xuyên trên các tuyến cũ sẽ phải chuyển từ 2 - 3 chuyến, thời gian di chuyển sẽ phải kéo dài (có thể hành khách sẽ chuyển qua sử dụng phương tiện cá nhân).

Đồng thời, với phương án 2 cơ quan quản lý sẽ phải xây dựng phương án điều chỉnh các tuyến buýt khác hỗ trợ cho 5 tuyến buýt trong thời gian tạm ngừng hoạt động, việc điều chỉnh các tuyến buýt hỗ trợ cũng sẽ phát sinh thêm chi phí, gây xáo trộn luồng tuyến.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.