Xã hội

"Hoạt động theo tôn chỉ, mục đích không hạn chế báo chí chống tham nhũng"

06/11/2020, 15:17

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Thông tin và truyền thông trước câu hỏi của đại biểu về vấn đề quy hoạch báo chí trong thời gian qua.

img
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Chiều nay (6/11), Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phan Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) về tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan, tổ chức chủ quản báo chí, phải bám theo tôn chỉ, mục đích, phản ánh bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam. Mỗi cơ quan, tổ chức có chức năng nhiệm vụ riêng và các cơ quan báo chí phải theo nhiệm vụ này, hay còn gọi là bám theo tôn chỉ, mục đích tuyên truyền.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tôn chỉ, mục đích giúp báo chí viết chuyên sâu và đây là cách tiếp cận của Việt Nam, được luật định.

Về ý kiến cho rằng, hoạt động theo tôn chỉ mục đích sẽ hạn chế báo chí chống tham nhũng, Bộ trưởng khẳng định điều này không hạn chế việc chống tham nhũng của báo chí. Bởi cơ quan báo chí thuộc lĩnh vực chuyên ngành của cơ quan chủ quản có toàn quyền đăng tải thông tin về các vụ việc tiêu cực, tham nhũng theo chuyên ngành, thậm chí báo chí viết rất sâu.

"Thời gian qua, có nhiều cơ quan báo chí, nhà báo đi tác nghiệp không đúng với tôn chỉ mục đích chuyên ngành. Việc này gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng đến uy tín, nhà báo. Bộ đã và sẽ nghiêm túc xử lý các cơ quan báo chí thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Liên quan đến việc “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc này đã xảy ra và đỉnh điểm của nó vào năm 2017, mỗi tuần có đến hàng chục vụ bị phát hiện. Đây là hành vi sai trái, từ năm 2018, Bộ đã dùng cồng nghệ để phát hiện các bài “sáng đăng, chiều gỡ”, thực hiện nhắc nhở cơ quan báo chí và yêu cầu giải trình, xử lý hành chính theo quy định. Hiện nay, hiện tượng này đã giảm đáng kể, mỗi tuần chỉ một vài vụ phải giải trình, nhưng chủ yếu do lỗi biên tập phải sửa lại.

Về tin sai, tin giả, Bộ trưởng cho biết đây là vấn nạn toàn cầu. Việt Nam là một nước có chủ quyền trên không gian mạng, do vậy các nền tảng nội dung xuyên biên giới buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Về thể chế, chúng ta đã ban hành Nghị định 15 về xử lý vi phạm hành chính trên mạng xã hội; về công cụ quản lý đã nâng cấp trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia với năng lực xử lý mỗi ngày là 300 triệu tin. Đồng thời, chúng ta có đường dây nóng của cục, sở thuộc Bộ Thông tin và truyền thông để tiếp nhận phản ánh về tin giả, tin xấu độc.

Bộ Thông tin và truyền thông đã làm việc cứng rắn với các nền tảng xuyên biên giới, nhất là Facebook và Youtube, các nền tảng này đã tăng mạnh số lượng tin giả được gỡ bỏ. Từ đầu năm tới nay, Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý hàng trăm trường hợp tin sai, tin giả. Số lượng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook năm 2020 tăng 30 lần so với 2017, của Youtube tăng 8 lần.

Thời gian tới, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng và định danh người sử dụng mạng xã hội để người sử dụng không nghĩ rằng vô danh nên vô trách nhiệm; yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam và đóng thuế. Bộ cũng đề nghị Quốc hội sửa hình thức xử phạt vi phạm từ mức tuyệt đối thành mức xử phạt theo doanh thu...

“Hiện nay, Google, Amazon, Facebook và Apple phát sinh doanh thu tại Việt Nam là hàng tỷ USD nhưng chưa đóng thuế”, Bộ trưởng Hùng nói và lấy ví dụ nếu mức phạt là 4% doanh thu, Facebook sẽ bị phạt 1 tỷ USD.

Trước đó, vào sáng 6/11, làm rõ phần chất vấn của đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) về quy hoạch báo chí đến 2025, kết quả thực hiện và giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ký quy hoạch báo chí. Tháng 6/2019, Bộ Thông tin và truyền thông đã có kế hoạch triển khai. Từ tháng 8, Bộ đã cùng ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với từng cơ quan báo chí, mỗi cơ quan nhiều lần.

Tháng 6/2020, Bộ Thông tin và truyền thông đã có báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện quy hoạch báo chí gửi Thủ tướng Chính phủ. Kết quả là đối với các hội, có 33 tổ chức hội ở Trung ương cơ quan báo, tạp chí thuộc diện quy hoạch đã xong. Đơn vị cuối cùng là Liên hiệp các hiệp hội khoa học kỹ thuật đã ký hôm nay.

Đối với quy hoạch báo chí ở các bộ ngành, có 13/29 bộ ngành đã triển khai quy hoạch. Đến nay, còn 2 cơ quan đã có phương án quy hoạch nhưng còn chờ hồ sơ cấp phép. Đối với quy hoạch báo chí địa phương, đã có 31/63 địa phương phải thực hiện quy hoạch. Nay còn 1/31 địa phương còn thiếu hồ sơ cấp phép. Theo lộ trình hết năm nay, thực hiện xong 100% quy hoạch báo chí.

"Sau quy hoạch sẽ còn nhiều việc khác như phát triển báo chí, xây dựng cơ quan báo chí chủ lực, cơ chế hỗ trợ đặt hàng báo chí, các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ mục đích", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.