Văn hóa - Giải Trí

Hoãn trao Nobel Văn học 2018 vì hàng loạt viện sĩ từ chức

09/05/2018, 09:04

Loạt bê bối liên tiếp khiến Viện Hàn lâm Thụy Điển - cơ quan chuyên trách lựa chọn và trao giải Nobel Văn học...

25

Dòng người biểu tình bên ngoài tòa nhà Old Stock Exchange tại Stockholm để ủng hộ cựu thành viên viện là Thư ký thường trực Sara Danius - người đã từ chức để phản đối quyết định giữ Frostenson ban đầu của viện - Ảnh: Fredrik Per

Số 18 và loạt bê bối bủa vây

Cùng với sự lan rộng của phong trào #Metoo, cuối năm 2017, tờ Dagens Nyheter tung tin, nhiếp ảnh gia Jean Claude Arnault - nhà chỉ đạo nghệ thuật nổi tiếng của Thụy Điển bị 18 phụ nữ tố cáo đã có những hành vi quấy rối, xâm hại tình dục họ. Tin tức này đã gây chấn động Thụy Điển. Dù ông Arnault đã lên tiếng phủ nhận, nhưng sau tai tiếng này, vợ ông - bà Frostenson đã tuyên bố từ chức tại viện cùng với 5 thành viên khác, bao gồm cả Thư ký thường trực Sara Danius. Ngay sau đó, 2 thành viên nữa cũng xin rút lui vì lý do riêng, khiến Viện Hàn lâm Thụy Điển từ số 18 đại biểu đã rút xuống còn 10 thành viên.

Không chỉ vướng bê bối tình dục, Viện Hàn lâm Thụy Điển còn chịu nhiều chỉ trích xung đột lợi ích khi tài trợ cho Diễn đàn Kulturplats, một trung tâm văn hóa do vợ chồng ông Arnault điều hành. Ngoài ra, tờ Dagens Nyheter cũng chỉ ra trong một vụ cá cược, ông Arnault đã để rò rỉ tên của 7 người đoạt giải Nobel Văn học, bao gồm cả Bob Dylan (năm 2016) và Harold Pinter (năm 2005).

Chính những bê bối chồng chất đã khiến Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định hoãn trao giải thưởng Nobel Văn học 2018, sau cuộc họp của 10 thành viên. Tên của người thắng giải năm nay sẽ được công bố vào năm 2019. “Chúng tôi thấy cần phải dành thời gian để khôi phục niềm tin của công chúng đối với viện. Đây là sự tôn trọng những người đoạt giải văn học trong quá khứ và tương lai, Quỹ Nobel và công chúng nói chung”, Anders Olsson, Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển nói. Göran Malmqvist - một đại biểu của viện cũng chia sẻ trên Hãng tin TT rằng, viện đang lâm vào tình thế khủng hoảng và cần thời gian để khôi phục lại.

Trên New York Times, nhà văn Tim Parks nhìn nhận, sự việc lần này giống như một bộ phim hài. Thay vì mọi người đang hồi hộp đoán xem liệu Philip Roth có phải là người đoạt giải năm nay hay không thì bây giờ, họ lại ngơ ngác tự hỏi chuyện có trao giải hay không. Hài hước ở chỗ, người dính bê bối tình dục không phải là thành viên của viện mà lại là chồng của một thành viên tại đây. “Điều này cho thấy, giải thưởng quốc tế này ngày càng vô nghĩa, chưa bao giờ và cũng không bao giờ có bất cứ sự tín nhiệm nào”, Tim Parks nhận định.

Tim Park cũng phân tích, sự rút lui của bà Frostenson và một số thành viên khác khiến viện bị thiếu hụt đại biểu để biểu quyết những quyết định của viện (theo quy định là cần ít nhất 12 đại biểu). Trong khi đó, áp lực từ Quỹ Nobel và nhà tài trợ cho viện, chưa kể tới nhiều nơi khác là không hề nhỏ. Do đó, quyết định hoãn trao giải là điều dễ hiểu.

Quyết định khôn ngoan

Hệ quả của loạt bê bối liên tiếp đã được nhà biên tập văn hóa Thụy Điển Rebecca Lundberg chỉ ra, rất nhiều đơn vị hiện tại không còn muốn liên kết với viện. Trên BBC, Rebecca chia sẻ, đây là điều đáng buồn cho tất cả các tác giả, nhưng là một quyết định cần thiết. Viện có nhiều việc phải làm, phải tuyển mộ các thành viên mới nhưng với những tai tiếng trên, điều này sẽ rất khó khăn. Một đại diện của Viện Hàn lâm Thụy Điển khẳng định, các thành viên còn lại đã đồng ý biểu quyết thời gian tới, sẽ phải thay đổi các quy định và luật lệ của viện cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, việc quản lý tài chính và thông tin sẽ được siết chặt hơn.

Thực tế, quyết định hoãn trao giải thưởng năm 2018 đã được nhiều người hoan nghênh. Nhà phê bình văn học Maria Schottenius nói trên Dagens Nyheter: “Tôi nghĩ quyết định này là khôn ngoan và tốt nhất mà họ có thể làm. Họ sẽ có cơ hội để khôi phục lại tổ chức trong năm nay, lấp đầy những chỗ khuyết. Họ có thể trở lại với hình ảnh một cơ quan mạnh mẽ để trao giải thưởng”.

Trong khi đó, Chủ tịch Quỹ Nobel - ông Carl-Henrik Heldin đánh giá, những khủng hoảng thời gian qua gây ảnh hưởng bất lợi tới giải thưởng văn học và những thành viên trong ban giám khảo. Theo đó, quyết định của Viện Hàn lâm Thụy Điển nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình hình và sẽ giúp bảo vệ danh tiếng lâu dài của giải thưởng. Ông Heldin cũng thông tin, việc trao giải thưởng Nobel năm 2018 ở các hạng mục khác sẽ không bị ảnh hưởng. Tổ chức này mong đợi viện sẽ nỗ lực hết mình trong việc cải cách để khôi phục lại uy tín. Đồng thời, kêu gọi các thành viên còn lại của viện cởi mở hơn đối với bên ngoài trong tương lai.

Trong một tuyên bố trên NBC News, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thụy Điển Alice Bah Kuhnke cho rằng, Viện Hàn lâm Thụy Điển là một tổ chức độc lập và phải tự chịu trách nhiệm xây dựng lại uy tín cho mình. “Đối với văn học và nghệ thuật nói chung, những điều đã xảy ra là rất đáng buồn”, Bộ trưởng Kuhnke chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.