Chất lượng sống

Hoang mang quýt Tàu nghi nhuộm chất gây ung thư

31/12/2015, 07:13

Khảo sát trên thị trường trong nước cho thấy, loại quýt Trung Quốc chứa chất gây ung thư đang bán tràn ngập đường phố.

Hinh 1 (1)
Quýt Tàu bán tràn lan trên đường phố Hà Nội.

Nhập hàng trăm tấn mỗi ngày

Mới đây, báo chí Trung Quốc thông tin, thương lái TP Tây An sử dụng phương thức bôi sáp để nhuộm màu, tạo bóng cho cam quýt. Đây là quá trình do máy móc tự động làm, gồm ba bước: Rửa sạch, sấy khô và bôi sáp. Sau khi được bôi sáp, cam quýt trở nên bóng đẹp và trông tươi ngon hơn.

Những trái quýt được bôi sáp chủ yếu là quýt xấu hoặc không còn tươi, trải qua quá trình “mông má”, những trái quýt này sẽ được mang đi đóng gói và dán mác xuất xứ ở bất cứ nơi nào. Điều đáng nói, nếu để trong thời gian dài, việc nhuộm này có thể khiến thuốc nhuộm ngấm sâu vào bên trong, khi ăn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc nhuộm màu cho hoa quả ở Trung Quốc đã có tiền lệ. Trước đó, nhà chức trách Trung Quốc từng kiểm tra và phát hiện cam Quảng Đông sử dụng hóa chất “Sudan” để nhuộm. Đây là loại hóa chất có thể gây nên một số bệnh ung thư.

Từ thông tin gây sốc trên, PV Báo Giao thông đã tiến hành khảo sát thị trường Hà Nội và phát hiện, rất nhiều quýt nhập từ Trung Quốc vẫn đang bày bán tràn lan khắp nơi, đặc biệt là các hàng quán, sạp bán rong hoa quả trên đường phố. Trên đường Nguyễn Xiển, cả một đoạn dài từ ngã tư Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi đến khu vực cầu Dậu (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), các sạp bán hoa quả “đáp” la liệt ven đường với rất nhiều loại hoa quả không rõ nguồn gốc như: Nho, táo, thanh long, me ngọt, cam, ổi, mít, dưa hấu, dừa xiêm… và đặc biệt là quýt. Chủ những sạp này quảng cáo là quýt Hà Giang, ngon, ngọt, đảm bảo và giá bán chỉ 15 nghìn đồng/kg.

Tại một số tuyến đường khác như Tố Hữu, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng… và một số chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn TP Hà Nội, loại quýt này cũng được bày bán phổ biến. Đặc điểm dễ nhận diện của loại quýt “Hà Giang” này là nhỏ, vỏ tươi rói, bóng nhẫy.

Qua miêu tả của PV, bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII (Lạng Sơn) cho biết, đây chính là loại quýt Trung Quốc, hàng ngày được nhập với số lượng lên tới hàng trăm tấn qua cửa khẩu.

Khẩn trương kiểm tra hoa quả nhập từ Trung Quốc

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho hay, quýt trôi nổi bày bán dọc đường Hà Nội hiện nay có phải là quýt nhuộm của Trung Quốc hay không ông chưa nắm được, bởi việc kiểm dịch thực vật và an toàn thực vật quản lý nhập khẩu hoa quả thuộc về đơn vị cấp trên là Cục Bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên, theo ông Hồng, trước những thông tin báo chí Trung Quốc đưa tin về loại quýt nhuộm tiềm ẩn nguy cơ độc hại như vậy, nhà chức trách Việt Nam cũng cần khẩn trương kiểm tra, kiểm định các loại hoa quả nhập từ Trung Quốc, đặc biệt là loại quýt bán rong dọc đường hiện nay. “Phải phân tích xem thuốc nhuộm đó là gì, có độc hại hay không thì mới đưa ra biện pháp xử lý cũng như khuyến cáo đối với người tiêu dùng”, ông Hồng cho biết.

Mục đích chính của việc nhuộm màu vỏ quýt là để tạo màu đồng nhất cho quả, khi đem bán sẽ cho giá trị kinh tế cao hơn.

Tuy nhiên, phần lớn các loại phẩm màu để nhuộm vỏ hoa quả đều có một đặc tính chung là tan được trong nước nên người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình hoặc hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của thuốc nhuộm bằng cách rửa thật kỹ hoa quả dưới vòi nước và gọt vỏ trước khi ăn”.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo

Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay, công nghệ nhuộm màu cho hoa quả như quýt thường sử dụng phẩm màu thực phẩm. Nếu trong trường hợp này, loại phẩm màu được xác định an toàn và trong danh mục được phép sử dụng thì không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, trong trường hợp hoa quả bị nhuộm bằng hóa chất như chất nhuộm vải, mực in… thì chắc chắn sẽ tiềm ẩn nguy cơ độc hại với sức khỏe con người.

Ông Vũ Minh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội khẳng định, phần lớn hoa quả không rõ nguồn gốc bày bán dọc đường phố Hà Nội hiện nay đều là hàng Tàu được lấy từ các chợ đầu mối. “Chợ đầu mối Long Biên vẫn liên tục có phản ánh về việc người ta bán hàng trôi nổi, hoa quả sử dụng hóa chất để dấm chín", ông Phú nhận định.

Theo ông Phú, tình trạng trên có nguyên nhân từ chính việc buông lỏng quản lý tại các chợ đầu mối hiện nay. Bởi, nếu quản chặt, hàng hóa trong chợ đầu mối đều là hàng sạch thì tình trạng hàng rong bán các loại hoa quả trôi nổi, kém chất lượng cũng sẽ không còn “đất sống” nữa. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.