Hạ tầng

Hoàn thành hai dự án ODA giao thông quy mô hàng nghìn tỷ

13/05/2020, 06:55

Hai dự án ODA quy mô nghìn tỷ là cầu Thịnh Long và dự án nâng cấp QL21 (GĐ2) vừa hoàn thành thi công, chuẩn bị nghiệm thu đưa vào khai thác.

img
Cầu Thịnh Long đã hoàn thành thi công trong tháng 4/2020

Ban QLDA Thăng Long (PMU Thăng Long) là một trong những “cánh chim đầu đàn” của Bộ GTVT trong công tác đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khi đang thực hiện quản lý nhiều dự án giao thông trọng điểm đảm bảo về tiến độ và chất lượng. Trong đó, hai dự án ODA quy mô nghìn tỷ đồng là cầu Thịnh Long và dự án nâng cấp QL217 giai đoạn 2 vừa hoàn thành thi công, chuẩn bị nghiệm thu đưa vào khai thác.

Chuẩn bị khai thác cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ

Ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch (PMU Thăng Long) cho biết, trong năm 2020, PMU Thăng Long đảm nhiệm triển khai 8 dự án giao thông sử dụng vốn ODA, Trái phiếu Chính phủ cho đến các dự án đối tác công - tư (PPP) như cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây, dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, cầu Thịnh Long, dự án nâng cấp QL217 giai đoạn 2… Các dự án đều cơ bản đều đáp ứng tiến độ và yêu cầu chất lượng. “Riêng dự án cầu Thịnh Long và nâng cấp QL217 giai đoạn 2 đã hoàn thành thi công tháng 4/2020, đang thực hiện các thủ tục nghiệm thu để đưa công trình vào khai thác”, ông Sơn chia sẻ.

Đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết, cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ trên địa bàn tỉnh Nam Định có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 2,4km, tổng mức đầu tư 1.158 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng trong nước. “Dự án khởi công từ đầu năm 2018 và hoàn thành toàn bộ công tác thi công trong tháng 4/2020. Hiện, các cơ quan liên quan đang tiến hành công tác nghiệm thu để đưa công trình vào khai thác sử dụng trong tháng 5/2020”, đại diện Ban QLDA Thăng Long chia sẻ.

Đánh giá về dự án này, ông Lee Sang Hoon, Giám đốc Điều hành Tư vấn Sambo - Jinwoo (Hà Quốc) nói: “Ngay từ khi khởi công, tiến độ và chất lượng công trình được kiểm soát rất chặt chẽ theo quy trình của dự án sử dụng vốn ODA. Các hạng mục đảm bảo chất lượng, tiến độ đúng yêu cầu của hợp đồng. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của Ban QLDA Thăng Long trong chỉ đạo, điều hành. Phải nói rằng, mọi thứ đều rất bài bản, chuyên nghiệp”.

Theo đại diện Ban QLDA Thăng Long, khi cầu Thịnh Long được đưa vào khai thác sẽ nối liền hai bờ sông Ninh Cơ, xóa cảnh qua sông phải lụy phà, kết nối hai huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng, rút ngắn khoảng cách 15km trên tuyến vận tải thị trấn Thịnh Long với TP Nam Định. Đồng thời, dự án còn góp phần nâng cao khả năng kết nối với các tỉnh trong khu vực trên tuyến đường ven biển, tiết kiệm chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Một công trình giao thông vốn ODA khác sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đang được Ban QLDA Thăng Long gấp rút hoàn thiện thủ tục để chuẩn bị nghiệm thu bàn giao là dự án nâng cấp QL217 (Thanh Hóa) giai đoạn 2. Ông Phùng Tuấn Sơn cho biết, dự án có chiều dài khoảng 47km (tổng mức đầu tư 1.717 tỷ đồng) đi qua ba huyện Cẩm Thủy, Bá Thước và Hà Trung của tỉnh Thanh Hóa, được khởi công từ đầu năm 2018 đã hoàn thành thi công trong tháng 3/2020.

“Dự án được đưa vào khai thác không chỉ có ý nghĩa lớn đối với tỉnh Thanh Hóa mà còn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển chung của khu vực. Bởi, tuyến QL217 cùng với các tuyến đường 6, 6A, 6B - tỉnh Hủa Phăn (Lào) thuộc Hành lang Đông Bắc của Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) kết nối vùng Đông Bắc Lào với Bắc Việt Nam và nối ra biển tại Thanh Hóa. Hơn nữa, việc nâng cấp các tuyến đường này sẽ giúp tối đa hóa tiềm năng kinh tế của hành lang Đông Bắc GMS, tạo điều kiện cho phía Bắc Lào tiếp cận thuận lợi với cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa”, đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết.

Tăng tốc giải ngân, đẩy nhanh tiến độ công trình trọng điểm

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, ngoài hai dự án giao thông vốn ODA đã hoàn thành, đơn vị đang quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh thi công các dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, cầu Sông Chùa trên QL1 đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành. “Trong tháng 5/2020, dự án cầu Sông Chùa trên QL1 sẽ hoàn thành. Còn lại dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đến nay khối lượng thi công đạt khoảng 82% và sẽ hoàn thành đưa vào khai thác trong tháng 9/2020”, ông Roãn nói.

Đối với hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang trong quá trình thực hiện đầu tư gồm: Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây, ông Roãn cho biết, hiện nay cả hai dự án đã hoàn thành công tác thiết kế kỹ thuật và dự toán. Ngoài hiện trường, công tác GPMB đang chuyển biến tích cực. Trong đó, cao tốc Mai Sơn - QL45, các địa phương đã GPMB được 46,8/63,4km (đạt 74%), cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng bàn giao 71,5/99km (đạt 72%).

Một dự án giao thông cấp bách cũng vừa được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể giao Ban QLDA Thăng Long tổ chức quản lý vào giữa tháng 4/2020 là dự án cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh và đường lăn CHK Quốc tế Nội Bài (tổng mức đầu tư 2.218 tỷ đồng). “Đây là dự án rất cấp bách, triển khai bằng hình thức giao thầu theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiện nay, chúng tôi đã trình Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư, dự kiến công trình sẽ khởi công cuối tháng 6/2020, hoàn thành thi công trong khoảng 20 tháng, rút ngắn 8 tháng so với kế hoạch trước đây”, ông Roãn chia sẻ.

Về công tác giải ngân, theo số liệu từ Vụ Kế hoạch - Đầu tư, tổng kế hoạch năm 2020 Ban QLDA Thăng Long được giao 3.777 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 4/2020, đơn vị đã giải ngân được 1.203 tỷ đồng (đạt 32% kế hoạch cả năm), vượt gần 8% so với mức bình quân chung của Bộ GTVT (24,6%), trở thành một trong những “đầu tàu” giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT.

Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, chỉ tính riêng trong tháng 4/2020, Ban QLDA Thăng Long giải ngân được 658 tỷ đồng. Trong đó, vốn giải ngân cho công tác GPMB hai dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây chuyển biến rất tích cực khi tỉnh Ninh Bình giải ngân được 102 tỷ đồng; tỉnh Đồng Nai giải ngân thêm 403 tỷ đồng. “Dự kiến, trong tháng 5/2020, Ban QLDA Thăng Long sẽ giải ngân thêm 400 tỷ đồng, nâng tỷ lệ giải ngân lũy kế lên 42% kế hoạch năm. Ban QLDA thăng Long phấn đấu sẽ hoàn thành giải ngân số vốn kế hoạch được giao trong năm 2020”, ông Roãn chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.