Xã hội

Hoàng Anh Gia Lai mong Quốc hội xem lại một quy định về thuế

24/05/2019, 18:28

Hoàng Anh Gia Lai thiết tha kiến nghị thay đổi cách thu thuế theo tinh thần của Chính phủ "tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển".

img
Trụ sở Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai

Ngày 24/5, khi nghị trường Quốc hội nóng lên với nhiều câu hỏi thảo luận về thuế doanh nghiệp, ông Võ Trường Sơn - Tổng giám đốc Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) có cuộc trao đổi với Báo Giao thông liên quan đến việc Cục Thuế tỉnh Gia Lai yêu cầu truy thu trên 106,4 tỷ đồng của doanh nghiệp này. Theo Cục Thuế Gia Lai, đây là khoản tiền thuế và khoản phạt liên quan đến Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 (hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2017) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Ông Sơn mong muốn, Quốc hội sẽ lắng nghe những tiếng nói từ doanh nghiệp để điều chỉnh chính sách.

Một thông tư áp dụng chưa "chuẩn"?

Theo ông Sơn, tại Khoản, 3 Điều 8, Nghị định số 20 đã quy định “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế. Quy định này không áp dụng với người nộp thuế là đối tượng áp dụng của Luật các tổ chức tín dụng và Luật kinh doanh bảo hiểm”.

Ông Sơn phân tích: "Cộng đồng doanh nghiệp đồng tình với việc ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP phù hợp với nguyên tắc chống xói mòn cơ sở thuế, qua đó đảm bảo lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp, của nền kinh tế, chống chuyển giá như Ngân hàng thế giới khuyến nghị, thực hiện mục tiêu đảm bảo thu Ngân sách Nhà nước đúng quy định, chống thất thu cho Ngân sách Nhà nước đối với hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định như trên quá ngắn gọn, chưa rõ ràng, từ đó ngành thuế đã ban hành các công văn hướng dẫn mở rộng, các hướng dẫn khác nhau về cách tính, đối tượng chịu mức khống chế… làm cho doanh nghiệp bị lúng túng, dẫn đến một số vướng mắc kéo dài việc giải quyết. Điều này gây thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hàng ngàn doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con".

"Công ty có nhiều công ty con thực hiện một hoặc nhiều dự án, nhưng các công ty này khi cần vốn đầu tư thực hiện dự án phải đi vay ngân hàng thì không đủ uy tín để ngân hàng cấp tín dụng. Vì vậy, công ty mẹ phải dùng uy tín của mình để vay ngân hàng, sau đó cho các công ty con vay lại với cùng mức lãi suất vay ngân hàng để thực hiện dự án. Đây là hình thức một giao dịch liên kết không làm thất thu ngân sách Nhà nước vì công ty mẹ hạch toán thu nhập lãi cho vay thu từ công ty con vào doanh thu chịu thuế và công ty con thì hạch toán chi phí lãi vay trả cho công ty mẹ vào chi phí tính thuế.

Trớ trêu thay, Nghị định 20/2017/NĐ-CP lại khống chế và loại trừ cả “lãi vay mà công ty mẹ trả ngân hàng” và “lãi vay mà công ty con trả công ty mẹ”. Điều này cho thấy có cái gì đó chưa hợp lý về logic và cũng không đúng với mục tiêu chống thất thu thuế", ông Sơn bày tỏ băn khoăn trong thực hiện Nghị định.

"Doanh nghiệp bị thiệt hại"

Ông Sơn cho biết, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nhiều lần kiến nghị Chính phủ sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP nhưng Chính phủ chuyển cho Bộ Tài chính trả lời, còn Bộ Tài chính lại chuyển cho Tổng cục Thuế trả lời doanh nghiệp và các Cục Thuế. Theo ông Sơn, những công văn trả lời của Tổng cục Thuế đều "né tránh" vấn đề và "trả lời chưa có tinh thần trách nhiệm".

Vị lãnh đạo Công ty CP HAGL cho biết ông nhận được trả lời từ Tổng Cục thuế như sau: “Đây là những nội dung vượt thẩm quyền giải quyết của Tổng cục Thuế. Do đó, Tổng cục Thuế ghi nhận kiến nghị của các đơn vị để báo cáo Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết và có hướng dẫn chung để cộng đồng doanh nghiệp biết và thực hiện".

"Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn chưa có sự thay đổi, ngành Thuế liệu sẽ hoãn truy thu thuế hay sẽ buộc các doanh nghiệp nộp thuế bổ sung khi khống chế lãi vay theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP năm 2017? Cộng đồng doanh nghiệp vẫn ăn ngủ không yên và mòn mỏi chờ đợi sự quan tâm giải quyết của Chính phủ theo tinh thần “Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển”.

"Thuế chồng thuế là đánh sai mục tiêu"

Liên quan đến Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP năm 2017, trao đổi với Báo Giao thông, Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang (TP.HCM) đã có những chia sẻ cụ thể.

Theo LS Trần Xoa, Nghị định 20/2017/NĐ-CP năm 2017 là một nghị định đúng. Tuy nhiên, tại Khoản 3 Điều 8 chưa có giải thích rõ ràng khiến cho doanh nghiệp bị áp thuế chưa đúng thực tiễn.

"Các doanh nghiệp Việt Nam có một đặc điểm là thường vốn ít và phải vay các ngân hàng để đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đối với các công ty hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con thì xảy ra việc công ty mẹ dùng uy tín của mình để vay một số tiền lớn của ngân hàng, sau đó phân bổ lại cho các công ty con.

Khi công ty mẹ giao vốn cho các công ty con thì xảy ra giao dịch liên kết nên bị áp vào khoản 3 điều 8, Nghị định 20/2017. Việc công ty mẹ vay vốn ngân hàng đã chịu thuế một khoản tiền lớn, sau đó giao lại cho công ty con lại bị đánh thuế. Điều này là bất hợp lý vì thuế chồng thuế. Điều này là đánh sai mục tiêu.

Đối với ngành Thuế, áp dụng theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, khi doanh nghiệp có giao dịch liên kết thì chi phí lãi vay sẽ bị khống chế. Thời gian qua ngành Thuế đã ban hành các văn bản hướng dẫn theo nội dung chính như sau: "Đối tượng chi phí lãi vay bị đưa vào diện bị khống chế là toàn bộ tất cả chi phí lãi vay chứ không phân biệt vay của bên độc lập theo lãi suất thị trường, vay bằng hình thức trái phiếu, vay ngân hàng thương mại, hay vay của bên liên kết; Đối với doanh nghiệp làm chức năng điều phối vốn trong tập đoàn vừa có chi phí lãi vay trả cho bên liên kết A vừa có thu nhập lãi cho vay thu khi cho vay lại đối với bên liên kết B thì: Chi phí lãi vay đưa vào diện khống chế không được xem xét bù trừ với thu nhập cho vay".

"Đây chính là các điểm vướng mắc cơ bản đối với các tập đoàn kinh tế hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, bởi vì nghiệp vụ điều phối vốn, vay và cho vay vốn giữa các công ty trong cùng tập đoàn là một nhu cầu tất yếu khách quan. Khi các công ty của tập đoàn cùng hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, áp dụng cùng chung một mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thì các tập đoàn hoàn toàn không có mục tiêu tránh/né thuế bằng các nghiệp vụ vay và cho vay lại như thế này", LS Trần Xoa nêu.

Trước đó, Báo Giao thông phản ánh, KTNN khu vực XII (trụ sở Đắk Lắk) trong báo cáo kiểm toán ngân sách năm 2017 đã kiến nghị với UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu áp dụng các biện pháp khắc phục 149,4 tỷ đồng nguồn tăng thêm từ các doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn. Số tiền nộp nhiều nhất là Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trên 106,4 tỷ đồng, gồm: tiền thuế hơn 88,7 tỷ đồng và hơn 17,7 tỷ đồng tiền phạt.

"Để hoá giải cho doanh nghiệp tránh khỏi những thiệt hại kinh tế, tôi đề nghị Chính phủ xem xét ra một văn bản giải thích Nghị định, hoặc uỷ quyền cho Bộ Tài chính giải thích rõ nội dung Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ. Nếu được tháo gỡ theo hướng như sau, cộng đồng doanh nghiệp chắc chắn sẽ rất vui mừng:

1. Chỉ khống chế chi phí lãi vay của bên liên kết; không khống chế chi phí lãi vay của bên độc lập, lãi vay bằng hình thức phát hành trái phiếu bán cho bên độc lập và lãi vay ngân hàng thương mại.

2. Đối với trường hợp công ty mẹ vay ngân hàng, vay bằng hình thức trái phiếu, vay của bên độc lập khác và cho công ty con vay lại thì chi phí lãi vay mà công ty con phải trả cho công ty mẹ được xem như lãi vay của bên độc lập, không đưa vào đối tượng bị khống chế.

3. Đối với trường hợp hai công ty là bên liên kết cùng hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cùng áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bằng nhau, mà bên cho vay đã kê khai thu nhập lãi cho vay vào thu nhập chịu thuế thì bên đi vay được kê khai toàn bộ khoản chi phí lãi vay tương ứng vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, không đưa vào đối tượng bị khống chế.

4. Đối với công ty làm chức năng điều phối vốn trong tập đoàn, có cả chi phí lãi vay trả cho bên liên kết và thu nhập lãi cho bên liên kết vay thì số tiền đưa vào đối tượng tính toán khống chế là số ròng sau khi bù trừ giữa chi phí lãi vay trả cho bên liên kết và thu nhập lãi cho vay bên liên kết".

Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang (TP.HCM)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.